BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA TRONG CÔNG TY CÓ NHIỀU NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT

Khoản 2 Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ Công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.” Khoản 2 Điều 137 BLDS năm 2015 cũng thừa nhận một pháp nhân có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Đây là lần đầu tiên pháp luật thừa nhận Công ty TNHH và Công ty cổ phần (sau đây gọi chung là “Công ty”) có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp Công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật thì quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba được bảo đảm như thế nào khi có xung đột thẩm quyền?.

BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA TRONG CÔNG TY CÓ NHIỀU NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT

1. Ý nghĩa của việc quy định Công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật

Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định mỗi Công ty có một người đại diện theo pháp luật. “Quy định này dẫn tới tình trạng, nếu người đại diện theo pháp luật vì lý do cá nhân vắng mặt ở Việt Nam nhưng không thực hiện ủy quyền, người đại diện theo pháp luật bị tạm giữ, hoặc việc thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng chưa hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật…, thì toàn bộ các giao kết sẽ bị chậm lại hoặc ách tắc. Thậm chí, có nhiều giao kết hợp đồng được ký bởi người đại diện theo pháp luật theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, nhưng vẫn bị kiện vô hiệu, do được ký trong khi DN chưa hoàn tất việc đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật cũ.”[1]

Ngoài ra, trong thực tiễn có hiện tượng mặc dù tồn tại Công ty, nhưng mỗi thành viên hoặc cổ đông độc lập phụ trách một lĩnh vực kinh doanh của Công ty. Họ chỉ lấy tư cách pháp nhân của Công ty để giao kết hợp đồng, kê khai và nộp thuế. Thông thường, mỗi người phụ trách một lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Công ty sẽ trực tiếp nhân danh Công ty giao kết và thực hiện hợp đồng với đối tác. Trong một vụ tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty, các thành viên của Công ty TNHH ABC đều xác nhận phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty là: Mỗi thành viên được phân công hoạt động trong một lĩnh vực và phải tự lo toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Khi phát sinh doanh số thì phải nộp tiền thuế qua Công ty và phải nộp vào quỹ của Công ty 1,5% để sử dụng chi tiêu vào các hoạt động hành chính của Công ty. Lãi còn lại thành viên đó được hưởng, lỗ thì phải tự chịu. Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và BLDS năm 2005 thì người đại diện theo pháp luật phải ủy quyền cho từng người phụ trách thì những người này mới có thẩm quyền xác lập, thực hiện và chấm dứt hợp đồng với đối tác của Công ty nếu không thì hợp đồng có nguy cơ vô hiệu.

Bên cạnh đó, đối với những Công ty lớn, số lượng giao dịch quá lớn sẽ gây ra sự quá tải cho người đại diện theo pháp luật nếu Công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật.

Vì lẽ đó, quy định mới của Luật doanh nghiệp năm 2014 và BLDS năm 2015 đã giúp cho Công ty thuận lợi hơn trong việc phân bổ nhân lực có thẩm quyền nhân danh Công ty xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt giao dịch với người thứ ba. Đồng thời, các quy định mới cũng bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba, tránh tình trạng giao dịch được xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt không đúng thẩm quyền và có nguy cơ vô hiệu, gây thiệt hại cho bên thứ ba.

2. Quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba khi có tình trạng xung đột thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật của Công ty

Mặc dù có ý nghĩa như trên, nhưng quy định về việc Công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Như vậy, khi có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên sẽ đến tình trạng xung đột thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, xung đột thẩm quyền là hiện tượng mà hai hay nhiều người đại diện theo pháp luật cùng có thẩm quyền xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt một giao dịch dân sự. Để giải quyết xung đột thẩm quyền, cần phải phân định rõ thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật và có các nguyên tắc xác định thẩm quyền trong những trường hợp cụ thể. Liên quan đến quyền và lợi ích của người thứ ba, một số vướng mắc sau có thể phát sinh khi có sự xung đột thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Thứ nhất, pháp luật quy định điều lệ Công ty sẽ quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý của người đại diện theo pháp luật của Công ty. Như vậy, điều lệ Công ty là căn cứ pháp lý để xác định người đại diện theo pháp luật của Công ty và thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật. Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng ghi cụ thể số lượng, tên và chức danh của tất cả những người đại diện theo pháp luật của Công ty. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không cung cấp thông tin về thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, người thứ ba vẫn phải nghiên cứu điều lệ của Công ty để biết rõ thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên không phải người thứ ba nào cũng có thể tiếp cận được điều lệ Công ty. Nhất là trong những trường hợp Công ty không hợp tác cung cấp bản sao điều lệ cho người thứ ba.

Trong trường hợp người thứ ba không thể tiếp cận được điều lệ Công ty mà dẫn đến xác lập giao dịch với người đại diện theo pháp luật  của Công ty nhưng không có thẩm quyền xác lập giao dịch này thì giao dịch có nguy cơ vô hiệu. Để tránh tình trạng này, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 hoặc án lệ cần theo hướng Công ty có nghĩa vụ công bố thông tin về thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật cho người thứ ba.[2] Nếu như Công ty không công bố hoặc cung cấp thông tin không chính xác về thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật cho người thứ ba thì áp dụng điểm c khoản 1 Điều 142 BLDS năm 2015[3] tuyên bố giao dịch có hiệu lực đối với Công ty mặc dù người nhân danh Công ty xác lập giao dịch không có thẩm quyền đối với giao dịch. Đi xa hơn nữa, án lệ cần thừa nhận một nguyên tắc trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch với người thứ ba, nếu Công ty không tuyên bố bằng văn bản cho người thứ ba rằng người đại diện theo pháp luật nhân danh Công ty xác lập giao dịch với người thứ ba không có thẩm quyền đối với giao dịch này thì người thứ ba được quyền mặc nhiên suy đoán là người đại diện theo pháp luật này có thẩm quyền và giao dịch này có hiệu lực đối với Công ty và người thứ ba. Đây là nguyên tắc hợp lý bởi vì Công ty là chủ thể nắm được thông tin rõ nhất về thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật của Công ty. Do đó, Công ty phải chủ động công bố thông tin về thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của Công ty cho người thứ ba. Ngược lại một người thứ ba hợp lý luôn có xu hướng suy đoán rằng một người đại diện theo pháp luật của Công ty có thẩm quyền nhân danh Công ty xác lập, thay đổi, chấm dứt tất cả các giao dịch trừ những giao dịch phải do Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên phê chuẩn nếu như Công ty không có công bố khác.

Thứ hai, thực tế cho thấy các Công ty thường xuyên thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong đó có thay đổi về người đại diện theo pháp luật. Mặc dù nội dung về người đại diện theo pháp luật của Công ty được cập nhật vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được cập nhật trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm thông tin thay đổi người đại diện theo pháp luật được công bố trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp có thể chậm hơn so với thời điểm thay đổi người đại diện theo pháp luật ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hơn nữa, một người thứ ba hợp lý rất khó có thể suy đoán rằng người đại diện theo pháp luật của Công ty đã thay đổi nếu như không có những thông tin hay dấu hiệu nhất định nào đó. Trong trường hợp người thứ ba và Công ty có mối quan hệ làm ăn lâu dài, giữa người thứ ba và Công ty đã có hàng loạt các giao dịch, hợp đồng mà người đại diện theo pháp luật A nhân danh Công ty xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt với người thứ ba. Tuy nhiên, đến giao dịch cuối cùng thì người thứ ba bị bất ngờ khi Công ty tuyên bố giao dịch này vô hiệu vì ông A đã không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty tại thời điểm xác lập giao dịch cuối cùng này. Rõ ràng, nếu là những đối tác lần đầu tiên xác lập giao dịch với nhau thì người thứ ba phải kiểm tra tư cách đại diện của ông A. Nhưng đối với quan hệ làm ăn lâu dài, từ trước đến nay, người thứ ba đã và đang giao dịch với ông A (tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty), đồng thời không có lý do gì để người thứ ba nghi ngờ tư cách đại diện theo pháp luật của ông A tuyên bố giao dịch vô hiệu tỏ ra không thực sự công bằng với người thứ ba. Vì vậy, theo chúng tôi cần buộc Công ty phải công bố với một người thứ ba cụ thể về việc một người đại diện theo pháp luật đang thường xuyên nhân danh Công ty xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt các giao dịch với một người thứ ba cụ thể này đã chấm dứt tư cách đại diện theo pháp luật trước khi người thứ ba cụ thể này và Công ty xác lập các giao dịch tiếp theo. Nếu Công ty không công bố thông tin này thì áp dụng điểm c khoản 1 Điều 142 BLDS năm 2015 tuyên bố giao dịch có hiệu lực đối với Công ty.

Thứ ba, người đại diện theo pháp luật phủ định quyết định của nhau. Với quy định không rõ ràng như hiện nay rất dễ dẫn đến tình trạng một người đại diện theo pháp luật của Công ty đã ra một quyết định nhưng sau đó một người đại diện theo pháp luật khác lại phủ định quyết định này. Đặc biệt đối với các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì nếu xảy ra tình trạng này quyền và lợi ích của người thứ ba sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ, Công ty TNHH ABC có hai người đại diện theo pháp luật là A và B. A nhân danh Công ty ra quyết định tăng lương cho cô M, nhưng sau đó, B lại ra quyết định hủy quyết định tăng lương cho M. Trong trường hợp khác A quyết định chọn nhà thầu N và ký hợp đồng với nhà thầu N, nhưng sau đó, B lại ra thông báo không công nhận hợp đồng được ký kết bởi A (nhân danh ABC) với nhà thầu N. Rõ ràng trong cả hai trường hợp này, quyền và lợi ích hợp pháp của M và N bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không những thế uy tín và niềm tin của M và N cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Để tránh tình trạng này, chúng tôi cho rằng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 hoặc án lệ cần theo hướng sau:

Nếu một người đại diện theo pháp luật của Công ty đã ra quyết định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba mà quyết định này được xác lập đúng thẩm quyền, thủ tục và có nội dung hợp pháp và quyết định này đã được chính thức công bố cho người thứ ba liên quan thì người đại diện theo pháp luật khác không có quyền thực hiện bất kỳ hành vi nào làm ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của quyết định này.

3. Kết luận

Như vậy, quy định về việc Công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật tạo thuận lợi cho Công ty trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh và cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Tuy nhiên, các quy định này chỉ có thể hiệu quả trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba nếu như được giải thích, hướng dẫn cụ thể. Nếu ngược lại, quyền và và lợi ích hợp pháp của người thứ ba sẽ bị ảnh hưởng khi xảy ra xung đột thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Civillawinfor:

Một số quy định của BLDS năm 2015 có liên quan đến nội dung của bài viết

Điều 387.1: Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết;

Điều 141.2Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện thì đối với người thứ ba được hiểu, người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Điều 82.3: Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai (Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật – Điều 82.2);

Điều 138.1: Pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch (BLDS 2005: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch – Điều 143.1);

Điều 135: Pháp nhân có thể ủy quyền bằng điều lệ cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch. (BLDS năm 2005 không có quy định).


Chú thích:

[1] Bùi Sưởng, Nhiều người đại diện theo pháp luật: Cần song vẫn vướng…, http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/nhieu-nguoi-dai-dien-theo-phap-luat-can-song-van-vuong-155815.html tải xuống lúc 13:54  ngày 07/01/2017

[2] Công ty phải cung cấp bản sao điều lệ công ty (có xác nhận sao y bản chính của công ty) cho người thứ ba và các văn bản liên quan đến việc phân định thẩm quyền của những người đại diện theo pháp luật của công ty (nếu có) (có xác nhận sao y bản chính của công ty) cho người thứ ba

[3] Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:…c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện. (điểm c Khoản 1 Điều 142 Bộ luật dân sự năm 2015).


Nguồn: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Mới cập nhật

Cùng chủ đề