BÀN VỀ NGHĨA VỤ BẢO MẬT THÔNG TIN KHÁCH HÀNG CỦA LUẬT SƯ

Nghề Luật sư là một nghề cao quý và Luật sư là những người được xã hội tôn vinh, tin cậy. Thông qua hoạt động của mình, Luật sư thực hiện chức năng xã hội cao cả đó là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh .Với tính chất riêng của mình, nghề Luật sư có những quy tắc ứng xử riêng mà một trong số những quy tắc đó là quy tắc “giữ bí mật thông tin khách hàng”.

BÀN VỀ NGHĨA VỤ BẢO MẬT THÔNG TIN KHÁCH HÀNG CỦA LUẬT SƯ

Nghề Luật sư là một nghề cao quý và Luật sư là những người được xã hội tôn vinh, tin cậy. Thông qua hoạt động của mình, Luật sư thực hiện chức năng xã hội cao cả đó là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh[1].Với tính chất riêng của mình, nghề Luật sư có những quy tắc ứng xử riêng mà một trong số những quy tắc đó là quy tắc “giữ bí mật thông tin khách hàng”.

Nghĩa vụ bảo mật thông tin của Luật sư được quy định tại Luật Luật sư năm 2012, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam (Ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ Ngày 20/7/2001 của Hội đồng Luật sư toàn quốc ). Trong khuôn khổ bài viết tác giả đi sâu phân tích một số vấn đề về nghĩa vụ bảo mật bảo mật thông tin khách hàng của luật sư.

1. Trách nhiệm giữ bí mật thông tin khách hàng của Luật sư

Thông tin của khách hàng là những tin tức, thông điệp khách hàng truyền đạt (nói, viết, trao đổi, tiết lộ) cho Luật sư trong quá trình tiếp xúc, trao đổi giữa luật sư và khách hàng hoặc do luật sư biết được, thu thập được trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc của khách hàng. Thông tin về khách hàng (trong mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng) là những gì khách hàng đã biết hoặc do luật sư thu thập được bằng các biện pháp hợp pháp trong quá trình giải quyết vụ việc. Đó có thể là thông tin cá nhân của khách hàng, bí mật đời tư của khách hàng, tình hình tài chính, bí mật kinh doanh của khách hàng[2],…

Vấn đề giữ bí mật thông tin khách hàng đã được pháp luật nước ta đặt ra từ rất sớm. Tại Khoản 3 Điều 18 Pháp lệnh tổ chức luật sư số 2A-LCT/HĐNN ngày 18/12/1987 của Hội đồng Nhà Nước (Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987) đã quy định luật sư có nghĩa vụ: “Không được tiết lộ những bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ giúp đỡ pháp lý”. Sau đó Pháp lệnh số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X về Luật sư (Pháp lệnh Luật sư năm 2001) tiếp tục quy định về việc luật sư giữ bí mật thông tin khách hàng thông qua quy định về điều cấm đối với luật sư. Khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định cấm luật sư: “Tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, pháp luật có quy định khác”. Trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định về giữ bí mật thông tin khách hàng được quy định trong hai Pháp lệnh Luật sư năm 1987 và Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật Luật sư năm 2006 đã quy định “giữ bí mật thông tin khách hàng” là nghĩa vụ của luật sư trong hoạt động hành nghề luật sư, vừa quy định “giữ bí mật thông tin khách hàng” thông qua điều cấm đối với luật sư. Theo đó, nghiêm cấm luật sư thực hiện hành vi: “Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”[3].

Đồng thời, Điều 25 Luật Luật sư năm 2006 còn quy định về “Bí mật thông tin” như sau:

“1. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

2.Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3.Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình”.

Điều 25 Luật Luật sư năm 2012 vẫn giữ nguyên quy định về bí mật thông tin khách hàng như quy định tại Luật Luật sư năm 2006.

Ngoài ra vấn đề giữ bí mật thông tin khách hàng còn được quy định tại các Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam.  Đầu tiên là “Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư” được ban hành theo Quyết định số 356b/2002/QĐ-BTP ngày 05/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong đó Quy tắc 9 quy định hai nội dung: “Luật sư không tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng khi không được khách hàng đồng ý” “luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên của mình cũng không tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng của mình”.Ngày 20/7/2001, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ban hành “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam” Trong đó, Quy tắc 12 chương II (Quan hệ với khách hàng) quy định về “giữ bí mật thông tin”: “Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Có thể thấy, vấn đề giữ bí mật thông về khách hàng của luật sư là  không chỉ là vấn đề đạo đức, ứng xử nghề nghiệp mà là một vấn đề mang tính pháp lý, được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, là nghĩa vụ pháp lý của luật sư. Nguyên tắc “Giữ bí mật thông tin về khách hàng” là một trong những nét đặc thù của nghề luật sư, là một trong những yếu tố tạo nên uy tín và sự thành công của cá nhân luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.

Trong các mối quan hệ nghề nghiệp của luật sư, mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng là mối quan hệ cơ bản, nền tảng. Để giải quyết vấn đề của khách hàng, luật sư cần phải biết những thông tin về khách hàng, thông tin về vụ việc mà khách hàng đang gặp phải. Để có được thông tin này, luật sư phải tạo được sự tin cậy cho khách hàng. Sự tin cậy đó có được không chỉ ở chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp mà Luật sư còn phải đảm bảo với khách hàng về việc giữ bí mật thông tin của họ. Có thể thấy việc giữ bí mật thông tin khách hàng chỉ là một đòi hỏi của thực tiễn, mang tính tự nhiên, tất yếu trong mối quan hệ nghề nghiệp giữa luật sư với khách hàng mà còn là một quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

2. Nội dung chính của nguyên tắc giữ bí mật thông tin về khách hàng của Luật sư

Nguyên tắc giữ bí mật thông tin về khách hàng của luật sư bao gồm các nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề[4]; cụ thể hơn, Quy tắc 12 trong Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam cũng quy định: “Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý” Do đó đối với bản thân luật sư, luật sư phải bảo mật thông tin về khách hàng, không tiết lộ các thông tin về khách hàng.

Thứ hai:  Đối với các chủ thể khác ngoài luật sư và khách hàng, luật sư phải hạn chế các khả năng những thông tin về khách hàng bị tiết lộ, bị xâm phạm. Đối với các luật sư cùng hành nghề trong một tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật), không chỉ bản thân luật sư tiếp nhận, thụ lý giải quyết vụ việc của khách hàng phải giữ bí mật thông tin về khách hàng mà các luật sư khác trong cùng tổ chức hành nghề luật sư cũng phải giữ bí mật thông tin về khách hàng của tổ chức mình. Khoản 3 Điều 25 Luật Luật sư 2012 quy định: “Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.” và Quy tắc 12 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam: “luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.[5]

Luật sư có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về khách hàng trong lúc đang thụ lý giải quyết vụ việc cho đến khi vụ việc đã kết thúc. Quy tắc 12 chương II (Quan hệ với khách hàng) của Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam quy định rõ: “Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó”. Theo đó việc giữ bí mật thông tin về khách hàng của luật sư không có sự giới hạn về thời gian. Khi kết thúc vụ việc, luật sư vẫn có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về khách hàng.

Hiện nay vẫn có một số quan điểm khác nhau về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng của luật sư[6].

Quan điểm thứ nhất: Luật sư phải giữ bí mật tất cả các thông tin về khách hàng

Quan điểm này cho rằng  Luật sư phải bảo mật tất cả các thông tin liên quan đến khách hàng, gồm cả các thông tin về nhân thân, nghề nghiệp và các thông tin của vụ việc. Việc giữ bí mật tuyệt đối và toàn diện sẽ tạo được sự tin cậy tuyệt đối cho khách hàng, nâng cao quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của luật sư đối với khách hàng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của luật sư; quan điểm này cũng phù hợp với quy tắc “bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng”[7]. Tuy nhiên quan điểm này cũng không phải là đúng trong mọi trường hợp, có những thông tin có tính chất đơn giản và không có khả năng gây hại cho khách hàng hay tác động đến bản chất vụ việc, do đó quan điểm này cũng có những bất cập cho luật sư trong thực tế.

Quan điểm thứ hai: Luật sư chỉ có nghĩa vụ bảo mật đối với những tin về khách hàng được xem, được xác định là thông tin mật theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận bảo mật giữa luật sư và khách hàng.

Quan điểm này tạo sự linh động cho Luật sư khi xử lý thông tin khách hàng, tuy nhiên vấn đề giới hạn thông tin là một vấn đề rất khó để định lượng trong thực tế. Để xác định  loại thông tin nào cần bảo mật, loại thông tin nào không cần bảo mật, việc bảo mật có lập thành văn bản không….là cả một vấn đề nan giải, do đó cần quy định Luật hóa chi tiết hơn về vấn đề này để thống nhất chung khi thực hiện.

Một lưu ý khác là Luật sư chỉ bảo mật tất cả các thông tin mà luật sư biết được về khách hàng trong mối quan hệ nghề nghiệp với khách hàng, khi thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Luật sư không có nghĩa vụ giữ bí mật những thông tin về khách hàng mà luật sư biết được trước khi có quan hệ nghề nghiệp với khách hàng hoặc sau khi đã kết thúc vụ việc với khách hàng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Luật sư năm 2012: Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với những vụ việc đã được công bố luật sư chỉ được phát biểu trên nguyên tắc “bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng” và trên cơ sở những thông tin về khách hàng, liên quan đến vụ việc đã được công bố, tuyệt đối tránh vô tình tiết lộ các thông tin khác về khách hàng, về vụ việc nếu chưa được sự đồng ý của khách hàng[8].

3. Nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng của Luật sư và vấn đề liên quan đến tội không tố giác tội phạm

Điều 19 Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018( gọi tắt  là Bộ luật Hình sự năm 2015)  đã bổ sung thêm một chủ thể mới là người bào chữa. Theo đó, người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này ( Nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ Điều 108 đến Điều 122) hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Hiện nay vẫn có những quan điểm khác nhau về vấn đề liệu có sự mâu thuẫn giữa quy định về giữ bí mật thông tin khách hàng của luật sư với vấn đề không tố giác tội phạm?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: về nguyên tắc, với tư cách là công dân thì người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm. Nguyên tắc này đã được Hiến pháp ghi nhận “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.”[9] và được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật. Điều 4 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm”; Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “… cá nhân có nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm” . Do đó việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa là đúng đắn, xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa.

Cũng có quan điểm cho rằng:  Luật sư có trách nhiệm làm sáng tỏ những tình tiết xác định thân chủ vô tội hoặc những tình tiết làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ. Khi tham gia bào chữa, thực chất luật sư không chỉ hỗ trợ cho thân chủ về mặt pháp lý mà còn giúp họ ổn định về mặt tâm lý, tinh thần, là cầu nối giữa thân chủ và gia đình họ; và Luật sư thường được thân chủ tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc một cách chi tiết, cụ thể nhất. Luật sư không được phép xúi giục thân chủ khai sai sự thật hay cung cấp tài liệu, bằng chứng giả nhưng không có nghĩa là luật sư có nghĩa vụ sử dụng thông tin mà thân chủ tiết lộ để tố giác ngược lại họ cho cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi nếu tố giác thân chủ rõ ràng làm trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp luật sư, phản bội lại niềm tin của thân chủ dành cho luật sư.

Mặt khác , Điểm g, khoản 2, điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Có thể thấy mỗi quan điểm lại có những luận cứ riêng, song theo cá nhân tác giả, với tính chất nghề nghiệp đặc biệt như nghề luật sư, với những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, phạm vi trách nhiệm của người bào chữa theo Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 cần phải được thu hẹp hơn[10].  Nên chăng pháp luật chỉ quy định luật sư chỉ phải tố giác tội phạm đối với khách hàng khi khách hàng đó phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; hoặc bổ sung quy định chỉ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người bào chữa biết rõ, có đủ chứng cứ về tội phạm đó và nếu không tố giác sẽ gây nguy hại cho đời sống xã hội mà không thực hiện việc tố giác[11]. Ngoài ra, cần sửa đổi cho thống nhất các quy định giữa Bộ luật Hình sự năm 2015 với các quy định pháp luật khác có liên quan trong Luật Luật sư, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác để tạo thuận lợi hơn trong việc áp dụng pháp luật.


[1] Điều 3 Luật Luật sư  năm 2012

[2] Kiều Anh Vũ, Giữ bí mật thông tin về khách hàng- giới hạn và trách nhiệm của Luật sư, https://danluat.thuvienphapluat.vn/ls-file.ashx?__key=00.00.20.96.75/…VU…, truy cập 01.03.2018

[3] điểm c khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006

[4] khoản 1 Điều 25 Luật Luật sư 2012

[5] Quy tắc 12 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam

[6] LS.Kiều Anh Vũ, Giữ bí mật thông tin về khách hàng- giới hạn và trách nhiệm của Luật sư, https://danluat.thuvienphapluat.vn/ls-file.ashx?__key=00.00.20.96.75/…VU…, truy cập 01.03.2018

[7] Quy tắc 3 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam

[8] LS.Kiều Anh Vũ, Giữ bí mật thông tin về khách hàng- giới hạn và trách nhiệm của Luật sư, https://danluat.thuvienphapluat.vn/ls-file.ashx?__key=00.00.20.96.75/…VU…, truy cập 01.03.2018

[9] Điều 46 Hiến pháp năm 2013

[10] Khoản 3 Điều 19 quy định trách nhiệm của người bào chữa đối với trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

[11] LS Nguyễn Văn Hậu, Bàn về nghĩa vụ tố giác tội phạm của luật sư, http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/ban-ve-nghia-vu-to-giac-toi-pham-cua-luat-su-63845.html, ngày đăng 26/5/2017, ngày trc: 07/3/2018

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Mới cập nhật

Cùng chủ đề