Theo quy định của Điều 183 và Điều 185 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS)[1], tất cả các nội dung liên quan đến “thời hiệu”và “thời hạn” tại Bộ luật này đều dẫn chiếu áp dụng theo quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS).
So với quy định của BLDS năm 2005 và Bộ luật TTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011, BLDS và Bộ luật TTDS hiện hành đã có điểm mới bổ sung quan trọng đối với quy định về thời hiệu là Tòa án chỉ được áp dụng thời hiệu khi và chỉ khi có yêu cầu của một trong các bên[2]… Nói cách khác, Tòa án không có quyền chủ động áp dụng quy định về thời hiệu trong TTDS. Tuy nhiên, tìm hiểu Bộ luật TTDS cho thấy, thuật ngữ “thời hiệu” không chỉ được nhắc đến trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự mà còn được đề cập đến thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài… Ngoài ra, việc quy định “thời hạn” gửi đơn yêu cầu và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng đặt ra vấn đề là liệu quy định về “thời hạn” này có hiểu và áp dụng tương tự như trong các thủ tục trên hay không; chủ thể của việc yêu cầu áp dụng “thời hiệu” hoặc “thời hạn” là ai hay Tòa án hoàn toàn chủ động áp dụng; và hậu quả pháp lý nếu một trong các bên vi phạm quy định về “thời hiệu” và “thời hạn” như thế nào… Hiện các vấn đề này vẫn chưa được minh thị trong các quy định có liên quan. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho Tòa án.
Từ các yêu cầu trên, trong bài viết, chúng tôi phân tích một số vấn đề có khả năng phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, cụ thể: (i) Điều kiện để Tòa án áp dụng thời hiệu trong TTDS; (ii) Vận dụng quy định “thời hiệu” và “thời hạn” như thế nào đối với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; (iii) Hậu quả pháp lý của việc không áp dụng “thời hiệu” và “thời hạn” đối với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
1. Điều kiện để Tòa án áp dụng thời hiệu trong tố tụng dân sự
Khoản 2 Điều 149 BLDS (tương ứng với khoản 2 Điều 184 Bộ luật TTDS) quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, quy định trên đây là điểm mới “rất tiến bộ” mà BLDS đã đạt được. Quy định này giúp loại trừ can thiệp của cơ quan tố tụng khi viện dẫn quy định về thời hiệu để từ chối giải quyết hay để hủy kết quả xét xử giải quyết trước đó… và vì vậy, việc có áp dụng thời hiệu hay không phải do chính các chủ thể trong quan hệ đó quyết định chứ không phải Tòa án[3]. Ví dụ, trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng nếu một trong các bên không có yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu thì Tòa án vẫn phải giải quyết đơn khởi kiện đó mà không được từ chối thụ lý hoặc nếu đã thụ lý vụ án thì Tòa án không được quyền chủ động ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do đã hết thời hiệu khởi kiện khi chưa có yêu cầu của một hoặc các bên.
Như vậy, đối với quy định tại đoạn 1, khoản 2 Điều 149 BLDS xác định điều kiện để Tòa án áp dụng thời hiệu là khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu của một hoặc các bên. Tiếp đến, tại đoạn 2, khoản 2 Điều 149 BLDS (tương ứng với đoạn 2 khoản 2 Điều 184 Bộ luật TTDS) quy định: “Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”. Nội dung quy định này cần phải được hiểu là: Đối với thời hiệu nói chung (kể cả khi có bên từ chối hoặc không từ chối việc áp dụng thời hiệu), Tòa án chỉ được quyền áp dụng khi có yêu cầu từ một hoặc các bên. Nói cách khác, việc không từ chối áp dụng thời hiệu không thể hiểu là Tòa án có quyền chủ động áp dụng thời hiệu[4].
Một vấn đề khác phát sinh khi áp dụng quy định này: chủ thể yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu là “một hoặc các bên”, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “một hoặc các bên” có quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu. Chúng tôi cho rằng, cần phải hiểu quy định này đầy đủ như sau:
(i) Chủ thể “một hoặc các bên” có quyền chính là đương sự trong vụ việc dân sự. Cụ thể, đương sự trong vụ án dân sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc dân sự (bao gồm người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc dân sự);
(ii) và họ phải là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu.
Tóm lại, điểm mới mấu chốt trong quy định về áp dụng thời hiệu – tương ứng với điều kiện Tòa án áp dụng thời hiệu theo quy định của BLDS và Bộ luật TTDS là Tòa án hoàn toàn không có quyền chủ động áp dụng thời hiệu, Tòa án áp dụng thời hiệu khi và chỉ khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu của một hoặc các đương sự[5].
2. Có áp dụng tương tự quy định về “thời hiệu” trong thủ tục giải quyết việc dân sự với “thời hiệu” và “thời hạn” nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài hay không?
Để xác định có áp dụng tương tự quy định về “thời hiệu” trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự với “thời hiệu” và “thời hạn” nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài hay không, trước hết, cần phải xác định thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có phải là thủ tục giải quyết loại việc dân sự đặc biệt.
Điều 1 Bộ luật TTDS năm 2004 (sửa đổi năm 2011) và các điều khoản khác có liên quan như khoản 5 Điều 25, khoản 6 Điều 28, khoản 2 Điều 30 và khoản 1 Điều 32[6]của Bộ luật này cho thấy, quy định yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được coi là việc dân sự. Tuy nhiên, Điều 350 và Điều 364 của Bộ luật TTDS năm 2004 không quy định về thời hạn nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài. Bên cạnh đó, theo quy định của khoản 4 Điều 159 Bộ luật này, trong trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu. Do đó, thực tiễn xét xử trước đây tại các Tòa án cho thấy, việc nhận thức và áp dụng quy định của khoản 4 Điều 159 để xem xét về thời hạn nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài không thống nhất. Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ luật TTDS năm 2015 đã bổ sung quy định về “thời hiệu” và “thời hạn” yêu cầu công nhận và cho thi hành… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu quy định về điều kiện áp dụng “thời hiệu” và “thời hạn” này có thống nhất trong toàn bộ quy định của Bộ luật TTDS hiện hành hay không?
Điều 1 Bộ luật TTDS[7] quy định ba trình tự thủ tục riêng biệt, cụ thể: (i) thủ tục giải quyết vụ án dân sự; (ii) thủ tục giải quyết việc dân sự; và (iii) thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Như vậy rõ ràng, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài là một thủ tục riêng biệt với thủ tục giải quyết vụ việc dân sự[8]. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể khác tại thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành như về đơn yêu cầu, thời hiệu yêu cầu, về thụ lý hồ sơ, chuẩn bị xét đơn, mở phiên họp, kháng cáo, kháng nghị… có nội dung đặc thù và không có sự dẫn chiếu áp dụng tương tự theo quy định tại thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung. Ngoài ra, bố cục của Bộ luật TTDS đã minh thị, thủ tục công nhận và cho thi hành là một thủ tục độc lập ghi nhận tại phần thứ bảy của Bộ luật này mà không kết cấu như một chương việc cụ thể trong phần thứ sáu về thủ tục giải quyết việc dân sự[9].
Vậy, phải áp dụng thống nhất quy định về “thời hiệu” và “thời hạn” trong thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài như thế nào?
– Đối với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài
Điều 432 Bộ luật TTDS quy định thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (sau đây gọi tắt là “thời hiệu yêu cầu công nhận”) là ba năm (kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật), trừ trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan[10].
Như vậy, không có cơ sở để Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khi và chỉ khi có yêu cầu của một hoặc các bên yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài như quy định của Điều 184 Bộ luật TTDS. Nói một cách khác, với quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án hoàn toàn có thể chủ động áp dụng quy định về thời hiệu này mà không cần có yêu cầu từ phía một hoặc các bên đương sự.
– Đối với thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Điều 451 Bộ luật TTDS quy định về thời hạn (không phải là thời hiệu) gửi đơn yêu cầu công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài là ba năm (kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật), trừ trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan[11].
Chúng tôi cho rằng, quy định về “thời hạn” gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà không quy định là “thời hiệu yêu cầu” tại Điều 541 Bộ luật TTDS là chưa phù hợp và tương thích với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Vướng mắc tiếp theo xảy ra trong cả hai thủ tục công nhận và cho thi hành nêu trên là nếu Tòa án nhận đơn yêu cầu công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hay Tòa án hoặc Bộ Tư pháp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà phát hiện có vi phạm về thời hiệu và thời hạn này thì phải xử lý hậu quả như thế nào?
3. Hậu quả pháp lý của việc không áp dụng “thời hiệu” và “thời hạn” đối với thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Việc Tòa án chủ động áp dụng quy định về thời hiệu, thời hạn hay chỉ áp dụng khi có yêu cầu của một hoặc các bên cũng đòi hỏi phải có hướng xử lý hậu quả nếu đã hết thời hiệu hoặc thời hạn đó. Đây là nội dung rất quan trọng bởi nếu không thì quy định về thời hạn và thời hiệu nói trên sẽ trở nên vô nghĩa.
Các quy định hiện hành tại Bộ luật TTDS cũng không có bất kỳ một điều khoản nào đề cập đến hậu quả pháp lý khi người yêu cầu vi phạm thời hiệu và thời hạn nộp đơn yêu cầu. Nếu so sánh với quy định về thủ tục giải quyết vụ án dân sự trong Bộ luật này đều đã có ghi nhận tại điểm e khoản 1 Điều 217 về trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu “đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”. Đối với thủ tục giải quyết việc dân sự, mặc dù không có quy định cụ thể về căn cứ Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự, nhưng có thể áp dụng dẫn chiếu tương tự điểm e khoản 1 Điều 217 nói trên. Bởi lẽ, theo quy định của khoản 2 Điều 361 Bộ luật TTDS, trong trường hợp luật không quy định thì được phép áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết trong thủ tục giải quyết việc dân sự.
Khoản 5 Điều 437 và khoản 3 Điều 457 Bộ luật TTDS quy định các trường hợp Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu đều không có trường hợp nào liên quan đến hết thời hiệu hay hết thời hạn yêu cầu. Việc không quy định một cách minh thị trường hợp này sẽ dẫn đến tình trạng áp dụng luật không thống nhất giữa các Tòa án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
4. Kết luận và kiến nghị
Qua những phân tích trên, mặc dù Bộ luật TTDS quy định bổ sung về thời hiệu và thời hạn nhằm “để nâng cao trách nhiệm của bên yêu cầu công nhận và cho thi hành, cũng như hiệu quả giải quyết yêu cầu của Tòa án”[12], tuy nhiên, với việc Bộ luật TTDS quy định chưa rõ ràng, thiếu biện pháp xử lý hậu quả pháp lý khi có sự vi phạm thời hiệu và thời hạn, chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn về các vấn đề sau:
Một là, việc áp dụng thời hạn và thời hiệu trong thủ tục công nhận và cho thi hành cũng phải trên cơ sở có yêu cầu của một hoặc các bên;
Hai là, về hậu quả xử lý việc vi phạm thời hiệu, thời hạn (nếu một các bên yêu cầu áp dụng) cũng tương tự như cách giải quyết trong thủ tục vụ và việc dân sự – nghĩa là Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu;
Ba là, một hoặc các bên khi yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trong TTDS phải bằng văn bản độc lập hoặc được ghi vào Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải./.
[1]Điều 183 Bộ luật TTDS quy định: “Cách tính thời hạn tố tụng, quy định về thời hạn tố tụng, thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn tố tụng trong Bộ luật này được áp dụng theo các quy định tương ứng của BLDS” và Điều 185: “Các quy định của BLDS về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự”.
[2]Theo đó, khoản 1 Điều 149 BLDS quy định: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật định”. Và khoản 2 Điều 149: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các yêu cầu…”.
[3]Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS năm 2015, tr.201-203. Ý kiến của tác giả Đỗ Văn Đại và nhóm tác giả, theo chúng tôi đã thể hiện đúng tinh thần, nguyên lý của nhà làm luật trên cơ sở tiếp thu, học tập kinh nghiệm về quy định này của các nước trên thế giới. Và xem thêm bài viết “Những điểm mới về thời hiệu khởi kiện và tố tụng dân sự” – (theo Luật năm 2008-651 ngày 17/06/2008) trong Hội thảo của Tòa Phá án (11/3/2009) của Bà Natalie Fricero – Giảng viên trường Đại học Nice Sophia-Antipoli, Giám đốc Học viện Tư pháp: yêu cầu chấm dứt tố tụng vì lý do hết thời hiệu là quyền đương nhiên của các bên đương sự nhưng phải nêu vấn đề thời hiệu trước khi nêu các căn cứ khác nếu không sẽ không được chấp nhận. Thẩm phán không thể mặc nhiên tước đi quyền yêu cầu chấm dứt vụ án vì hết thời hiệu tố tụng (Điều 388 Bộ luật TTDS Pháp).
[4]Ví dụ: B là người được lợi về tài sản là động sản do hết thời gian 10 năm B được xác lập quyền sở hữu tài sản đó theo thời hiệu (thời hiệu hưởng quyền dân sự) theo quy định tại Điều 236 BLDS. Tuy nhiên, sau 10 năm đó, A đi kiện đòi lại quyền sở hữu tài sản này từ B. Nếu trong quá trình giải quyết, giả sử khi Thẩm phán giải quyết vụ án hỏi B được lợi về tài sản về thời hiệu hưởng quyền dân sự theo quy định tại Điều 236 BLDS rằng B có từ chối việc áp dụng thời hiệu này không? Thông thường logic câu trả lời sẽ đương nhiên là không từ chối áp dụng thời hiệu trong trường hợp này vì nó mang lại quyền lợi cho B. Như vậy, nếu B trả lời với Tòa án là không từ chối việc áp dụng thời hiệu trong trường hợp này thì Tòa án có đương nhiên áp dụng quy định về thời hiệu (đoạn 2 khoản 2 Điều 184) để tuyên B là chủ sở hữu tài sản trong trường hợp này mà không cần phải có yêu cầu áp dụng thời hiệu từ B (đoạn 1 khoản 2 Điều 184).
[5]Xem Tờ trình số 390/TTr-CP ngày 12/10/2014 về dự án BLDS sửa đổi. Việc hiểu và xác định nêu trên dựa vào các cơ sở sau đây: Một là, quy định này là phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để các chủ thể căn cứ vào đó mà bảo vệ các quyền dân sự của mình. Hai là, quy định này là để hạn chế tình trạng Tòa án có thể căn cứ vào thời hiệu mà từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc, góp phần cụ thể hóa và triển khai thi hành khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
[6Nội dung Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật TTDS” chỉ quy định hai loại thủ tục tố tụng: (i) thủ tục giải quyết vụ án dân sự; và (ii) thủ tục giải quyết việc dân sự. Theo đó “Bộ luật TTDS quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Toà án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Toà án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Toà án; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật…”.
[7] Nội dung quy định “Bộ luật TTDS quy định những nguyên tắc cơ bản trong TTDS; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Toà án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật…”.
[8] Hướng lý giải của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với Báo cáo số 21/BC-TANDTC ngày 10/4/2015 về thuyết minh dự án Bộ luật TTDS (sửa đổi) có ghi nhận tại Mục II.1 (tr. 2) có ghi nhận: “Bổ sung nội dung về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật TTDS tại Điều 1 vì thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật TTDS hiện hành nhưng lại chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật”.
[9] Phần thứ sáu của Bộ luật TTDS được bố cục bao gồm chương quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự và các chương riêng đối với một số loại việc cụ thể.
[10] Bên cạnh thụ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành còn có thủ tục yêu cầu không công nhận bản án quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam thì quy định về thời hiệu yêu cầu cũng là ba năm. Bên cạnh đó, đối với thủ tục yêu cầu không công nhận bản án quyết định của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì quy định về thời hiệu yêu cầu rút ngắn còn sáu tháng. Tuy nhiên, các quy định khác về thời hiệu của các thủ tục này cũng giống như quy định về thời hiệu của thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành nên cũng không rõ ràng và sẽ gặp vướng mắc khi áp dụng trên thực tiễn.
[11] Việc nâng mức thời hạn lên ba năm theo quy định tại Điều 541 Bộ luật TTDS năm 2015 sẽ tạo điều kiện cho bên yêu cầu có thêm thời gian để quyết định lựa chọn gửi đơn yêu cầu đến Bộ Tư pháp hoặc Tòa án yêu cầu công nhận thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trên thực tế. Bởi lẽ, quy định của Bộ luật TTDS 2004 sửa đổi năm 2011 chỉ cho bên yêu cầu 01 năm để thực hiện quyền yêu cầu công nhận của mình là quá ngắn, điều này dẫn đến việc trên thực tế, có bên dù đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của pháp luật và của cả Tòa án về các thủ tục phục vụ cho việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nhưng vẫn bị Tòa án từ chối công nhận và cho thi hành vì lý do hết thời hiệu. Xem thêm bài của Lê Nguyễn Gia Thiện (2016), “Công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24/2016, tr. 46.
[12] Xem thêm tại Mục II.25 của Bản thuyết minh chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) số 21/BC-TANDTC ngày 10 tháng 4 năm 2015, tr. 22.
Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 3+4/2018
TS. Đặng Thanh Hoa – Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. |