Về hiệu lực của Hiến pháp

Trong tác phẩm “Chính trị luận”, khi bàn về Hiến pháp, Aristotle cho rằng: “Nơi nào luật pháp không có quyền lực, nơi đó không có Hiến pháp”. Vì Hiến pháp là đạo luật cơ bản về tổ chức bộ máy chính quyền. Một cơ chế hiệu quả đảm bảo hiệu lực của Hiến pháp cũng chính là làm cho chính quyền vững mạnh. Khi bàn về vấn đề này, nhiều học giả đề xuất thành lập Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, hội đồng này không phải nước nào cũng có. Suy cho cùng, đảm bảo hiệu lực của Hiến pháp không gì bằng bắt đầu từ việc củng cố quyền lực của luật pháp. Một quốc gia mà luật pháp có quyền lực mạnh khi luật pháp đó công chính, khi luật pháp được dân chúng tuân phục và khi uy quyền của chính quyền đối với dân chúng được đảm bảo.

Về hiệu lực của Hiến pháp

Công chính là công bằng và chính danh. Luật pháp sẽ chính danh nếu được ban hành đúng thẩm quyền và một khi có hiệu lực thì luật phải được áp dụng ngay lập tức. Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư; tình trạng thiếu thống nhất giữa luật và văn bản dưới luật đã làm suy yếu quyền lực của luật pháp.

Lấy ví dụ, việc chậm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013). Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn, các hành vi vi phạm vẫn sẽ được xử lý theo các nghị định và thông tư hiện hành. Đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, chưa thực sự phù hợp với tinh thần của nhà nước pháp quyền. Vì theo nguyên tắc áp dụng pháp luật cũng như được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, từ ngày luật này có hiệu lực, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đã phải hết hiệu lực.

Để dân chúng tuân phục, ngoài sự công chính, luật pháp cần sự ổn định. Việc hôm nay ban hành, ngày mai sửa đổi hay hủy bỏ, vô tình làm suy yếu quyền lực của luật pháp. Quy định phạt người đi xe không chính chủ, quy định cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học hay quy định ghi tên cha mẹ trên chứng minh thư là những điển hình cho tình trạng bất ổn của luật pháp. Những quy định này sau khi được ban hành một thời gian rất ngắn, do không phù hợp thực tế, thiếu khả thi nên các cơ quan chức năng đã phải quyết định hủy bỏ, gây ra tình trạng coi thường pháp luật trong dân chúng.

Nhìn chung, sự phân công và phối hợp giữa các nhánh quyền lực nên bắt đầu từ việc tăng cường hiệu lực của mỗi nhánh. Luật được ban hành phải đảm bảo tính công bằng, chính danh. Việc áp dụng và thực thi luật bởi các cơ quan công quyền phải minh bạch, nhất quán. Và luật pháp phải đủ ổn định để tạo thói quen tôn trọng, tuân thủ luật trong dân chúng.

Theo Rouen university