Mạn đàm về tính ‘khả thi’ của pháp luật

Có một người anh làm pháp chế ở Tập đoàn nọ nhân lúc rảnh rỗi có hỏi tôi rằng: “Pháp luật là gì?”.

Dù trong lúc bất ngờ nhưng tôi vẫn kịp nhận ra đây là câu hỏi có hàm ý mang tính va đập trên thực tiễn chứ không phải câu hỏi thuần túy mang hơi hướng lý luận hay học thuật.

Trở lại với cách hiểu thế nào là pháp luật theo lẽ thông thường và phổ biến nhất mà chủ thể nào trong xã hội cũng có thể nói một cách nhanh nhất rằng Pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi nhà nước và mang tính bắt buộc thực hiện với mọi chủ thể trong xã hội.

Theo đó thì đặc trưng cơ bản của Pháp luật ai cũng có thể hiểu được cấu thành từ hai thành tố chính, một là, hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành hay thừa nhận và hai là, nó mang tính bắt buộc áp dụng với mọi chủ thể trong xã hội.

Về cơ bản, dù pháp luật thuộc hệ thống pháp luật nào trong hai hệ thống pháp luật phổ biến trên thế giới là Dân luật và Thông luật thì đặc trưng chính cũng được cấu thành từ hai thành tố nêu trên, do đó các chủ thể trong xã hội khi đã xác định tham gia vào “cuộc chơi” thì mặc nhiên phải tuân thủ luật lệ do Nhà nước đặt ra là điều khỏi phản bàn cãi.

Nhưng có lẽ đó mới chỉ là điều kiện cần và mang tính lý thuyết được đặt trong trạng thái tĩnh, còn điều kiện đủ chỉ có thể đúc kết được thông qua việc áp dụng và thực thi pháp luật trên thực tế mà thôi, nên vấn đề cần đặt ra là tính thực thi pháp luật trong thực tiễn đã mang lại hiệu quả gì? Hệ thống các quy tắc xử sự chung đã thực sự làm cho các chủ thể trong xã hội ‘tâm phục, khẩu phục chưa’? Mọi chủ thể đều đã buộc phải thi hành chưa? Hay đâu đó vẫn còn nhiều chủ thể chưa tôn trọng, hay thách thức pháp luật?.

Sau một hồi ngồi tĩnh tặng và miên man suy tư về kiến thức cơ bản và đối chiếu với những trải nghiệm hành nghề hạn hẹp của mình, tôi phần nào hình dung ra ý câu hỏi kia.

Thiết nghĩ để đánh giá chất lượng công tác xây dựng pháp luật thì nhất thiết phải nhìn vào hiệu quả của việc thực hiện pháp luật. Thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Thực hiện pháp luật có bốn hình thức là Tuân thủ pháp luật; Thi hành pháp luật; Sử dụng pháp luật và Áp dụng pháp luật.

Tuân thủ pháp luật là việc chủ thể pháp luật kiểm soát và kiềm chế hành vi của mình, nhằm tránh vi phạm vào các quy định bị cấm theo pháp luật hiện hành. Hành vi của chủ thể được thể hiện ở dạng không hành động, dù cho có cơ hội để thực hiện chúng. Ví dụ như Điều 6 Luật quản lý thuế 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, trong đó có hành vi thông đồng, móc nối bao che giữa người nộp thuế và công chức thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế. Theo đó, có hai nhóm chủ thể pháp luật cần tuân thủ: Chủ thể thứ nhất là tổ chức, cá nhân nộp thuế (chấp hành nghĩa vụ thuế) và Chủ thể thứ hai là công chức thuế, cơ quan quản lý thuế tổ chức thi hành các quy định trong luật quản lý thuế.

Hành vi bị nghiêm cấm nêu trên bắt buộc thi hành cho cả hai chủ thể, bởi hành vi chuyển giá, trốn thuế của người nộp thuế đạt được từ hành vi dung túng, tiếp tay và móc nối bao che của công chức thuế, cơ quan quản lý thuế. Hành vi không được hành động của cả hai chủ thể ở ví dụ này là không được thông đồng, móc nối bao che giữa người nộp thuế và công chức thuế, cơ quan quản lý thuế, nếu không sẽ không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước mà còn làm tha hóa đạo đức nghề nghiệp và bổn phận phụng sự nhà nước của công chức thuế.

Eleanor Roosevelt, chính khách Mỹ từng nói “Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía”. Điều đó cho thấy khi một quốc gia được coi là thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên phải là thể chế với thành tố chủ đạo là pháp luật phải được tuân thủ. Đâu đó còn sự tồn tại một chủ thể nào đó ngang nhiên “ngồi xổm” lên pháp luật thì không thể nói hệ thống pháp luật của quốc gia đó đủ uy quyền để bình ổn và tạo ra sự công bằng giữa các chủ thể pháp luật.

Thi hành pháp luật là việc chủ thể pháp luật bằng hành vi tích cực của mình thực hiện điều pháp luật yêu cầu. Hành vi thi hành pháp luật được thực hiện dưới dạng hành động. Nếu hành vi đặc trưng của tính tuân thủ pháp luật được thể hiện dưới dạng không hành động thì đặc trưng cơ bản của thi hành pháp luật lại ngược lại, tức hành vi đó phải được thực hiện dưới dạng hành động, không những vậy mà còn phải hành động một cách tích cực để đáp ứng yêu cầu của pháp luật.

Mạn đàm về tính 'khả thi' của pháp luật - Ảnh 2

Tôi xin dẫn chứng tiếp một ví dụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật quản lý thuế 2019 “Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật”. Với bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, thuế được coi là nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước, giúp tài trợ cho các hoạt động thiết yếu như y tế, giáo dục, giao thông và quốc phòng. Không có thuế, Nhà nước sẽ không thể duy trì các dịch vụ công cộng hoặc đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, thuế còn góp phần điều tiết thu nhập, giảm bất bình đẳng trong xã hội và hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội. Tầm quan trọng của thuế đến nỗi người ta có cả những câu slogan kiểu như “nộp thuế là yêu nước”. Vậy để người nộp thuế tự nguyện nộp thuế thì Nhà nước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về thuế phải có tính khả thi và có đủ các điều kiện bảo đảm được thực hiện trên thực tế chứ không chỉ là các khẩu hiệu hô hào.

Cụ thể là sau khi được ban hành, các VBQPPL về thuế này phải thể hiện sự phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh, từng đối tượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và nhất là phải mềm dẻo xem xét đến yếu tố đặc thù vùng miền. Ngoài ra, còn phải tạo ra các cơ chế đồng nhất để tháo gỡ những khó khăn một cách kịp thời cho người nộp thuế, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế, chính trị, xã hội, đạt được mục đích quản lý của Nhà nước.

Sử dụng pháp luật là việc chủ thể thực hiện cách thức xử sự mà pháp luật cho phép. Hành vi sử dụng pháp luật được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Ví dụ khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định cá nhân có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhưng Luật cũng nghiêm cấm việc cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo. Tuy nhiên, việc sử dụng pháp luật trong tố cáo sẽ hiệu quả hơn nếu Luật quy định người tố cáo có quyền mời luật sư tư vấn bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp cho mình trong quá trình giải quyết để việc tố cáo đi đúng hướng, tập trung lột tả được hành vi vi phạm pháp luật của tố chức, cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Áp dụng pháp luật là hình thức thục hiện pháp luật trong đó Nhà nước, thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền, tổ chức cho các chủ thể thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ do pháp luật quy định, thay đổi, đình chỉ, chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ Điều 39 Luật đầu tư 2020 quy định về thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn cho thủ tục này bởi những khó khăn, bất cập xảy ra ngay từ giai đoạn đầu, đơn cử như giai đoạn chuẩn bị hồ sơ bởi Bộ hồ sơ để chuẩn bị cho thủ tục này được quy định tại khoản 1 điều 33 Luật đầu tư năm 2020, theo đó hồ sơ bao gồm khá nhiều loại giấy tờ và để hoàn chỉnh đống giấy tờ này đã là một khó khăn không hề nhỏ, đôi khi chỉ cần một loại giấy tờ có vấn đề, hồ sơ của chủ đầu tư sẽ bị trả về và lúc này thời gian 15 ngày có thể kéo dài không định trước…

Việc khái quát qua bốn hình thức thực hiện pháp luật kèm theo các ví dụ tham vấn trên để thấy việc hiện thực hóa các quy định của pháp luật đã được thực thi trên thực tế và mang lại hiệu quả chưa?. Ngoài ra, cơ chế vận hành để việc thực thi đồng thời các hình thức thực hiện pháp luật để có thời gian kiểm chứng cho chúng ta biết chất lượng trong công tác xây dựng các VBQPPPL để kịp thời điều chỉnh.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm tính khả thi của Hiến pháp và Luật đóng vai trò rất quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của các loại VBQPPL khác trong hệ thống pháp luật. Bởi vậy, để đánh giá tính khả thi không thể chỉ dựa trên một VBQPPL đơn lẻ mà cần đánh giá một cách hệ thống, gắn kết trong hệ thống pháp luật. Để tính khả thi được phát huy không chỉ thỏa mãn những tiêu chí nêu trên mà phải kể đến các mối quan hệ với tính hợp pháp, thống nhất, ổn định và công khai, minh bạch của pháp luật đối với tất cả các chủ thể pháp luật.

Mạn đàm đến đây, có lẽ sự lan man trên đã phần nào “chạm” được vào câu hỏi: Pháp luật là gì?.

Phan Khắc Nghiêm
Luật sư điều hành – Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế

Bài đăng tại: https://kinhtemoitruong.vn/man-dam-ve-tinh-kha-thi-cua-phap-luat-98361.html