Khi giá trên thị trường thấp hơn mức giá cân bằng, lượng cầu của người tiêu dùng sẽ vượt lượng cung của nhà sản xuất. Chênh lệch giữa lượng cầu và lượng cung được gọi là dư cầu hay thiếu hụt hàng hóa. Khi một mặt hàng bị thiếu hụt, những người tiêu dùng nào đánh giá mặt hàng đó cao nhất sẽ trả giá cao hơn cho người bán. Khi giá tăng, nhà sản xuất sẽ phản ứng bằng cách tăng lượng cung, và người tiêu dùng sẽ đáp lại bằng cách giảm lượng cầu. Một khi lượng cung và lượng cầu bằng nhau thì sẽ không còn áp lực tăng giá. Sự cân bằng lúc này đã được thiết lập.
Nếu giá thị trường cao hơn mức giá cân bằng, lượng cầu của người tiêu dùng sẽ thấp hơn lượng cung của nhà sản xuất. Lúc này chênh lệch giữa lượng cung và lượng cầu được gọi là dư cung hay dư thừa hàng hóa.
Khi đó, các nhà sản xuất sẽ cạnh tranh bằng cách chào bán với giá thấp hơn cho người tiêu dùng. Khi giá giảm, người tiêu dùng sẽ phản ứng bằng cách tăng lượng cầu, và nhà sản xuất sẽ đáp lại bằng cách giảm lượng cung. Khi giá giảm xuống mức vừa đủ để lượng cung và lượng cầu bằng nhau thì cân bằng thị trường được thiết lập.
Khi phân tích, chúng ta giả định các mối quan hệ cung và cầu là cố định trong khi các biến số khác như thu nhập của người tiêu dùng, giá các loại hàng hóa khác, và giá của nhập lượng là không đổi (theo giả định ceteris paribus).