Hợp đồng cộng đồng: khái niệm, đặc điểm, phân loại và giao kết

  1. Khái niệm, phân loại hợp đồng cộng đồng

Hợp đồng cộng đồng còn được gọi là hợp đồng tập thể (collective contract). Loại hợp đồng này có các đặc trưng nổi bật về phương diện chủ thể giao kết hợp đồng, về sự biểu lộ ý chí giao kết hợp đồng, về hình thức của hợp đồng, và về hiệu lực của hợp đồng.

Hợp đồng cộng đồng: khái niệm, đặc điểm, phân loại và giao kết

Hợp đồng cá nhân được hiểu là loại hợp đồng do các cá nhân hay pháp nhân đơn lẻ giao kết với nhau và chỉ có hiệu lực áp dụng giới hạn đối với các bên giao kết đó[1]. Trong khi đó, hợp đồng cộng đồng có hiệu lực đối với cả những người không tham gia giao kết, ngay cả đối với những người phản đối các điều kiện của hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng cá nhân và hợp đồng cộng đồng không những rất khác nhau về phương diện hiệu lực mà còn khác nhau ở phương diện giao kết.

So với các loại hợp đồng khác, hợp đồng cộng đồng có các đặc điểm pháp lý như sau:

(1) Hợp đồng cộng đồng liên quan đến nhiều người trong một hoặc nhiều cộng đồng nhất định;

(2) Hợp đồng cộng đồng có hiệu lực đối với tất cả các thành viên trong một hoặc nhiều cộng đồng nhất định có liên quan, thậm chí có hiệu lực đối với cả những thành viên khác ngoài cộng đồng hoặc các cộng đồng đó;

(3) Yếu tố ý chí của các thành viên bị hợp đồng ràng buộc không phải là yếu tố cần thiết và được xem xét.

(4) Người trực tiếp giao kết nhân danh cộng đồng hoặc các cộng đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng, hợp đồng cộng đồng có nhiều điểm khác biệt với những loại hợp đồng truyền thống khác. Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù Bộ luật Dân sự năm (BLDS) năm 2015 không đề cập tới hợp đồng cộng đồng, nhưng các văn bản luật như Bộ luật Lao động năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Phá sản năm 2014 đều có các quy định về hợp đồng cộng đồng.

Từ những phân tích nêu trên, có thể đưa ra định nghĩa về hợp đồng công đồng như sau: “Hợp đồng cộng đồng là loại hợp đồng được giao kết giữa một nhóm cá nhân hay tổ chức, có hiệu lực áp dụng đối với tất cả các thành viên trong nhóm, cho dù những thành viên này không phải là bên trực tiếp giao kết hợp đồng, trong một số trường hợp, còn có hiệu lực áp dụng đối với cả những người không phải là thành viên trong nhóm (ví dụ thỏa ước lao động tập thể).

Có nhiều cách phân loại hợp đồng cộng đồng. Căn cứ vào sự biểu lộ ý chí của chủ thể ký kết hợp đồng, có thể chia hợp đồng cộng đồng thành hai loại sau:

– Hợp đồng giao kết giữa một bên nhân danh một hoặc nhiều cộng đồng với một hoặc nhiều bên khác mà có thể là một cá nhân, một thực thể khác hay một cộng đồng. Trong loại hợp đồng cộng đồng này, các bên biểu lộ ý chí đối lập nhau bởi họ trao đổi lợi ích với nhau (nói đơn giản quyền và nghĩa vụ của các bên tương ứng với nhau). Loại này thường thấy nhất là thỏa ước lao động tập thể.

 Hợp đồng giao kết giữa những người trong cùng một cộng đồng. Trong loại hợp đồng cộng đồng này, các bên biểu lộ ý chí đồng hướng với nhau (tuy nhiên có thể ảnh hưởng phần nào tới lợi ích của nhau). Ví dụ, nghị quyết của đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, nghị quyết của hội nghị chủ nợ trong trường hợp thương nhân bị phá sản… là hợp đồng cộng đồng.

Khi nghiên cứu về sự biểu lộ ý chí, có quan điểm cho rằng, trong hợp đồng thông thường hay truyền thống phải có sự biểu lộ ý chí ngược chiều nhau và hướng tới nhau chứ không có sự biểu lộ ý chí của các bên về cùng một đích[2]. Nhận xét này chưa thỏa đáng đối với các loại hợp đồng truyền thống như hợp đồng lập hội, hương ước… Vì vậy, không thể căn cứ vào hướng biểu lộ ý chí để xác định tính truyền thống hay tính hiện đại của các loại hợp đồng.

Thỏa ước lao động tập thể được giao kết giữa cộng đồng người lao động với chủ sử dụng lao động có hướng biểu lộ ý chí ngược chiều nhau và hướng tới nhau giữa hai bên. Song loại hợp đồng này không thể xem là loại hợp đồng truyền thống. Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần được giao kết giữa các thành viên của công ty với nhau nhằm một hoặc một số công việc hay mục đích cụ thể. Như vậy xét về biểu hiện bên ngoài, thì họ (những thành viên của công ty) luôn luôn biểu lộ ý chí đồng hướng. Tuy nhiên, xét cụ thể trong từng nội dung, trong từng trường hợp cụ thể, thì có thể có sự xung đột quyền lợi.

Vì vậy, có thể nói rằng, việc phân loại hợp đồng cộng đồng căn cứ vào hướng biểu lộ ý chí chỉ là một thủ pháp để tách các loại hợp đồng cộng đồng ra để nghiên cứu chứ không có ý nghĩa về nội dung pháp lý.

  1. Giao kết hợp đồng cộng đồng

Như phần trên đã đề cập, thoả thuận là yếu tố đầu tiên của hợp đồng. Theo truyền thống thông luật (Common Law), hợp đồng có bản chất là sự thống nhất ý chí (a meeting of minds) của các bên giao kết hợp đồng, và là yếu tố dễ gây tranh cãi nhất[3]. Sự thỏa thuận hay sự thống nhất ý chí có hai mảnh ghép – đó là: (1) đề nghị giao kết hợp đồng; và (2) chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Đề nghị giao kết hợp đồng luôn luôn được coi là một sự biểu lộ ý chí mong muốn tạo lập nên một sự ràng buộc trong khuôn khổ của một hợp đồng giữa bên đề nghị với bên được đề nghị. Điều 2.1.2 Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 định nghĩa đề nghị giao kết hợp đồng như sau: “Một đề xuất (proposal) được gọi là đề nghị (offer) nếu nó đủ rõ ràng và thể hiện ý chí của bên đưa ra đề nghị bị ràng buộc khi đề nghị giao kết được chấp nhận”.

Khoản 1 Điều 14, Công ước Viên  năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định: “Một đề nghị ký kết hợp đồng gửi cho một hay nhiều người xác định được coi là một chào hàng nếu có đủ tính xác định và nếu nó chỉ rõ ý chí của người chào hàng muốn tự ràng buộc mình trong trường hợp có sự chấp nhận chào hàng đó. Một đề nghị là đủ tính xác định khi nó nêu rõ hàng hoá và ấn định số lượng và giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc quy định thể thức xác định những yếu tố này”.

Quy định trên cho thấy, có hai điều kiện chủ yếu của đề nghị giao kết hợp đồng là: nêu rõ ý chí giao kết hợp đồng; và có đủ tính xác định.

Tính xác định ở đây phải được hiểu là: nêu rõ đối tượng và một số điều kiện thiết yếu của hợp đồng nếu được bên được đề nghị chấp nhận.

BLDS 2015 của Việt Nam yêu cầu phải chấp nhận toàn bộ các điều kiện của đề nghị. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng có thể được rút lại nếu thông báo rút lại được gửi đến trước hoặc đến cùng lúc với chấp nhận. Theo phương thức giao kết hợp đồng có gặp gỡ, trao đổi trực tiếp thì bên được đề nghị phải trả lời ngay về việc có chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng hoặc các bên có thể thỏa thuận về việc trả lời chấp nhận sau đó.

Tuy nhiên, trong giao kết hợp đồng cộng đồng, do tính chất khác biệt của loại hợp đồng này, đặc biệt là trường hợp giao kết hợp đồng có sự biểu lộ ý chí đồng hướng thì rất khó xác định đề nghị và chấp nhận đề nghị. Vì vậy, pháp luật thường đặt ra những trình tự, thủ tục đặc biệt khi giao kết đối với loại hợp đồng này.

2.1. Giao kết thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể là một loại hợp đồng trọng hình thức. Vì vậy, thủ tục giao kết thỏa ước lao động tập thể thường được pháp luật quy định khá cụ thể và chi tiết.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua 02 công ước và 02 khuyến nghị về thỏa ước lao động tập thể, bao gồm: (1) Công ước số 98 năm 1949 về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức thương lượng tập thể; (2) Công ước số 154 năm 1981 về xúc tiến thương lượng tập thể; (3) Khuyến nghị số 91 ngày 29/6/1951 về thỏa ước lao động tập thể; và (4) Khuyến nghị số 163 ngày 19/6/1981 về xúc tiến thương lượng tập thể (Công ước 154).

Thủ tục giao kết thỏa ước lao động tập thể cần đáp ứng yêu cầu sau: trước hết, sự nhất trí cao nhất như có thể vì các điều kiện của thỏa ước tập thể kể từ giai đoạn thương lượng, sơ thảo cần được quy định chặt chẽ và cần công khai cho mọi người bị tác động bởi thỏa ước này biết bởi quyền và nghĩa vụ chứa đựng trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, và chính họ là những người phải thi hành các điều kiện trong thỏa ước đó; thứ hai, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bởi lẽ, việc thi hành hoặc bất thi hành các điều kiện trong thỏa ước lao động tập thể có thể gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích của cộng đồng do chính tính chất ràng buộc số đông không tham gia giao kết của thỏa ước này tạo ra.

2.2. Ra nghị quyết hội đồng

Theo quy định của BLDS 2015, thủ tục ra nghị quyết hội đồng trong các pháp nhân cần bao gồm những bước sau: (1) triệu tập họp hội đồng; (2) điều kiện và thể thức tiến hành họp hội đồng; (3) thủ tục thông qua nghị quyết của hội đồng; và (4) biên bản họp hội đồng.

Việc vi phạm các quy định về thủ tục họp hội đồng dẫn tới nghị quyết (hợp đồng) bị vô hiệu hoặc có thể bị vô hiệu. Hình thức thông qua nghị quyết hội đồng có thể dưới hình thức lấy ý kiến các thành viên pháp nhân văn bản. Cuộc họp của hội đồng thành viên cần tuân thủ quy định của pháp luật về thành phần và số lượng thành viên tham dự. Biên bản họp hội đồng có giá trị chứng cứ về những gì đã diễn ra tại phiên họp. Do đó, pháp luật hay điều lệ thường quy định những nội dung chủ yếu phải được ghi trong biên bản

2.3. Ra nghị quyết của hội nghị chủ nợ

Nội dung và trình tự tiến hành phiên họp của hội nghị chủ nợ được Luật Phá sản năm 2014 quy định khá cụ thể. Nghị quyết của hội nghị chủ nợ chỉ hướng tới ba nội dung hay đối tượng chủ yếu là: (1) đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản do thương nhân không lâm vào tình trạng phá sản; (2) đề nghị phục hồi sản xuất kinh doanh của thương nhân bị mở thủ tục phá sản; và (3) đề nghị tuyên bố phá sản đối với thương nhân.

2.4. Đặc điểm của giao kết hợp đồng cộng đồng

Qua phân tích về giao kết ba loại hợp đồng cộng đồng nêu trên, có thể rút ra đặc điểm của giao kết hợp đồng cộng đồng như sau:

Thứ nhất, tất cả các hợp đồng cộng đồng thường phải thể hiện dưới hình thức văn bản và phải tuân thủ những theo những trình tự thủ tục giao kết đặc biệt do pháp luật quy định.

Thứ hai, thủ tục chia ra các bước phải tiến hành giao kết từ đề xuất giao kết, thủ tục gặp gỡ, nhóm họp cho tới chương trình nghị sự, tiến hành, trao đổi, đàm phán, ký kết, xác nhận và công bố…

Thứ ba, pháp luật có các quy định chặt chẽ về điều kiện về nội dung của từng loại hợp đồng và điều kiện có hiệu lực riêng biệt ngoài những điều kiện có hiệu lực chung của hợp đồng.

  1. Một số đề xuất, kiến nghị

Để hoàn thiện pháp luật dân sự về hợp đồng cộng đồng, chúng tôi có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, cần bổ sung quy định về hợp đồng cộng đồng trong BLDS làm cơ sở xác lập nguyên tắc chung cho sự điều chỉnh các luật chuyên ngành; đồng thời làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới hợp đồng cộng đồng;

Thứ hai, rà soát lại các quy định của luật chuyên ngành về hợp đồng cộng đồng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật;

Thứ ba, căn cứ vào quy định của BLDS, các luật chuyên ngành cần xây dựng quy chế pháp lý riêng cho từng loại hợp đồng chuyên biệt./.

 

[1] Corinne Renault-Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 26.

[2] Bùi Thị Thanh Hằng, “Giao dịch dân sự” (tr. 128 – 194), Giáo trình luật dân sự, Học viện Tư pháp, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 136.

[3] A. James Barnes, Terry Morehead Dworkin, Eric L. Richards (1991), Law for Business, Richard D. Irwin, Inc, p. 122.

Nguyễn Thị Thanh Thảo, Viện Chiến lược và Khoa học Công an – Bộ Công an; NCS. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mới cập nhật

Cùng chủ đề