Cuốn sách “Hiện tượng con người” của Pierre Teilhard de Chardin

Xuất bản lần đầu năm 1955, tác phẩm của Pierre Teilhard de Chardin đưa ra một quan điểm độc đáo về sự tiến hóa của vũ trụ, đã gây tiếng vang và tầm ảnh hưởng lớn. Tác phẩm sắp ra mắt độc giả Việt Nam qua bản dịch của Đặng Xuân Thảo, do NXB Tri Thức ấn hành.
Cuốn sách “Hiện tượng con người” của Pierre Teilhard de Chardin

Pierre Teilhard de Chardin là một học giả rất đặc biệt, vì ngoài việc là một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng với sự tham gia vào khám phá ra người vượn Bắc Kinh năm 1929, ông cũng là một nhà nghiên cứu triết học, thần học và còn là một linh mục Dòng Tên.

Chính những lĩnh vực đa dạng này đã ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của Teilhard de Chardin về phương pháp nghiên cứu loài người trong vũ trụ để từ đó đi đến một quan điểm độc đáo, trình bày trong cuốn sách này. Quan điểm này mở rộng thuyết tiến hóa đến lĩnh vực tinh thần và được coi là bước tiến quan trọng trong sự hòa giải giữa khoa học hiện đại và tôn giáo. Nghiên cứu trong cuốn sách khởi đầu từ một nghịch lý con người: trong khi khoảng cách hình thái học giữa con người và khỉ giống người là không đáng kể, con người lại khác những động vật đó biết bao.

Để giải thích nghịch lý này, tác giả lần theo qui trình tiến hóa trong quá khứ và nhận ra sự cần thiết của việc đưa vào qui trình đó một biến số mới – đó là mặt nội tại của sự vật, hay chính là tâm thần. Một hệ quả quan trọng của đề xuất này là sự tiến hóa hướng đến sự thống nhất ngày càng cao; và còn hơn thế nữa, con người chính là mũi tên chỉ hướng của sự tiến hóa. Dù thế giới vật chất có phân rã đến những trạng thái thấp nhất, thì những hi vọng cho tương lai của vũ trụ, nằm trong chính con người chúng ta, tức là trong nỗ lực của con người cùng đồng lòng xây dựng tinh thần của trái đất.

Giới thiệu về “Hiện tượng con người”, nhà giáo Phạm Toàn nhận định tác phẩm có nội dung quy mô, đồ sộ và một giọng văn hết sức nhã nhặn mà thuyết phục. Teilhard de Chardin đã vừa soi sáng, vừa giúp thống nhất cách nhìn thực tại của chúng ta, buộc những người có tinh thần tôn giáo không thể quay lưng lại với khoa học và thế giới tự nhiên, và những người có tinh thần duy vật không thể chối bỏ tầm quan trọng của cảm thức tôn giáo và thế giới tinh thần.

@NPKlaw.com