ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA BÀO CHỮA TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Tóm tắt: Trong vụ án hình sự, luật sư tham gia với vai trò là người bào chữa cho người bị buộc tội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, trợ giúp họ chứng minh mình vô tội hoặc khai thác tối đa các tình tiết có lợi nhằm giúp họ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, luật sư còn góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật khách quan của vụ án; khắc phục tình trạng truy tố, kết án oan sai, bỏ lọt tội phạm đem lại cho nền tư pháp Việt Nam sự công bằng, dân chủ, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa  tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Trong quá trình hành nghề của mình, chúng tôi và các đồng nghiệp tại Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế đã tham gia bào chữa trong nhiều vụ án hình sự với nhiều loại tội danh khác nhau từ nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; Tội xâm phạm quyền sở hữu; Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…vv. Thậm chí có những vụ án hình sự mà luật sư tham gia bào chữa, người bị buộc tội bị điều tra, truy tố, xét xử với nhiều tội danh khác nhau cùng một lúc mà các tình tiết, hoản cảnh, không gian và thời gian phạm tội khác nhau. Trong quá trình hành nghề đã mang đến cho luật sư trải qua những thăng trầm cùng các cung bậc cảm xúc khó quên, khi là niềm vui, lúc là nỗi buồn cũng như những trăn trở nghề nghiệp… Bài viết dưới đây, chúng tôi xin khái quát qua về đặc điểm tâm lý của luật sư khi tham gia bào chữa cho người bị buộc tội trong các vụ án hình sự.

  1. Hoạt động bào chữa trong vụ án hình sự

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa “Bào chữa là hoạt động dùng lý lẽ, chứng cứ để bênh vực một việc(1).  Còn dưới góc độ pháp lý, bào chữa được hiểu là việc dùng lý lẽ, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Bào chữa là quyền hiến định của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Đây cũng là quyền của bị can, bị cáo được đưa ra các chứng cứ, lý lẽ, được đặt câu hỏi, được tranh luận trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ người bào chữa, hay nhờ luật sư bào chữa cho mình. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Trong những người bào chữa nêu trên, luật sư được coi là người bào chữa chuyên nghiệp nhất vì họ được đào tạo cơ bản, chỉ được hành nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện và là người có thể tham gia bào chữa đối với mọi vụ án hình sự bởi  hành lang pháp lý rõ ràng đối với luật sư được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Luật sư và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

Trong quá trình hành nghề và tìm hiểu, chúng tôi đã tham vấn một số mô hình tố tụng trên thế giới như mô hình tố tụng tranh tụng có nguồn gốc từ mô hình tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ ở các nước theo hệ thống thông luật (Common Law) như Anh, Mỹ, Canada, Australia…) thì án lệ là nguồn chủ yếu và quan trọng được dẫn chiếu khi xét xử(2). Tố tụng tranh tụng chỉ ra rằng, sự thật khách quan vụ án sẽ được mở ra thông qua việc tranh luận tự do và cởi mở giữa hai bên (một bên là Cơ quan tiến hành tố tụng và bên kia là người bị buộc tội) có các dữ kiện chính xác về vụ việc. Tố tụng tranh tụng đề cao luật hình thức (thủ tục tố tụng) hơn luật nội dung. Thủ tục tố tụng tại phiên toà được thực hiện công khai, bằng miệng và tuân thủ triệt để nguyên tắc tranh tụng. Bên buộc tội và bên bào chữa tham gia phiên tòa với tư cách là đối tụng có trách nhiệm chứng minh về sự có tội hay vô tội của bị cáo. Tố tụng tranh tụng không có giai đoạn điều tra, mọi chứng cứ hoàn toàn do các bên tự thu thập và chỉ được đưa ra tranh luận tại phiên xét xử. Bên buộc tội và bên bào chữa sử dụng quyền kiểm tra chéo đối với người làm chứng để xác định tính trung thực hay sự thiên vị trong các lời khai của họ. Hoạt động bào chữa được thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình giải quyết vụ án mà không đơn thuần chỉ giới hạn trong việc bào chữa tại các phiên điều trần. Đối với mô hình tố tụng tranh tụng thì hoạt động tranh tụng được diễn ra ngay từ khi khởi tố vụ án. Hồ sơ được thu thập cả từ hai phía (bên buộc tội và bên gỡ tội). Đặc điểm nổi bật của mô hình tố tụng tranh tụng là bên buộc tội và bên gỡ tội có quyền năng như nhau, họ cùng thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ độc lập và tranh tụng công khai tại phiên tòa, thẩm phán và bồi thẩm đoàn sẽ không biết trước được hồ sơ của hai bên cho đến khi mở phiên điều trần. Tòa án chỉ là trọng tài để xem xét những chứng cứ buộc tội và những chứng cứ gỡ tội qua các phiên điều trần. Việc điều tra được thực hiện công khai tại các phiên điều trần. Việc quyết định bị cáo có tội hay không căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và do bồi thẩm đoàn quyết định. Đây chính là đặc điểm thể hiện rất rõ vai trò của luật sư bào chữa trong tố tụng hình sự theo mô hình tranh tụng. Trong mô hình tố tụng tranh tụng, vai trò của luật sư hết sức quan trọng và không thể thiếu. Họ không tham gia vào quá trình tố tụng với vai trò hỗ trợ, bổ sung mà là một trong những chủ thể chính tiến hành tố tụng. Luật sư là chủ thể bình đẳng, cùng với công tố viên sẽ cùng tham gia giải quyết để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Chính vì vậy, yếu tố công bằng, bình đẳng, dân chủ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo được đảm bảo rất cao.

Mặc dù không phải là người có quyền quyết định trong vụ án, nhưng luật sư bào chữa lại là người có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục thẩm phán và bồi thẩm đoàn (Jury) đưa ra quyết định. Để thực hiện hoạt động bào chữa, Luật sư phải tiến hành thu thập các chứng cứ quan trọng, thuyết phục nhất, phát triển các bằng chứng đó để xuất trình và tranh luận trước Tòa án. Luật sư phải có lý lẽ sắc bén, dự liệu trước được những tình huống sẽ diễn ra trong phiên tòa để chuẩn bị những lập luận có lợi nhất cho thân chủ của mình. Hoạt động bào chữa của Luật sư được thực hiện độc lập, công khai và được các cơ quan tố tụng tạo điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, không có nghĩa là luật sư không bị giới hạn về quyền hạn hay tự do làm bất kỳ việc gì có lợi cho thân chủ. Luật pháp các nước đều có quy định những gì Luật sư không được phép làm. Ví dụ, luật pháp Mỹ quy định Luật sư bào chữa không được phép dùng những từ ngữ gây kích động bồi thẩm đoàn, không được yêu cầu bồi thẩm đoàn cho rằng họ đang là bị cáo, không được xúc phạm cá nhân công tố viên(3).

Còn tại Việt Nam, theo chúng tôi mô hình tố tụng có sự pha trộn giữa xét hỏi thiên về thẩm vấn nhưng có thêm yếu tố tranh tụng. Theo đó, hoạt động tố tụng sẽ theo tuần tự từ điều tra, truy tố, rồi đến xét xử. Khi xét xử thì hồ sơ có thể được trả lại cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Trong hoạt động tố tụng hình sự như vậy đôi khi có thể không cần đến người bào chữa, thực tế trước đây cho thấy có rất ít vụ án hình sự có người bào chữa. Trường hợp bị can, bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật hoặc đang bị giam giữ thì rất ít có cơ hội để gỡ tội cho mình. Hoạt động xét xử theo “trục dọc” từ Điều tra, Truy tố đến Xét xử đều do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện bị đặt trước thách thức đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có tài đức vẹn toàn, phải công tâm, công bằng thì mới đảm bảo được quyền lợi của người bị buộc tội, bị can, bị cáo, đảm bảo lẽ phải để  công lý được thực thi.

Mặc dù tiến trình cải cách tư pháp luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng quan tâm để cụ thể hóa thành luật và trai trò của người bào chữa ngày càng đi vào “thực chất” hơn. Tuy nhiên, do nền kinh tế của đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, nhiều ngành nghề mới ra đời, các quan hệ xã hội mới phát sinh thường xuyên chưa kịp điều chỉnh, sự dấp dính từ giao dịch kinh doanh, thương mại, hành chính bị “hình sự hóa” dẫn đến thách thức không chỉ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, mà luật sư cũng chịu áp lực không kém trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng hành nghề để bảo vệ thân chủ của mình. Đây được coi là rào cản lớn trong quá trình tham gia bào chữa trong nhiều vụ án hình sự đối với các nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…trong thời gian gần đây làm cho tâm lý luật sư không khỏi hoang mang và ảnh hưởng đến định hướng đối với nghề mình đã chọn.

  1. Tâm lý của luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự

Tâm lý là tất cả các hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc con người, nó gắn liền và điều hành mọi hành vi, hoạt động của con người. Thuật ngữ “tâm lý học” (psychology) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, là sự kết hợp của “psyche” (tâm hồn) và “logos” (khoa học). Như vậy, tâm lý học có nghĩa là ngành khoa học nghiên cứu về tâm hồn, tâm trí và các hoạt động, tinh thần và tư tưởng của con người (cụ thể đó là những cảm xúc, ý chí và hành động). Tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người. Hiện nay, người ta định nghĩa Tâm lý học như một khoa học nhân văn có mục đích diễn giải các hành vi và ứng xử của con người trên cơ sở tâm trí bình thường hoặc bệnh lý. Nói cách khác, mục tiêu nghiên cứu của Tâm lý học là sự phối hợp của tư tưởng, cảm xúc và hành động ở con người(4).

Qua đó chúng ta có thể thấy tâm lý con người là rất phức tạp, bản thân mỗi cá nhân đều có những quy trình diễn biến, sắc thái tâm lý khác nhau. Quá trình diễn biến của tâm lý cũng chính là những hoạt động nội tại bên trong của mỗi con người, để rồi là sự lựa chọn thể hiện bằng hành vi ra bên ngoài.

Trong khoa học pháp lý, tâm lý tội phạm là trạng thái tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của tội phạm có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện tội phạm, sự hình thành tâm lý phạm tội, ý đồ phạm tội và những biện pháp, phương thức thực hiện tội phạm.

Ở mức độ nào đó, tâm lý tội phạm vô cùng phức tạp và có phần bí ẩn. Chuỗi hành vi phạm tội không tách rời nhau, mà chúng tác động, ảnh hưởng chi phối lẫn nhau. Nó chứa đựng cả hành vi thao túng tâm lý đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…. trong vụ án hình sự. Không những vậy, tâm lý tội phạm ở chừng mực nào đó còn có thể tạo ra những lầm tưởng và đánh lạc hướng cho cơ quan tiến hành tố tụng bằng những thủ đoạn rất tinh vi. Như đã trình bày ở trên cho thấy mô hình tố tụng của Việt Nam được thực hiện theo “trục dọc” xuyên suốt từ điều tra, truy tố cho đến xét xử, do đó, nếu bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức và sự công tâm của người tiến hành tố tụng bị dao động, lung lay dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan sẽ có thể tạo ra một “hồ sơ” không đúng bản chất sự việc. Và khi đó, luật sư với tư cách chỉ là người tham gia tố tụng nhưng lại thực hiện chức năng bào chữa để gỡ tội cho người bị buộc tội mà phải đi theo một “lối mòn” của hồ sơ vụ án thì thử hỏi luật sư còn giữ được vai trò đúng nghĩa của người bào chữa nữa hay không?.

Với mô hình tố tụng đặc thù cộng với những tình tiết phạm tội phát sinh trên thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội được pháp luật hình sự điều chỉnh, luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự luôn phải trăn trở khi đứng “giữa dòng” mà một bên bờ là bảo vệ thân chủ và bên bờ còn lại là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, không thể không nhắc đến điểm tích cực trong thực tiễn xét xử  thời gian qua là nếu không có vai trò của Viện kiểm sát cũng như vai trò của các luật sư, thì việc xét xử của Tòa án khó đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan vụ án. Có một  điều mà giới luật sư chúng tôi cũng suy nghĩ, trước đây chúng ta thường có quan niệm giữa Kiểm sát viên với Luật sư thường có một khoảng cách xa cách, có nhiều khi không thể lấp đầy, rồi mỗi bên nhận thức không đúng thì sinh ra quyền anh, quyền tôi, dẫn đến những va đập, ứng xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực tại phiên tòa. Xuất phát từ thực trạng như thế thì trong thời gian vừa qua, nhất là khi đất nước bước vào tiến trình cải cách tư pháp sâu rộng, thì trong nhiều phiên tòa hình sự, ngoài hai chức năng rất cơ bản của kiểm sát viên là chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa ra thì kiểm sát viên đã thể hiện đúng vai trò đối tụng để đối đáp, tranh luận đến cùng từng vấn đề với luật sư nhằm làm rõ bản chất vụ án và bảo vệ quan điểm truy tố của mình.

2.1. Đặc điểm tâm lý tích cực của luật sư khi tham gia bào chữa vụ án hình sự.

Trong hoạt động tố tụng, luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa hình sự, sứ mệnh của luật sư được xem như là “người gỡ tội” cho bị can, bị cáo vì thế luôn đối lập với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, thế nhưng về mặt ý nghĩa pháp lý lại đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan công bằng, đúng pháp luật, tránh cách nhìn phiến diện một chiều luôn buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Mỗi người luật sư đều mang trên mình sứ mệnh bảo vệ sự độc lập của nền tư pháp nói chung và bảo vệ thân chủ của mình nói riêng. Trong quá trình hành nghề của mình, chúng tôi đã tham gia rất nhiều vụ án hình sự về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp ….với những số phận pháp lý khác nhau của những phận người là chủ doanh nghiệp hoặc người có chuyên môn và trình độ cao được đào tạo bài bản trót mang lầm lỡ, không may vướng vào vòng lao lý, là luật sư bào chữa cho họ, chúng tôi đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc để tìm tòi, khám phá, tham vấn và học hỏi cả chuyên môn và những đặc thù của các lĩnh vực mới mẻ đó. Với những vụ án này, dù tình tiết vụ án rất phức tạp, trong đó có cả những chứng cứ và nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử nhưng lại phải tuân thủ quy trình thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Đây có thể được coi là điểm mạnh đối với những luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực liên quan thì luôn có một tâm lý tự tin để bào chữa cho người bị buộc tội.

Khi một người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong các vụ án hình sự thì họ thường có những tâm trạng hoang mang, lo lắng, luôn tỏ ra bất ổn, mất niềm tin và không biết trông cậy vào đâu để có thể giúp mình được minh oan hoặc có thể giúp mình giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi họ nhận thức được những hành vi của mình là hành vi phạm pháp luật. Lúc này, giống như tâm lý của một người có bệnh tìm đến bác sỹ, họ tìm đến và đặt niềm tin vào luật sư, họ tìm đến luật sư với mong muốn luật sư giúp họ tìm lại công bằng, lẽ phải khi bị oan sai và có cảm giác được “bảo vệ” và “che chở”, đưa đường chỉ lối cho mình thoát khỏi những bế tắc. Có không ít trường hợp là cha mẹ, vợ hoặc chồng, anh em ruột thịt, đồng nghiệp tìm đến luật sư khi người thân hoặc đồng nghiệp của họ đang là người bị tạm giam, bị can, bị cáo họ tìm đến luật sư không phải để nhất nhất yêu cầu luật sư phải “cãi trắng án” hay tìm cách thoát tội cho người thân của mình mà chỉ mong muốn luật sư bào chữa để người thân của họ được vô tội, được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, dựa trên các tình tiết của vụ án, luật sư phân tích, giải thích dưới góc độ pháp lý để người thân của họ biết và nhận ra những sai lầm của mình, giúp họ giác ngộ để làm lại cuộc đời.

Có những bị cáo mang án tử, hoặc những bị cáo không có điều kiện mời luật sư thì vẫn được chỉ định luật sư bào chữa, hoặc được là trường hợp trợ giúp pháp lý miễn phí thì đối với họ cũng là một niềm an ủi, họ sẽ cảm nhận được dù họ có mắc sai lầm, có phạm tội thì cũng vẫn nhận được sự nhân văn của pháp luật, vẫn có luật sư đồng hành cùng mình. Từ đó, các bị cáo từ cảm giác buông xuôi, bất lực, tự ti, phẫn uất, nhưng khi được tiếp xúc luật sư, được giải thích, được đưa ra những lời khuyên hữu ích, họ đã tự giác, hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, chấp hành án, cố gắng cải tạo và làm lại cuộc đời khi chấp hành xong hình phạt tù.

Chính những thái độ tích cực, niềm tin từ những bị can, bị cáo và người thân của họ dành cho luật sư sẽ là động lực giúp luật sư cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng hành nghề và thêm tin yêu về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Tạo cho luật sư một tâm lý thoải mái, cảm nhận được niềm vui, nhận thức rõ được vai trò và ý nghĩa của việc bào chữa của mình cho thân chủ trong vụ án hình sự.

Bằng tất cả sự kiên trì và đầy nhiệt huyết, những cảm xúc của sự hài lòng và tự hào được tạo ra từ việc trợ giúp  thân chủ là điều mà chúng tôi không thể phủ nhận. Mỗi khi đóng góp vào việc tạo ra kết quả tích cực và nhận được sự cảm kích và biết ơn từ phía thân chủ, chúng tôi cảm thấy phấn khích và hạnh phúc với vai trò bào chữa của mình. Sự tự hào khi thân chủ tin tưởng vào kiến thức chuyên môn và kỹ năng của mình để thực hiện đúng trách nhiệm là một phần không thể tách rời trong hành trình làm nghề luật sư. Đồng thời, việc cảm thấy tự tin và vững vàng trong kiến thức chuyên môn cũng là một nguồn động viên lớn cho luật sư. Sự cam kết và đam mê trong việc tìm hiểu và áp dụng các nguyên tắc pháp lý vào từng vụ án mình được tham gia. Luật sư làm việc bằng cả sự chân thành và đam mê nhất với nghề, luật sư không chỉ làm theo đuổi sứ mệnh cá nhân của mình mà còn đóng góp vào sự công bằng và công lý trong xã hội.

2.2. Đặc điểm tâm lý tiêu cực của luật sư khi tham gia bào chữa vụ án hình sự.

Bên cạnh những niềm vui, niềm tự hào về nghề nghiệp của mình thì quá trình tham gia bào chữa trong vụ án  hình sự, luật sư cũng đã gặp không ít những khó khăn, những cảm xúc, tâm trạng tiêu cực khi tham gia hành nghề.

2.2.1. Đặc điểm tâm lý của luật sư trong giai đoạn điều tra, truy tố trước khi đưa vụ án ra xét xử

Khi thân chủ thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với những tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thường là những tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, đa phần là những tội danh liên quan đến các nhóm tội an ninh quốc gia; Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người; Tội xâm phạm quyền sở hữu; Tội phạm về chức vụ …Do đó, những người phạm tội này thường phải chịu mức hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Tâm lý của những người phạm tội này đều rất phức tạp khó đoán, thường chuyển từ trạng thái căng thẳng, lo lắng, run sợ sang thái độ hung hãn và bất cần vì thế khi tiếp xúc với thân chủ trong tình huống này tại các giai đoạn tố tụng từ giai đoạn điều tra, khởi tố và xét xử vụ án tâm lý của luật sư cũng có những cảm xúc khác nhau kèm theo những áp lực ghê gớm. Thường thì những người bị buộc tội này, sẽ bị tạm giam trong quá trình điều tra và không được tại ngoại, luật sư tham gia bào chữa cho họ là do được cơ quan tố tụng chỉ định hoặc do người thân của bị can mời để bào chữa. Khi chưa gặp, chưa tiếp xúc với họ, hay tại buổi tiếp xúc đầu tiên tại Cơ quan cảnh sát điều tra, luật sư sẽ chưa nắm được thái độ của “thân chủ” mình ra sao, có hợp tác không? có nhận tội hay không hay cố tình chối tội? Liệu thân chủ của mình có phạm tội hay không hay bị oan? Bởi khi chưa tiếp xúc trực tiếp với thân chủ mà chỉ qua thông tin của người nhà hoặc một vài tài liệu mà được người nhà cung cấp thì lúc này, tâm lý luật sư cũng sẽ lo lắng, và áp lực.

Đối với những người bị buộc tội “giết người” rất hay thể hiện cái tôi và có diễn biến tâm lý cực kỳ phức tạp và bất hợp tác, những lý do giết người đều không giống nhau, có thể vì sự ảo tưởng trong việc bảo vệ kẻ yếu, “tìm lại công bằng” và cũng chính vì lý do đó mà họ có thể thực hiện những hành vi giết người man rợ, hoặc giết người chỉ vì sự thù hằn ghen tuông, thậm chí có những hành vi côn đồ chỉ để thể hiện bản thân. Những người phạm tội này, thường có những suy thoái về mặt cảm xúc, tâm lý bất ổn, khó khăn trong việc xác lập mối quan hệ với luật sư, không cởi mở, có sự đề phòng chưa tin tưởng luật sư (bởi đó là luật sư được chỉ định hoặc người nhà mời chứ không phải đích thân họ được lựa chọn). Do đó, luật sư rất khó khăn trong việc giúp họ lĩnh hội được những chuẩn mực đạo đức pháp lý, hiểu được những quy định của pháp luật và hiểu được vai trò của luật sư bào chữa cho mình trong vụ án vì thế họ sẽ không hợp tác, thậm chí là từ chối luật sư, hoặc coi luật sư như “tàng hình”. Với những luật sư trẻ, chưa có kinh nghiệm với các tội phạm như vậy, sẽ cảm thấy chán nản, lo lắng và có những luật sư đã từ chối bào chữa  hoặc “mặc kệ” thân chủ, để cơ quan tố tụng tiến hành như bình thường, luật sư chỉ có mặt ở các buổi làm việc để “diễn cho tròn vai” để kết thúc vụ án.

Khi luật sư đối mặt với việc bào chữa cho những thân chủ thuộc nhóm tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tâm lý của luật sư thường phải chịu nhiều áp lực và xung đột nội tâm. Mặc dù luật sư cam kết bảo vệ quyền lợi của thân chủ và đảm bảo rằng thân chỉ được đối xử công bằng trong hệ thống pháp luật, nhưng việc bào chữa cho những vụ án đặc biệt nghiêm trọng có thể đặt ra những thách thức lớn đối với đạo đức và lương tâm của luật sư. Tuy nhiên, với cam kết bảo vệ quyền lợi của thân chủ và tinh thần kiên định, luật sư luôn cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa việc thực hiện nghề nghiệp và giữ vững giá trị đạo đức của mình. Bằng cách tôn trọng nguyên tắc và quyền lợi pháp lý của thân chủ, hy vọng có thể đóng góp vào công bằng và công lý trong hệ thống pháp luật, dù đó là trong những tình huống khó khăn nhất.

Theo một chút kinh nghiệm hành nghề của chúng tôi, đối với những vụ án hình sự, nếu gặp phải những tình huống như vậy, luật sư cần phải bình tĩnh để xem xét và nhìn nhận vấn đề, phân tích tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến thái độ của thân chủ mình thông qua nghiên cứu hồ sơ, qua người thân để biết được những “điểm yếu” của họ, gợi lòng trắc ẩn của họ qua những hành động tác động tâm lý khi nhắc về gia đình, bố mẹ, con cái, doanh nghiệp, đồng nghiệp của họ để thay đổi và có cái nhìn tích cực hơn về luật sư bào chữa cho mình, để họ hiểu rằng luật sư là người đang cố gắng gỡ tội, cố gắng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình, thậm chí là minh oan cho mình nếu thực sự mình bị oan.

Một trong những việc khiến luật sư tham gia bào chữa vụ án hình sự cảm thấy căng thẳng, có những luật sư cảm thấy sợ hãi đó là khi luật sư tham gia một số hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra như: chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét các dấu vết trên cơ thể, hung khí gây án…vv. Theo qui định của BLHS 2015, thì người bào chữa (luật sư) sẽ được phép tham dự (Khoản 2 Điều 201). Đây được coi là một trong những điểm mới hữu ích của BLHS 2015, giúp luật sư vừa thu thập được những thông tin cần thiết về vụ án vừa giám sát được những người tham gia tố tụng có đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ qui định của pháp luật hay không. Tuy nhiên, không phải luật sư nào cũng tham gia đầy đủ hoạt động trên, bởi như đã nêu trên, có người sẽ lo lắng, hoảng sợ, sợ ám ảnh (đặc biệt là những luật sư nữ) khi khai quật tử thi, hay kiểm tra hung khí gây án khi vẫn còn những vết máu tanh hôi…

Khi luật sư bào chữa vụ án hình sự cho bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội

Người dưới 18 tuổi là đối tượng thân chủ tương đối phổ biến của luật sư dưới 02 hình thức: bào chữa chỉ định và được người thân mời. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là người ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, chủ yếu là học sinh ở các cấp giáo dục phổ thông khi phạm tội thường chưa nhận thức được đầy đủ tính chất hành vi cũng như hậu quả sẽ xảy ra. Đặc biệt, xuất phát từ những suy nghĩ đơn giản, bồng bột, người dưới 18 tuổi dễ có những hành động bộc phát, không kiềm chế, dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, ví dụ như những lời châm chọc, hay kích bác của những bạn đồng trang lứa.

Khi tham gia tố tụng, đối với trường hợp là trẻ em dưới 18 tuổi là người bị buộc tội, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự đa phần thường có tâm lý sợ hãi, e dè, không dám bộc lộ hết suy nghĩ mong muốn của bản thân nhưng cũng không ít trường hợp lại tỏ ra bất chấp, bất cần, không hợp tác với luật sư bào chữa cho mình, bởi chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc, hậu quả mà mình gây ra khiến cho luật sư cũng như người tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc lấy lời khai, xác minh vụ việc, luật sư cũng khó thu thập thêm được tài liệu, thông tin chứng cứ để giúp thân chủ (dưới 18 tuổi) giảm nhẹ tội hoặc chứng minh họ vô tội.

Khi tham gia phiên tòa hình sự để bào chữa cho bị cáo là người dưới 18 tuổi, nỗi trăn trở, áp lực của luật sư sẽ tăng lên bởi luật sư vừa phải đi tìm hiểu sâu vào tâm lý của bị cáo, luôn phải suy nghĩ và tìm ra những phương án bào chữa sao cho phù hợp, tránh làm ảnh hưởng tâm lý của họ, vừa đảm bảo áp dụng đúng các qui định dành riêng cho người dưới 18 tuổi phạm tội.

  • Đặc điểm tâm lý của luật sư khi tham gia bào chữa tại Tòa án

Tâm lý lo ngại khi những tài liệu, chứng cứ mà luật sư thu thập được nhằm mục đích minh oan hoặc làm tình tiết giảm nhẹ tội cho thân chủ không được HĐXX chấp nhận.

Khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa (luật sư) có các quyền sau: “Thu thập, đưa chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản”. Cũng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 73 BLTTHS năm 2015 thì: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa cung cấp, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo qui định và những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do người bào chữa thu thập được có giá trị như những tài liệu, đồ vật do cơ quan điều tra thu thập”. Thế nhưng tại khoản 4 Điều 88 BLTTHS 2015 quy định: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này”.

Có thể thấy, BLHS 2015 trao quyền và trách nhiệm cho luật sư trong việc tìm và thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, coi những chứng cứ mà luật sư cung cấp được có giá trị như những tài liệu, đồ vật mà cơ quan điều tra thu thập được nhưng khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu… có liên quan đến vụ án từ luật sư thì vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát và đánh giá từ cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, tại phiên Tòa hình sự, khi luật sư cung cấp những chứng cứ, tài liệu mới mà luật sư thu thập được mà chứng cứ này có giá trị quan trọng trong vụ án để có tác dụng trong việc minh oan cho thân chủ, hay là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sư cho thân chủ của mình thì lại bị qui định “kiểm tra, đánh giá” của cơ quan tiến hành tố tụng quyết định. Vì thế, chứng cứ mà luật sư cung cấp có được coi là có giá trị hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm cơ quan tiến hành tố tụng – thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Nếu trường hợp HĐXX cùng quan điểm với luật sư, chấp nhận tài liệu chứng cứ do luật sư cung cấp, thì sẽ có lợi cho thân chủ, trường hợp không cùng quan điểm mà bác đi những chứng cứ mà luật sư cung cấp, vô  hiệu hóa chứng cứ mà luật sư cung cấp khiến cho giá trị chứng minh của luật sư cho thân chủ không còn. Ngoài ra, luật sư cũng rất lo ngại đối với những vụ án “bỏ túi” khi mà HĐXX chỉ dựa vào toàn bộ hồ sơ mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập và đã định sẵn được “Bản án” sẽ ban hành như thế nào. Việc tại phiên tòa, luật sư cung cấp thêm những tài liệu, chứng cứ rất có thể là là tình tiết quan trọng làm thay đổi bản chất vụ án khiến cho HĐXX phải xem xét trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vì thế để không làm thay đổi “Bản án” đã được định sẵn, HĐXX sẽ bác tài liệu chứng cứ mà luật sư cung cấp, để tuyên một bản án đã được định sẵn thống nhất của cơ quan tố tụng từ trước khi diễn ra phiên Tòa.

Tâm trạng của luật sư khi nghe những bản án như thế cảm xúc khó diễn tả thành lời, đó là nỗi buồn cứ ảm ảnh mãi không nguôi, xen lẫn những bức xúc, những sự bất công khi những “Bản án” không đúng như những gì mà luật sư đã cố gắng tranh tụng tại phiên tòa, xét xử công khai nhưng diễn biến thực tế tại phiên Tòa và Bản án được tuyên không dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, không đúng với với tinh thần của Chỉ thị 08 và Nghị quyết 49 rằng: “Bản án phải là kết quả của sự tranh tụng tại phiên tòa”. Tinh thần đó đã được pháp điển hoá thành một nguyên tắc cơ bản trong Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015: “Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.

Việc mâu thuẫn trong qui định của pháp luật nêu trên khiến cho vai trò của luật sư trong việc thu thập tài liệu chứng cứ trong vụ án hình sự không được coi trọng, trao quyền nhưng chưa có cơ chế đảm bảo cho các quyền đó, quyền quyết định vẫn thuộc về cơ quan tiến tiến hành tố tụng, xem xét, đánh giá xem có chấp nhận hay không?. Điều này vô tình tạo ra những kẽ hở pháp luật dẫn đến việc cơ quan tiến hành tố tụng xét xử thiếu khách quan, quyền quyết định duy nhất vẫn thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (HĐXX – người quyết chính vẫn là thẩm phán chủ tọa phiên Tòa) với những lý do đưa ra không khiến cho luật sư phải tâm phục khẩu phục như “ Không có căn cứ”, “không có cơ sở để xem xét” hay “mặc dù….nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”…là những kết luật quen thuộc có phần “chua chát” đối với luật sư khi tham gia bào chữa các vụ án hình sự.

Tâm lý chán nán, thất vọng và có cả sự ám ảnh đối với những vụ án khi HĐXX tuyên một bản án như được “soạn sẵn, có sẵn” từ trước khi diễn ra phiên Tòa, thường được gọi miệng là “án bỏ túi”.

Khi tham gia phiên tòa hình sự, về nguyên tắc, tranh luận phải đi đến cùng của sự thật mới đúng theo tinh thần của BLTTHS 2015 về việc xác định sự thật của vụ án để đảm bảo xét xử vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Thế nhưng, trong khá nhiều vụ án hình sự, việc tranh luận chỉ mang tính chất một chiều, chỉ là hình thức.

Trong không ít phiên tòa hình sự, để chuẩn bị bào chữa cho bị cáo, tôi và các luật sư đồng nghiệp đã mất rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, thu thập tài liệu chứng cứ và chuẩn những câu hỏi, luận cứ bào chữa có vụ án lên đến cả trăm trang giấy, trong đó có thể hiện đầy đủ các quan điểm pháp lý rõ ràng của tôi để sẵn sàng đối đáp, tranh luận, bào chữa tại phiên Tòa để bào chữa cho thân chủ. Thế nhưng, thế tế phiên Tòa, Bản luận tội (cáo trạng) của đại diện viện kiểm sát cũng là những nội dung cô đọng tương đồng với Bản kết luận Điều tra của cơ quan CSĐT từ trước, rồi nêu những nhận định chung chung, đại diện viện kiểm sát chỉ cầm một bản cáo trạng rồi đọc thật nhanh cho xong chứ không đúng bản chất của một bản luận tội, không có đầy đủ các căn cứ buộc tôi. Việc đối đáp từ viện kiểm sát cũng chỉ mang tính hình thức, không có bất cứ tranh luận, đối đáp nào với bản luận cứ của luật sư. Không những vậy, trước khi luật sư trinh bày luận cứ bào chữa, HĐXX còn đưa ra ý kiến rất vô lý rằng: “luật sư trình bày ngắn gọn thôi để chuyển qua phần khác” những lần như vậy, đối với một người luật sư thì đó là sự thiếu tôn trọng của HĐXX dành cho mình, để những người có mặt tại phiên tòa, đặc biệt là thân chủ và người nhà của thân chủ có những hoài nghi về “vị trí của luật sư tại phiên tòa”,  làm mất đi nguồn cảm hứng của luật sư, khiến cho luật sư rơi vào trạng thái suy nghĩ “mình trình bày luận cứ, nhưng không biết HĐXX có lắng nghe không?” sự nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh sẽ bị lung lay nếu như luật sư không giữ được tinh thần vững chắc.

Trong thời gian hành nghề của mình, không ít lần chúng tôi gặp phải những vụ án thường được gọi là “án bỏ túi” nên cảm xúc buồn vui, thấy vọng hay chán nản rồi cũng sẽ trôi qua và sẽ không còn bị “Sốc” khi gặp phải những vụ án tương tự. Thế nhưng, đối với các luật sư trẻ, mới bước vào nghề, thực tế những luật sư được chúng tôi hướng dẫn đã tâm sự về việc trước khi diễn ra phiên tòa hình sự, họ tham gia với một tâm thế tự tin, sẵn sàng “chiến đấu” để “bảo vệ công lý” “bảo vệ lẽ phải” thế nhưng khi kết thúc phiên tòa thì họ lại cảm thấy day dứt, mặc cảm, không dám đối diện với thân chủ cũng như người nhà của họ khi kết thúc phiên tòa vì cho rằng mình đã không hoàn thành trách nhiệm cũng như giúp được thân đạt được kết quả mà mình mong muốn, không bảo vệ được điều mà mình tin rằng đúng, đã cố gắng chứng minh bảo vệ tại phiên tòa, nhưng kết quả là bị HĐXX bác bỏ.

Từ tâm trạng đó, nhiều luật sư đã muốn bỏ nghề tranh tụng, không muốn theo nghề luật sư tranh tụng nữa, mà chỉ muốn làm luật sư tư vấn để quên đi cái cảm giác day dứt và ám ảnh trong những phiên tòa hình sự mà mình đã tham gia nhưng kết quả không được như mong đợi. Có thể thấy, đó là một trạng thái tâm lý tiêu cực, mất niềm tin vào nền tư pháp không nên có từ phía luật sư. Thế nhưng, nhìn nhận vào thực trạng xét xử tại các cấp tòa án tại Việt Nam thì sẽ thấy quyền hạn và vị thế của luật sư chỉ được thể hiện trong các điều khoản luật định, chứ trên thực tế thì các luật sư đều rơi vào tình cảnh không thể thay đổi được bản án sau khi Tòa đã tuyên.

Một điều đáng buồn thêm nữa đó là mọi “cố gắng” của luật sư tại phần tranh tụng, xét hỏi, trình bày quan điểm, luận cứ của luật sư trong phiên tòa hình sự đều không được ghi nhận đầy đủ tại bản án.

Căn cứ Điều 322 BLTTHS 2015 về tranh luận tại phiên tòa cũng quy định: “… Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án…”. Điều 260 BLTTHS 2015 quy định: “Bản án sơ thẩm phải ghi rõ…c) Ý kiến của người bào chữa… đ) Phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra;…”

Quy định thì rõ ràng là vậy, thế nhưng trong các vụ án hình sự mà chúng tôi bào chữa thì phần ý kiến của luật sư chỉ được ghi ngắn gọn 1,2 dòng, thậm chí còn không được ghi nhận mà chỉ được nêu ở phần đầu của bản án về việc luật sư có mặt hay vắng mặt. Mặc dù sau khi kết thúc phiên tòa luật sư đã gửi Bản luận cứ bào chữa của mình cho HĐXX để trường hợp tại Phiên tòa, thư ký không ghi kịp lời luật sư trình bày thì có thể căn cứ vào Bản luận cứ mà luật sư nộp để ban hành bản án cho đầy đủ. Tuy nhiên, thì HĐXX chỉ nhận cho có, chứ cũng không ghi nhận những đóng góp tích cực từ phía luật sư.

  1. Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý luật sư khi tham gia phiên tòa hình sự.
  • Áp lực từ phía thân chủ là bị cáo, người nhà bị cáo

Đối với luật sư, tham gia những vụ án hình sự khi thân chủ là bị cáo mang những tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể đối mặt với án tử hình. Thì bị cáo và người nhà đặt niềm tin cuối cùng vào luật sư, như là “chiếc phao cứu cánh cuối cùng” của họ, của người thân họ. Vì thế, áp nặng đè nặng lên vai luật sư, mặc dù đã cố gắng hết mức có thể tại phiên tòa để đưa ra những căn cứ, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, với bản luận cứ lập luận sắc bén tại phiên tòa để cố gắng gỡ tội, giảm bớt trách nhiệm hình sự hay thoát án tử cho thân chủ của mình. Nhưng trước khi phiên tòa diễn ra, nhìn những ánh mắt đau khổ, lo lắng, thất thần của người thân bị cáo, ánh mắt “cầu cứu của thân chủ” càng làm tâm lý luật sư trở lên nặng nề hơn.

  • Áp lực từ phía dư luận xã hội

Luật sư tham gia những vụ án hình sự bào chữa cho các bị cáo bị buộc tội giết người bằng những hành vi, thủ đoạn man rợ, được báo chí, dư luận xã hội quan tâm theo dõi thì đó thực sự là một lựa chọn khó khăn cho luật sư bởi khoản 1, Điều 76 BLTTHS 2015 quy định:“trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; Người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Trong trường hợp người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chỉ định người bào chữa cho họ”.

Đối với những luật sư bào chữa được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định cho bị can, bị cáo thuộc các trường hợp nếu trên, nếu không bị từ chối hoặc bị thay đổi người bào chữa theo qui định của pháp luật thì thì việc bào chữa cho người bị buộc tội trên là nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư được chỉ định. Nếu không có lý do chính đáng hay trở ngại khách quan nào cản trở việc bào chữa của mình thì luật sư: “Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan” (điểm b, khoản 2, Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Khi không có sự lựa chọn nào khác theo luật qui định, nhưng cũng vì tâm đức của một người luật sư khi không được bỏ rơi thân chủ của mình, thì vượt qua áp lực dư luận để bảo vệ thân chủ luôn làm cho tâm lý luật sư bị đè nặng và áp lực bởi khi luật sư tham gia phiên tòa hình sự, trước và sau khi diễn ra phiên tòa đều sẽ bị những phản ứng tiêu cực từ phía dư luận xã hội, thậm chí cả người thân khi biết mình là luật sư bào chữa cho “kẻ giết người”. Khi họ nói rằng: “Tại sao phải đi bảo vệ kẻ giết người? Chứng cứ rõ ràng rồi sao phải bào chữa? Sao đứng về bên sát nhân mà không nghĩ tới nỗi đau của người bị hại?

Với những phiên tòa như trên, thì việc có sự tham gia của báo chí, ghi âm, ghi hình rồi đăng tải trên mạng xã hội công khai là điều đương nhiên. Điều đó có nghĩa là từng câu, từng lời nói, những lập luận phản biện của luật sư đều được đông đảo mọi người theo dõi. Vì thế, không chỉ áp lực khi là luật sư bào chữa cho “tên sát nhân” mà luật sư còn là tiêu điểm cho dư luận bàn tán, soi xét. Những yếu tố này, khiến cho luật sư bị áp lực, lo lắng, khi mà phải bào chữa thế nào để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ, nhưng cũng không làm kích động, gây phản ứng mạnh trong dư luận xã hội.

 

3.3. Áp lực từ chính luật sư

Trong hành trình tham gia vào các vụ án hình sự, luật sư không chỉ phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài mà còn phải đối diện với những tác động tâm lý mà chính mình tự tạo ra. Nghề luật sư đã là một công việc khó khăn, đầy thách thức, và khi kết hợp với các vụ án hình sự mang đặc thù riêng, tâm lý của luật sư thường trở nên phức tạp hơn.

Luật sư thường tự áp lực do mong muốn làm tốt nhất có thể để giúp thân chủ. Chính mình cảm thấy nhiệm vụ của mình không chỉ là bảo vệ quyền lợi pháp lý của thân chủ mà còn là đảm bảo rằng họ được xử đúng người, đúng tội. Từ đó, tâm trạng căng thẳng và lo lắng có thể xuất hiện khi phải đối mặt với những quyết định khó khăn và trách nhiệm lớn.

Sự cạnh tranh trong ngành cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của luật sư. Luật sư luôn mong muốn được chứng minh khả năng và năng lực của mình trước mọi người, cũng như mong muốn có vị thế vững chắc trong lĩnh vực luật pháp. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ và có thể làm mất cân bằng trong cuộc sống và công việc của họ.

Cuối cùng, việc quản lý thời gian và lịch trình là một thách thức lớn đối với luật sư tham gia vào các vụ án hình sự. Họ thường phải làm việc dưới áp lực thời gian và lịch trình căng thẳng, phải di chuyển thường xuyên để phục vụ cho công việc. Điều này có thể gây ra mệt mỏi và stress, ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc của họ.

Trong tình hình này, việc duy trì sự cân bằng và tinh thần mạnh mẽ là rất quan trọng đối với luật sư để vượt qua những thách thức và áp lực từ nghề nghiệp của mình.

  1. Một số những giải pháp nhằm hoàn thiện qui định pháp luật hình sự nhằm nâng cao vị trí, vai trò của luật sư bào chữa trong phiên tòa hình sự

Thứ nhất, cần có những qui định cụ thể về quyền được: Thu thập, đưa chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (Khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015) của người bào chữa (luật sư) đối với tổ chức, cơ quan Nhà nước khi được yêu cầu cung cấp thông tin, hoặc các tài liệu có liên quan đến vụ án mà đó là những chứng cứ quan trọng để luật sư bảo vệ thân chủ của mình để các cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc nếu trường hợp từ chối thì phải thực hiện bằng văn bản. Bởi trên thực tế, quá trình đi thu thập tài liệu, chứng cứ của luật sư từ các tổ chức, các cơ quan Nhà nước đều rất khó khăn và không được đáp ứng và phản hồi với lý do “chúng tôi chỉ cung cấp khi có văn bản yêu cầu từ Tòa án”. Như vậy, vì lý do nào đó mà Tòa án không xác minh, luât sư không khai thác được các thông tin, tài liệu mà mình cần thì sự việc cần làm rõ sẽ không được sáng tỏ, ảnh hưởng rất lớn tới sự thật, bản chất thật của vụ án.

Thứ hai, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành các văn bản hướng dẫn và qui định cụ thể về việc ghi nhận ý kiến tranh tụng cũng như luận cứ bào chữa của luật sư vào Bản án đầy đủ, khách quan, đảm bảo sự công bằng, tôn trọng các ý kiến của luật sư bào chữa tham gia phiên tòa.

Thứ ba, thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động tố tụng, xét xử của phiên tòa các cấp để tránh trường hợp xảy ra tình trạng “án bỏ túi”. Nếu HĐXX cho rằng thời gian nghị án là quá ngắn để có thể đưa ra những phán quyết công bằng, cần thời gian để ghi nhận các ý kiến tranh tụng của những người tham gia phiên tòa thì, của luật sư thì không nên tuyên án luôn mà nên chuyển thời gian tuyên án vào một buổi khác, để có thời gian xem xét đánh giá vụ án khách quan, nhiều chiều hơn. (thực tế việc nghị án kéo dài cũng có, phần tuyên án được chuyển vào một buổi khác, tuy nhiên đó không phải để thực hiện các nội dung mà tôi nêu trên, mà lý do đa phần là do phần tranh tụng của luật sư và viện kiểm sát kéo dài, nên hết giờ làm việc, buộc HĐXX mới phải chuyển phần nghị án tuyên án vào buổi khác).

Với việc hoàn thiện các qui định pháp luật nêu trên, vai trò của luật sư trong hoạt động TTHS nói chung và vai trò của luật sư trong việc bào chữa tại phiên tòa hình sự nói riêng sẽ được nâng cao và phát huy hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ được đảm bảo, giúp luật sư cảm thấy yên tâm, giảm bớt những gánh nặng tâm lý trong quá trình hành nghề để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là bảo vệ thân chủ, góp phần đảm bảo công lý được thực thi trên thực tế.

(1) Từ điển Tiếng Việt Viện Ngôn ngữ học, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.133.

(2) Án lệ ở Anh quốc: Lịch sử, khái niệm và nguyên tắc thực hiện, Nguyễn Đức Lam, Tạp chí Tòa án.

(3) Hoạt động bào chữa của Luật sư trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng.Ths. Ngô Thị Ngọc Vân, Tạp chí Nghề Luật số 5, năm 2015.

(4) Tâm lý học lâm sàng, Dana Castro, NXB Tri thức 2016, tr15

Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. Định danh tội phạm và quyết định hình phạt, PGS, TS Dương Tuyết Miên, NXB Tư pháp 2021;
  2. Phương pháp hùng biện luật sư, TS, LS Liêu Chí Trung, NXB Lao động 2022;
  3. Bình luận Bộ luật hình sự 2015, Đinh Văn Quế, NXB Thông tin và truyền thông 2022;
  4. Kỹ năng bào chữa trong vụ án hình sự, Luật sư, Ths Phạm Thanh Bình, NXB Công an nhân dân 2020;
  5. Tâm lý học tội phạm, quyển 1, NXB Đại học kinh tế quốc dân 2021;
  6. Tâm lý học lâm sàng, Dana Castro, NXB tri thức 2016;
  7. Nhân từ với quỷ dữ, Bryan Stevenson, NXB Đà Nẵng 2017;
  8. Giáo trình Kỹ năng của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự, NXB Tư pháp;
  9. Criminal Psychology, Volume III, Violent Crimes, David Canter, SAGE Publication Ltd 2014;
  10. Tạp chí luật học số 2/2023;
  11. Tập chí luật học số 12/2022;
  12. Tạp chí Khoa học pháp lý số số 2/2023.

 

Nguồn: Bài viết được luật sư Phan Khắc Nghiêm tham luận tại Diễn đàn nghiên cứu tư pháp do Trường Đại học kiểm sát Hà Nội tổ chức ngày 16/4/2024.