Những cuộc IPO được quan tâm nhất trong năm 2014

1. Tổng công ty hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines
Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 do Thủ tướng phê duyệt, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ cổ phần hóa và chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) với tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ là 65 – 75%. Tổng vốn điều lệ của Vietnam Airlines hiện khoảng 9.000 tỷ đồng.
Mục tiêu cổ phần hóa là bảo đảm Vietnam Airlines có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ. Nỗ lực thúc đẩy tiến trình IPO ở Vietnam Airlines còn do cạnh tranh trên thị trường hàng không ngày càng mạnh với những gương mặt mới như Jetstar Pacific hay VietJetAir.

Những cuộc IPO được quan tâm nhất trong năm 2014

Tiến trình cổ phần hóa được Vietnam Airlines khởi động từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện IPO. Với thị phần lớn trong lĩnh vực bay nội địa, giới phân tích nhận định Vietnam Airlines đang được các nhà đầu tư rất quan tâm.
Hiện nay, Vietnam Airlines cũng đang thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là các khoản trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng. Tháng 12/2013, đơn vị này đã bán đấu giá thành công cổ phần của mình tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam với giá trị 260 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng đã thông báo đăng ký thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Mã CK: BMI). Giao dịch thực hiện từ 15/1 đến 12/2 thông qua hình thức thỏa thuận. Dự kiến Vietnam Airlines thu về khoảng 53,6 tỷ đồng sau khi thoái vốn khỏi Bảo Minh.

2. Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex
Theo quyết định xác định giá trị doanh nghiệp của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) sau cổ phần hóa sẽ có vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp IPO 49% cổ phần, còn lại Nhà nước sở hữu. Sau năm 2017, tập đoàn này mới tiếp tục bán tiếp phần vốn này của Nhà nước.
Vinatex là tổ hợp các công ty đa sở hữu gồm đơn vị mẹ là Tập đoàn Dệt May Việt Nam; các đơn vị nghiên cứu đào tạo; và gần 120 công ty con, liên kết. Đây là một trong những đơn vị dệt, may có quy mô lớn với quan hệ thương mại hơn 400 tập đoàn, công ty đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm hơn 20% tổng mức ngành hàng dệt, may cả nước.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, trong năm 2013, Vinatex đạt doanh thu 45,6 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD, tăng 12% còn kim ngạch nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10% so với 2012. Doanh thu nội địa cũng tích lũy thêm 15% và đạt 22.500 tỷ đồng.
Năm 2014, Vinatex dự kiến tiếp tục tăng tốc các dự án đầu tư, đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (TTP) với mục đích hội nhập các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu vòng đàm phán thành công, nhóm hàng dệt may ở Việt Nam sẽ hưởng ưu đãi thuế với 0% so với mức 17-35% như hiện tại. Tiềm năng của Vinatex theo đó được giới phân tích nhìn nhận là đầy triển vọng.
Hiện nay, công tác chuẩn bị IPO của tập đoàn đang trong giai đoạn hoàn tất. Song song với việc tái cơ cấu vốn sở hữu, Vinatex đã thoái 70% vốn ngoài ngành trong các lĩnh vực chưa đem lại hiệu quả kinh tế. Số này bao gồm cả các khoản đầu tư tại Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Một số khoản đầu tư còn lại chủ yếu nằm ở các công ty tài chính và theo dự kiến sẽ được thoái hết trong năm 2015.

3. Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp
Ngày 10/3, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) sẽ IPO với số lượng bán đấu giá là 49,7 triệu cổ phần. Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần là 10.200 đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau đợt IPO là 190 tỷ đồng. Cũng giống các doanh nghiệp trên, kế hoạch này nằm trong lộ trình tái cơ cấu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội giai đoạn 2013-2015 được Bộ xây dựng phê duyệt.
Công ty có tuổi đời trên 50 năm và hiện hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đầu tư dự án. Công tác cổ phần hóa được doanh nghiệp bắt đầu thực hiện từ năm 2010 nhưng tới nay mới tiến hành IPO.
Trong năm 2013, Hancorp còn gặp phải một số vướng mắc về vấn đề pháp lý gây ảnh hưởng đến hình ảnh công ty. Hồi tháng 9/2013, dự án chung cư cao cấp do công ty làm chủ đầu tư có tên Hancorp Plaza bị cư dân trong khu đòi bồi thường 140 tỷ đồng vì chậm giao nhà và các tranh chấp về thời hạn bàn giao căn hộ.
Cuộc IPO sắp tới được xem là bước tiến giúp công ty thay đổi toàn diện về hình ảnh cũng như mô hình hoạt động khi trở thành một doanh nghiệp đại chúng. Cùng với đó, các dự báo lạc quan về lĩnh vực bất động sản trong năm 2014 cũng là cơ hội để các nhà đầu tư đặt thêm kỳ vọng vào doanh nghiệp này.

4. Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 – Cienco 5
Ngày 6/1 vừa qua, Thủ tướng đã ra quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước lại vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo phương án này, Cienco 5 có vốn điều lệ là 439 tỷ đồng, tương ứng với 43.800 cổ phần. Trong đó bán đấu giá công khai 14.200 cổ phần, chiếm 32,38% vốn điều lệ. Nhà nước nắm giữ 15.400 cổ phần, tỷ lệ sở hữu 35%. Dù vậy, thời điểm IPO chính thức vẫn chưa được công ty thông báo cụ thể.
Cienco 5 hiện hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng giao thông – thủy điện, đầu tư kinh doanh khu đô thị và công nghiệp, tư vấn thiết kế. Theo báo cáo từ doanh nghiệp, trong năm 2013 Cienco 5 triển khai thi công 450 hợp đồng xây lắp, tổng giá trị trên 14.000 tỷ đồng. Giá trị sản lượng thực hiện hơn 5.166 tỷ đồng, đạt 106% so với kế hoạch.

5. Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng – Viglacera
Tổng công ty Viglacera dự kiến IPO vào ngày 12/02 sắp tới với 77 triệu cổ phần, trị giá gần 800 tỷ đồng. Số cổ phần chiếm 25% trên tổng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của công ty. Kế hoạch này nằm trong lộ trình do Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2013.
Được thành lập năm 1974, trải qua trên 35 năm phát triển, Viglacera tiền thân là Tổng Công Ty Thủy Tinh và Gốm xây dựng, hiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Công ty cũng có những tham gia lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và kinh doanh bất động sản.
Dù vậy, ba năm qua, tình hình kinh doanh công ty chưa thực sự tươi sáng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu và lợi nhuận của Viglacera giảm sút trong 3 năm trước cổ phần hóa. Trong đó năm 2012, công ty thu về 5.700 tỷ đồng và không có lợi nhuận.
Trong năm 2014, dự án đầu tư cho lĩnh vực xây dựng và nghiên cứu đào tạo của Viglacera tập trung chủ yếu vào nhà máy Sứ – Miền Nam với trị giá 300 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng triển khai đầu tư vào các đơn vị con và liên kết với số tiền 153 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn năm 2013-2018, Viglacera có trên 20 dự án quy mô lớn, nhỏ như Khu đô thị Xuân Phương, Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Khu đô thị mới Đặng Xá Gia Lâm.

6. Tổng công ty Nước và Môi trường Việt Nam – Viwaseen
Ngày 5/3, Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công. Sau thương vụ này, vốn điều lệ dự kiến công ty là 800 tỷ đồng. Trong đó số cổ phần chào bán là 22,5 triệu, tương ứng 28,1% vốn. Giá khởi điểm là 10.200 đồng mỗi cổ phần.
Viwaseen có gần 40 năm trong lĩnh vực cấp thoát nước và mội trường, từng tham gia những công trình trọng điểm quốc gia như Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường Hà Nội, Dự án cấp nước huyện Cần Giờ (TP HCM). Hiện nay, Viwaseen thi công nhiều dự án có giá trị trên 100 tỷ đồng như gói thầu 24: xây dựng và lắp đặt tuyến ống dẫn truyền cấp nước thuộc dự án xây dựng đường 5 kéo dài ở Hà Nội (171,7 tỷ đồng), gói thầu CP3 tại Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc và hệ thống thoát nước thành phố Nha Trang NT1.4 (296 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do tác động từ suy thoái kinh tế, chính sách cắt giảm đầu tư công và sự cạnh tranh ngày một gia tăng, kết quả kinh doanh của công ty thấp, lợi nhuận sau thuế không đủ đảm bảo theo phương án tăng vốn điều lệ đã xác định. Trong năm 2012, tổng tài sản doanh nghiệp không có biến động lớn so với 2 năm trước, đạt 1.170 tỷ đồng, nhưng doanh thu giảm 48% so với năm 2010. Lợi nhuận công ty cũng giảm mạnh từ 10,4 tỷ đồng (năm 2010) xuống còn 481 triệu đồng (2012).
Các đối thủ cạnh tranh lớn của Viwaseen bao gồm cả trong nước (Constrexim, Coma, Viwacox) và những công ty nước ngoài như Hitachi, Kukdong, Warotec. Hiện nay, do tình hình khó khăn về vốn nên các chủ đầu tư thường thực hiện đình, giãn tiến độ dự án, đặc biệt là thanh toán bù trừ trượt giá làm tăng các khoản thu ngắn hạn của doanh nghiệp. Hơn nữa, sự cắt giảm đầu tư công và đóng băng thị trường bất động sản những năm gần đây cũng gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp.
Dù vậy, Viwaseen cũng có những lợi thế riêng như được nhà nước hỗ trợ lãi suất, miễn-giảm-giãn nộp thuế để vượt qua khó khăn. Hơn nữa, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước tại Việt Nam vẫn lớn. Chuyện IPO Viwaseen được đánh giá là nâng cao chất lượng quản lý điều hành, tăng cường hiệu quả đầu tư cho bản thân công ty và bổ sung thêm lựa chọn mới cho thị trường chứng khoán năm tới.

@NPKlaw.com tổng hợp