Sắp luật hóa phương thức hòa giải thương mại

Sắp tới, hành lang pháp lý của Việt Nam sẽ có một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại – kinh tế mới, ngoài hai phương thức tố tụng quen thuộc là toà án và trọng tài thương mại, đólà hòa giải thương mại.

Sắp luật hóa phương thức hòa giải thương mại

Bộ Tư pháp đang soạn thảo nghị định về hòa giải thương mại.những nội dung cơ bản của nghị định như trình tự, thủ tục hoà giải, phí hoà giải, chỉ định hoà giải viên, cơ chế công nhận kết quả hoà giải… đã được ban soạn thảo cho ý kiến.

Theo đó, hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp trong đó các bên yêu cầu chỉ định người thứ ba (thường là hòa giải viên) để giúp các bên tự tìm ra giải pháp để giải quyết tranh chấp; ở nhiều nước phát triển trên thế giới như như Anh, Úc, Pháp, Bỉ… hòa giải thương mại đã hình thành, phát triển và chứng tỏ là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả.

Giải quyết tranh chấp kinh tế – thương mại bằng phương thức mới này có ưu thế hơn trọng tài và tòa án vì nó không phân định người thắng kẻ thua, kết quả hòa giải là hai bên cùng thắng, các bên tranh chấp sau khi hòa giải vẫn là các đối tác trong kinh doanh; trong khi trọng tài và tòa án thì tập trung vào việc áp dụng các điều luật điều chỉnh mối quan hệ, tình huống cụ thể, đến hành vi vi phạm hoặc không vi phạm điều luật, nên bên thua kiện tại tòa án hoặc trọng tài có nhiều khả năng không nhìn lại đối tác của mình nữa.

Hơn nữa, thời gian giải quyết bằng tòa án hoặc trọng tài thường rất dài và theo trình tự thủ tục luật định nên thường cứng nhắc. Hòa giải thương mại mang lại cho các bên những lợi ích mong muốn, các bên vẫn tiếp tục là đối tác của nhau. Ngoài ra, hòa giải thương mại còn đảm bảo tính bảo mật riêng tư mà các phương thức giải quyết tranh chấp khác không đảm bảo được.

Theo Cục Bổ trợ tư pháp thì từ thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại qua tòa án và trọng tài thời gian qua, có thể thấy, người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi một phương thức mới nhằm giải quyết tranh chấp linh hoạt, hiệu quả, nhanh chóng, thuận lợi hơn mà vẫn đảm bảo được bí mật và giữ được quan hệ đối tác.

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, việc xây dựng thể chế pháp luật về hòa giải thương mại là hết sức cần thiết nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển đa dạng các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn ở Việt Nam. Cho nên, theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng và ban hành nghị định về hòa giải thương mại trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với nhu cầu phát triển, chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta và hội nhập quốc tế.

@NPKlaw.com