Tọa đàm “Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Hoa Kỳ”

Ngày 10 tháng 9 năm 2013, Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ”. Dự Tọa đàm có TS Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Danforth Newcomb, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng của Hoa Kỳ và các cán bộ, công chức, viên chức của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Tọa đàm “Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Hoa Kỳ”

Mục đích của buổi Tọa đàm nhằm cung cấp đến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu của Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu Lập pháp những thông tin khái quát về kinh nghiệm cũng như thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng của Hoa Kỳ, qua đó phục vụ thêm cho công tác nghiên cứu chuyên môn, cũng như dần hoàn thiện những chế định pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, TS Đinh Xuân Thảo khẳng định: Tại Việt Nam, tham nhũng đang được coi là một quốc nạn, do đó phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung trọng tâm trong các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Việt Nam luôn mong muốn học hỏi kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ về phòng, chống tham nhũng để công tác này đạt hiệu quả cao hơn; giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra; tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền công vụ Việt Nam. Do vậy, với tư cách là cơ quan nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng của các nước trên thế giới mà Hoa Kỳ là một điển hình trong công tác này.

 Ông Danforth Newcomb đã nêu khái quát những đặc điểm kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng toàn cầu của Hoa Kỳ, phân tích tính hiệu quả của các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến đạo luật Các tập quán tham nhũng ở nước ngoài của Hoa Kỳ (đạo luật FCPA). Theo đó, phạm vi áp dụng của đạo luật FCPA là cá nhân công dân Hoa Kỳ trên toàn thế giới và các tổ chức hoạt động theo luật Hoa Kỳ; các công ty ở bất kỳ nước nào có phát hành cổ phiếu ở Hoa Kỳ. Đạo luật FCPA không giống với các bộ luật ở các nước trên thế giới là cấm đưa hối lộ ở nước ngoài chứ không phải ở Hoa Kỳ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi về các vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và Hoa Kỳ như: xác định các hình thức hối lộ; cách thức phòng, chống tham nhũng; chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, Hoa Kỳ.

@NPKlaw.com