Mở đầu
Chiếm hữu là một chế định quan trọng trong Luật Dân sự, được pháp điển trong nhiều bộ luật dân sự các quốc gia trên thế giới, mà sớm nhất phải kể đến Luật La Mã. Chế định chiếm hữu trong luật La Mã đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với pháp luật Dân sự của rất nhiều quốc gia theo truyền thống Dân luật.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trường phái pháp luật Sô viết (vốn được xây nhựng trên những nền tảng khác hẳn với luật La Mã) nên BLDS Việt Nam 2005 quy định chiếm hữu là một quyền nằm trong nội dung của quyền sở hữu, bảo vệ chiếm hữu theo cách thức bảo vệ quyền sở hữu.
BLDS 2015 với sự hỗ trợ học thuật từ chính phủ Nhật Bản[1] đã sửa đổi chế định chiếm hữu theo hướng gần gũi hơn với quan điểm của nền luật học Tây phương.
Bài viết này nhằm cố gắng (1) trình bày sơ lược về chế định chiếm hữu trong pháp luật thế giới và (2) đặc điểm của chế định chiếm hữu trong BLDS 2015, từ đó (3) bình luận về chế định này.
I. Quan niệm về chiếm hữu trong pháp luật dân sự thế giới
1. Chiếm hữu phân biệt với sở hữu
Ngay từ những buổi đầu của nền pháp luật, các luật gia La Mã đã phân biệt sở hữu và chiếm hữu. Trong khi sở hữu là quan hệ pháp lý giữa chủ sở hữu và vật, thì chiếm hữu có thể hiểu là “sự thống trị thực tế đối với vật”[2].
Trong thực tế, có những người xuất hiện với dáng vẻ, tư thế của chủ sở hữu đích thực của vật: người buôn ngựa dắt mũi con ngựa; người nông dân đóng cọc dựng hàng rào quanh trang trại; chủ nhà treo bức tranh quý lên tường nhà mình; v.v… Thông thường, những người có dáng vẻ, tư thế đường hoàng kia đồng thời cũng là chủ sở hữu đích thực của những tài sản đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà người đang kiểm soát vật không phải chủ sở hữu của vật đó. Họ có thể chỉ là những người nhặt được của rơi, những người mua nhầm phải đồ trộm cắp, thậm chí chính họ cũng có thể chỉ là một tên trộm.
Như vậy rõ ràng là, cái gọi là dáng vẻ, tư thế đường hoàng kia không nói lên mối quan hệ pháp lý giữa chủ thể và tài sản, cũng như một quả táo có vỏ trơn láng không có nghĩa là ruột quả táo không có sâu. Hay diễn đạt đúng hơn, trong khi chiếm hữu là tình trạng dễ dàng thấy được khi nhìn từ bên ngoài vào mối quan hệ giữa chủ thể và vật, thì sở hữu (trả lời cho câu hỏi: chủ thế có quyền pháp lý đối với vật hay không?) lại là nội dung thực sự của mối quan hệ đó.
Theo cách hiểu trên về chiếm hữu, thì chiếm hữu rõ ràng phải xuất hiện trước cả khi có nhà nước và pháp luật. Từ rất sớm khi tư hữu xuất hiện trong xã hội loài người, con người đã bắt đầu có mong muốn bảo vệ sự thống trị của mình đối với vật. Sự thống trị này có thể đạt được một cách hòa bình và chính đáng, nhưng cũng có thể thông qua bạo lực. Chỉ đến khi nhà nước và pháp luật ra đời, nhu cầu phát xét tính chính đáng của sự thống trị đó mới bắt đầu được đặt ra. Khi tính chính đáng của việc chiếm hữu được công nhận, quyền sở hữu của chủ thể được thiết lập.
Do chiếm hữu và sở hữu là 2 vấn đề khác nhau, mà luật Dân sự các nước tiên tiến quy định chúng trong những chế định khác nhau, và dành cho chúng những cách thức bảo vệ riêng biệt.
2. Thiết lập quan hệ chiếm hữu
Luật La Mã quy định, nếu một mối quan hệ tài sản đáp ứng 2 tiêu chí: (1) animus và (2) corpus thì quan hệ chiếm hữu được xác lập. Sự quy định này đã có một ảnh hưởng lớn đến nhiều BLDS trên thế giới.[3]
Corpus, yếu tố vật chất hay yếu tố khách quan, được hiểu là việc thực hiện trên thực tế các hành vi mang tính chất thể hiện quyền năng đối với tài sản.[4] Corpus có thể mang tính trực tiếp (như cất giữ, khai thác công năng, thu hoa lợi từ vật, v.v…), nhưng cũng có thể mang tính gián tiếp (thu tiền thuê nhà của người thuê, nộp thuế cho cơ quan nhà nước, v.v…).
Animus, yếu tố tâm lý hay yếu tố chủ quan, được hiểu là thái độ tâm lý thể hiện thành cung cách cư xử phù hợp với các quyền năng mà người chiếm hữu tự cho là có được đối với tài sản.[5] Cũng có thể hiểu animus là ý chí muốn hành xử như thể mình là chủ sở hữu đích thực của tài sản, trong mối quan hệ với tài sản, trước mắt những người khác.
Ta cần phân biệt animus với sự ngay tình. Trong khi animus là thái độ tâm lý, là ý chí bày tỏ đối với thế giới bên ngoài theo cung cách như thể chủ thể là người thực sự có quyền, thì sự ngay tình lại là niềm tin nội tâm của chủ thể rằng mình có quyền đối với tài sản. Như vậy, ta thấy rằng một người không có niềm tin rằng mình là chủ sở hữu của tài sản, vẫn có thể có animus, mà ví dụ điển hình là tên trộm.
Ta cũng có thể thấy, có những người có sự kiểm soát vật trong tay nhưng không phải người chiếm hữu. Những người quản lý hay sử dụng tài sản thông qua một sự ủy quyền hoặc một hợp đồng đều không phải người chiếm hữu, bởi vì họ không có thái độ tâm lý xem mình là chủ sở hữu thực sự của vật.[6]
Người thuê nhà trả tiền nhà cho người cho thuê, nên đã công nhận tư cách sở hữu của người cho thuê và đồng thời không có ý chí xem mình là chủ sở hữu, nên không phải là người chiếm hữu.
3. Hiệu lực của chiếm hữu nhìn từ góc độ người chiếm hữu
Một khi quan hệ chiếm hữu được xác lập, sự chiếm hữu ấy sẽ phát sinh hiệu lực một cách độc lập với chế định sở hữu. Các hiệu lực của chiếm hữu được thừa nhận phổ biến nhất là: 1. Nó có tác dụng tạo ra sự suy đoán có lợi cho người chiếm hữu mỗi khi có tranh chấp về quyền đối với tài sản; 2. Nó cho phép người chiếm hữu được hưởng sự bảo vệ chống mọi quấy nhiễu từ bên ngoài; 3. Nó cho phép người chiếm hữu, trong những hoàn cảnh được dự kiến, xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.[7]
Hiệu lực suy đoán có lợi cho người chiếm hữu khi có tranh chấp: Khi mỗi quan hệ chiếm hữu hiện có bị đặt vào sự thử thách của một cuộc tranh chấp chiếm hữu, pháp luật các quốc gia trao cho người chiếm hữu một số sự suy đoán có lợi.
Ví dụ: BLDS Pháp suy đoán người đang chiếm hữu là chiếm hữu với tư cách chủ sở hữu (sự suy đoán này cho phép người chiếm hữu được hưởng thời hiệu xác lập sở hữu) nếu không có phản chứng (Điều 2230); nếu người chiếm hữu chứng minh được rằng trước đây đã chiếm hữu, thì được suy đoán rằng đã chiếm hữu từ thời điểm đó tới này, trừ trường hợp có phản chứng (Điều 2234). BLDS Hà Lan suy đoán là người chiếm hữu là ngay tình, người khác muốn nại rằng người đó không ngay tình thì phải chứng minh (Điều 118)[8].
Như vậy, với những suy đoán trên, khi đối diện với một tranh chấp chiếm hữu, người chiếm hữu được loại khỏi mọi nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ tình trạng chiếm hữu của mình. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về người đi kiện. Việc này đảm bảo cho người chiếm hữu ở trong một tình trạng ổn định, để anh ta có thể yên tâm khai thác các giá trị kinh tế của tài sản mà anh ta chiếm hữu.
Hiệu lực bảo vệ người chiếm hữu khỏi mọi sự quấy nhiễu đến từ bên ngoài, xâm phạm đến tình trạng chiếm hữu đang tồn tại. Theo đó, nếu người chiếm hữu cho rằng một người đang xâm phạm đến sự chiếm hữu của anh ta, anh ta có thể kiện ra tòa để xin tòa buộc người xâm phạm dừng hành vi xâm phạm của mình lại. Ví dụ: Cây từ nhà ông A ngả cành sang nhà ông B, thì ông B có quyền yêu cầu ông A chặt cành đó đi, hoặc kiện ra tòa để xin bảo vệ chiếm hữu, buộc ông A phải thực hiện yêu cầu phải chặt nhành cây lấn sang không gian nhà mình. Hành vi kiện này gọi là kiện bảo vệ chiếm hữu (possessory action).
Xác lập sở hữu theo thời hiệu là một hiệu lực của chiếm hữu, theo đó trong những trường hợp cụ thể, nếu sự chiếm hữu là liên tục, công khai và ngay tình sau một thời hiệu nhất định (thường là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản), thì người chiếm hữu sẽ được xác lập quyền sở hữu trên tài sản, được bảo vệ bằng một cách thức mạnh mẽ hơn.
4. Chiếm hữu như một tình trạng – nhìn từ góc độ người đi kiện đòi tài sản
Có nhiều nguyên nhân ngoài ý muốn mà tình trạng chiếm hữu không còn nằm trong tay chủ sở hữu. Trong những tình huống đó, nếu chủ sở hữu biết được tài sản của mình đang nằm trong quan hệ chiếm hữu với một người cụ thể, chủ sở hữu có 2 lựa chọn để đòi lại vật.
Cách thứ nhất, chủ sở hữu có thể đâm một đơn kiện đòi bảo vệ quyền sở hữu (Petitory action), lúc này một tranh chấp về quyền sẽ xảy ra giữa chủ sở hữu và người đang chiếm hữu. Muốn được bảo vệ quyền sở hữu của mình, chủ sở hữu phải chứng minh mình có quyền sở hữu. Nếu quốc gia nơi xảy ra tranh chấp có hệ thống đăng ký vật quyền đã hoàn thiện, lúc đó thì chủ sở hữu chỉ cần trình ra chứng cứ đăng ký vật quyền, thì ngay lập tức sự chứng minh quyền sở hữu hoàn tất. Ngược lại, nếu không có một hệ thống đăng ký vật quyền hoàn thiện như thế, thì về nguyên tắc, chủ sở hữu sẽ phải đi ngược thời gian, lần về tới tận khi quyền sở hữu được xác lập lần đầu tiên trên tài sản đó, thậm chí, tới tận khi tài sản được tạo ra, để chứng minh mình thực sự là chủ sở hữu. Điều này là rất không khả thi trong thực tế. Sẽ đến một lúc nào đó, quá trình lần ngược về quá khứ này sẽ phải dừng lại. Do vậy, nếu chọn tranh chấp về quyền, thì chủ sở hữu sẽ rất khó khăn để đòi lại tài sản của mình.
Cách thứ hai, chủ sở hữu có thể kiện đòi bảo vệ chiếm hữu (possessory action), và tranh chấp giữa chủ sở hữu và người đang chiếm hữu là tranh chấp về tình trạng chiếm hữu. Trong lựa chọn này, chủ sở hữu không cần đi tìm hiểu và chứng minh quan hệ pháp lý của sự chiếm hữu, mà chỉ cần chứng minh: (1) tình trạng chiếm hữu của mình đã từng tồn tại; và (2) tình trạng chiếm hữu của mình bị chấm dứt một cách trái với ý chí. Nếu bên bị là người đang chiếm hữu tài sản không phản tố, thì chủ sở hữu sẽ đòi lại được tài sản mà không buộc phải chứng minh quyền của mình.
Như vậy, việc xem chiếm hữu là tình trạng đã mở ra cho các chủ thể một khả năng được bảo vệ tốt hơn tình trạng chiếm hữu ấy của mình. Khác với cách thức bảo vệ quyền (một khi chủ thể chứng minh được anh ta có vật quyền, anh ta sẽ được bảo vệ vật quyền ấy chừng nào anh ta còn vật quyền), pháp luật chỉ bảo vệ sự chiếm hữu như một giải pháp tạm thời: nghĩa là bất cứ khi nào mà sự chiếm hữu không vượt qua được thử thách, thì người chiếm hữu hiện tại phải “nhường bước” cho người có quyền và đã chứng minh được quyền, hoặc người đã có tình trạng chiêm hữu trước đó.
5. Bảo vệ người thứ ba ngay tình
Trong thực tế sẽ có những trường hợp, chủ sở hữu A bị B trộm tài sản rồi đem bán cho C (ngay tình). Nếu tranh chấp xảy ra giữa A và C thì vấn đề đặt ra là, nếu A chứng minh được quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu của A một cách quá mạnh mẽ, thì C sẽ là người chịu thiệt hại, trong khi C hoàn toàn không biết tài sản mình mua là đồ ăn cắp. Sự thiệt hại của C thể hiện ở 2 điểm sau: 1. C đang chiếm hữu và khai thác tài sản một cách hòa bình, nhưng C luôn ở trong một trạng thái không an toàn về pháp lý, rằng chừng nào quyền sở hữu theo thời hiệu chưa được xác lập thì chủ sở hữu A vẫn có thể đòi lại tài sản từ C; Và 2. C muốn đòi bồi thường thiệt hại, phải tìm đến B là kẻ trộm. Trong thực tế, nhất là khi mua bán động sản, ta không dễ gì tìm lại người bán nếu người đó không phải là người quen. Do đó, việc đòi bồi thường cũng không hề đơn giản chút nào. Chưa kể đến việc C phải chứng minh được lỗi của người bán.
Do tình trạng như trên không phù hợp với nhu cầu được vận hành ổn định của các quan hệ dân sự, cũng như lẽ công bằng, cho nên các nhà làm luật đã đặt ra các hạn chế đối với việc đòi lại tình trạng chiếm hữu để bảo vệ người thứ 3 ngay tình. Giải pháp phổ biến nhất, là đặt ra một thời hiệu để kiện đòi lại tình trạng chiếm hữu. Vì dụ: BLDS Pháp quy định thời hiệu để kiện đòi lại vật là 3 năm kể từ ngày đánh mất hoặc mất trộm (Điều 2279). Thời hạn tương ứng đối trong BLDS Nhật Bản là 1 năm (Điều 201), nhưng chỉ áp dụng cho tố quyền đòi khôi phục tình trạng chiếm hữu.
Như vậy, BLDS các quốc gia trên thế giới bằng cách quy định và bảo vệ chiếm hữu như một tình trạng, đã dung hòa được các nhu cầu được bảo vệ của nhiều chủ thể trong các mối quan hệ dân sự.
II. Lý giải và bình luận về chế định chiếm hữu trong BLDS Việt Nam 2015
1. Quyền chiếm hữu và Chiếm hữu
Quyền chiếm hữu: Tiếp nối BLDS 2005, BLDS 2015 quy định quyền chiếm hữu là một nội dung nằm bên trong quyền sở hữu, bên cạnh quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quy định này khiến cho chế định sở hữu của BLDS Việt Nam trở nên kì lạ, khác biệt hẳn đổi với chế định quyền sở hữu trong truyền thống pháp luật Dân sự thế giới, mà khởi nguyên từ luật La Mã, vốn chỉ quy định quyền sở hữu gồm có quyền sử dụng, hưởng hoa lợi và định đoạt. Chính từ nền tảng này, BLDS tiếp tục quy định các chủ thể có quyền chiếm hữu như sau: (1) Chủ sở hữu; (2) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; (3) Người được giao tài sản thông qua hành vi pháp lý (Điều 186, 187, 188). Sự chiếm hữu của 3 loại chủ thể nêu trên được định nghĩa là chiếm hữu có căn cứ pháp luật.[9]
Chiếm hữu. Không như BLDS 2005 chỉ xem chiếm hữu là một nội dung của quyền sở hữu, BLDS 2015 còn công nhận rằng bên cạnh quyền chiếm hữu, tồn tại một tình trạng thực tế là Chiếm hữu. Điều 179 quy định, “Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản”. Như vậy ngay trong điều 179, ta đã thấy sự xuất hiện (tuy chưa rõ ràng nhưng rất đáng mừng) của 2 yếu tố corpus (nắm giữ, chi phối thực tế) và animus (như chủ thể có quyền đối với tài sản) trong cấu thành chiếm hữu của BLDS 2015, cho thấy rằng luật Dân sự Việt Nam đang dần tiệm cận với các quan niệm mang tính học thuyết của luật Dân sự trên thế giới.
2. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật và không có căn cứ pháp luật
Vì cách tiếp cận chiếm hữu như một vật quyền, cho nên các nhà làm luật Việt Nam luôn muốn thẩm đỉnh xem bản chất của mối quan hệ chiếm hữu là “có quyền” hay “không có quyền”, theo đó chỉ người có quyền mới được bảo vệ. Cụ thể, điều 165 quy định 5 trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật. Trong 5 trường hợp này, không có chiếm hữu ngay tình.
Thực ra cách phân loại chiếm hữu có hay không có căn cứ pháp luật là cách phân loại rất riêng của Việt Nam, còn luật dân sự của các nước không có sự phân biệt như vậy. Pháp luật các nước trên thế giới từ lâu đã thừa nhận nguyên tắc: sự ngay tình bao giờ cũng được suy đoán; người nào viện dẫn sự không ngay tình thì phải có nghĩa vụ chứng minh.[10] Chính vì cách tiếp cận quá khắt khe và không thực tế của các nhà làm luật Việt Nam mà quyền lợi của người chiếm hữu ngay tình không được bảo vệ một cách thích đáng.
3. Bảo vệ chiếm hữu trong BLDS 2015
BLDS 2015 cùng với việc quy định chiếm hữu trong một chương riêng, đã đưa ra một giải pháp giúp bảo về chiếm hữu theo một phương thức độc lập với chế định sở hữu. Điều 184 đã trao cho người chiếm hữu 2 suy đoán: (1) Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình, người nào phản đối phải chứng mình; và (2) Trong trường hợp có tranh chấp, người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền, người nào phản đối phải chứng minh.
Như vậy, trong BLDS 2015, người chiếm hữu đã không còn phải chứng minh quyền của mình để được bảo vệ như ở BLDS 2005 nữa. Đây là một điểm tiến bộ rất lớn trong quy định về chiếm hữu của BLDS 2015. Ta sẽ cùng phân tích hiệu quả của sự bảo vệ này dưới góc độ người chiếm hữu và người kiện đòi khôi phục chiếm hữu.
Đối với người chiếm hữu, nhờ suy đoán ngay tình mà người chiếm hữu được nhận hoa lợi, lợi tức mà không cần chứng minh sự ngay tình của mình; được hưởng thời hiệu xác lập sở hữu mà không cần chứng minh. Đứng trước một sự xâm phạm trực tiếp vào tình trạng chiếm hữu (mà tranh chấp về cành cây vươn lấn sang không gian là một ví dụ), người chiếm hữu có thể kiện yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền buộc người xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại. Đứng trước một tranh chấp về chiếm hữu, người chiếm hữu cũng được bảo vệ mà không cần chứng minh mình có quyền. Như vậy, BLDS 2015 đã bảo vệ tốt đối với người chiếm hữu.
Tuy nhiên, đối với người đi kiện đòi khôi phục chiếm hữu thì BLDS 2015 lại bày tỏ những bất cập. Như phân tích ở phần trước, người đi kiện đòi tài sản có thể tranh chấp về tình trạng, cũng có thể tranh chấp về quyền với người chiếm hữu. Tuy nhiên, dường như BLDS 2015 không cho phép người đi kiện được phát một đơn kiện để đòi khôi phục tình trạng chiếm hữu. Khoản 1 điều 166 về quyền đòi lại tài sản quy định “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”. Như vậy, luật chỉ cho phép người có quyền được đòi lại tài sản của mình. Xét ví dụ: B ăn cắp xe máy từ A bán cho C, C ngay tình và lại bị ăn cắp chiếc xe máy đó bởi D. Như vậy, trong khi luật pháp các nước trên thế giới cho phép C kiện D để đòi khôi phục tình trạng chiếm hữu (không quan tâm đến việc C có phải là chủ sở hữu không) thì luật Việt Nam chỉ cho phép người có quyền, tức là A được phép kiện C thông qua hình thực kiện bảo vệ quyền sở hữu (vốn có nghĩa vụ chứng minh rất khó khăn).
Như vậy, chủ sở hữu nếu mất tài sản, khi đi kiện phải chứng minh mình là chủ sở hữu đích thực. Điều này là hoàn toàn không khả thi đối với thực tế hiện nay của Việt Nam, vì 2 lý do như sau:
Thứ nhất, hệ thống đăng ký quyền sở hữu của Việt Nam mới được xây dựng nên còn rất thiếu sót. Đơn cử như đối với tài sản là bất động sản, hiện nay có 2 hình thức đăng ký là đăng ký quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và đăng ký quyền sở hữu nhà và các tài sản khác trên đất (sổ hồng), do (1) những yêu cầu ngặt nghèo về chứng minh quyền sở hữu; (2) thủ tục hành chính phức tạp; và (3) lệ phí đăng kí và tiền thuế phải đóng khi đăng ký là lớn, cho nên phần lớn các chủ sở hữu đất ở Việt Nam vẫn không đăng ký các vật quyền này.[11] Mặt khác, trong thực tế động sản phải đăng ký nhiêu lúc được chuyển giao qua rất nhiều mà không có bất kỳ sự đăng ký nào.[12]
Như vậy, các chủ sở hữu ở Việt Nam muốn chứng minh quyền của mình, không thể dễ dàng dẫn chứng bằng chứng thư đăng ký vật quyền như ở các nước tiên tiến.
Thứ hai, nếu chủ sở hữu chứng minh tư cách sở hữu của mình bằng cách lần ngược về quá khứ, thì điều này là không khả thi. Điều này lại càng đặc biệt đúng khi xét đến điều kiện kinh tế (do thương mại không có lịch sử lâu đời, cho nên việc buôn bán ở nước ta cũng rất đơn giản, việc buôn bán dựa trên niềm tin là chủ yếu cho nên không để lại nhiều giấy tờ ghi chép lại các giao dịch dân sự)[13]và điều kiện lịch sử (do trải qua chiến tranh và chia cắt cho nên các quan hệ tài sản trong xã hội bị xáo trộn rất nhiều). Cho nên, thật khó mà tin được rằng, chủ sở hữu có thể chứng minh được tư cách sở hữu của mình bằng cách lần ngược về quá khứ.
Như vậy, rõ ràng rằng BLDS 2015 đã không thể tạo điều kiện cho người đi kiện bảo vệ lợi ích của mình.
Đứng trước một tranh chấp mà ta thấy rõ ràng rằng có một người bị thiệt hại, thì dù BLDS thất bại trong việc bảo vệ người bị thiệt hại ấy, thì ta vẫn có thể đặt ra câu hỏi rằng, thực tế diễn ra như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện cho rằng, nghĩa vụ chứng minh quyền sở hữu của người đi kiện phần chỉ là thủ tục: nhà chức tranh có thể yêu cầu người đi kiện chứng minh nguồn gốc của tài sản, nhưng người đó vẫn có thể trả lời vu vơ rằng mình không còn giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc của tài sản tranh chấp, thì nhà chức trách vẫn trả lại tài sản cho người đi kiện chứ không tịch thu vào công quỹ.[14]
Có rất nhiều ví dụ cho thấy rằng trong thực tế, tòa án luôn tìm cách giải quyết các vấn đề mà luật dân sự chưa giải quyết được.[15]
Tóm lại, mặc dù trong thực tế đã có những giải pháp nhất định, nhưng BLDS 2015 đã thất bại trong việc cung cấp cho người chiếm hữu một khả năng khả thi để bảo vệ tình trạng chiếm hữu của mình.
Đối với người thứ ba ngay tình, BLDS 2015 dành một sự bảo vệ rất yếu cho người thứ 3 ngay tình. Cũng theo điều 166 về quyền đòi vật, ta thấy rằng dù người chiếm hữu là ngay tình, chừng nào quyền sở hữu do thời hiệu chưa được xác lập thì kể cả khi thời dài chiếm hữu đã tương đối dài và tình trạng chiếm hữu của anh ta là ổn định, anh ta luôn có thể bị chủ sở hữu đòi lại tài sản. Về lý thuyết, một người mua một mảnh đất về xây nhà, kinh doanh buôn bán ổn định trong 29 năm, vẫn có thể bị đòi lại tài sản; một người chiếm hữu một động sản, thì sau 9 năm tình trạng chiếm hữu của anh ta vẫn bấp bênh. Đáng nói là khi anh ta bị đòi lại tài sản, anh là có một quyền lợi bị thiệt hại, thì chính anh ta lại phải tự mình tìm để kiện đòi bồi thường người đã chuyển giao tài sản cho mình bằng cách chứng minh thiệt hại và lỗi của người đó. Điều này thật là bất công đối với người thứ 3 ngay tình. Trong khi luật pháp các quốc gia khác trên thế giới quy định một thời hạn để kiện đòi tài sản, thì luật Việt Nam lại bảo vệ quyền sở hữu một cách tuyệt đối như thế. Sự bảo vệ tuyệt đối này không chỉ đem lại bất công, mà còn làm cho chủ sở hữu không có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình.
Như vậy, chế định bảo vệ chiếm hữu trong BLDS Việt Nam vừa khó thực thi, lại vừa bất công. Sự bảo vệ như vậy không thể nào giúp cho các mối quan hệ dân sự được vận hành một cách ổn định, gây nguy hại đến niềm tin của các chủ thể đối đối với sự bảo vệ của luật pháp, khiến cho nền kinh tế cứ vướng mắc vào tranh chấp quyền lợi mà không thể phát triển nhanh.
III. Đề xuất
1. Quy định chiếm hữu như một tình trạng
Nếu đem so sánh chế định chiếm hữu trong BLDS Việt Nam và luật Dân sự các nước trên thế giới trên 2 tiêu chí: tính chặt chẽ về mặt lý thuyết; và tính hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích của các chủ thể có liên quan, thì ta thấy rõ ràng rằng, Luật Dân sự Việt Nam đang thua kém rất nhiều. Nguyên do chính ở quan niệm kì lạ về chiếm hữu của các nhà lập pháp, họ không phân biệt được sự khác biệt giữa cái vỏ của mối quan hệ chiếm hữu (tình trạng) và các nội dung pháp lý của mối quan hệ đó (sở hữu).
Một biện minh được đưa ra để bảo vệ cho quan điểm xem chiếm hữu như quyền, là “bởi xưa nay đã thế rồi”. Tuy nhiên, dễ dàng phản bác biện minh trên bằng 2 lý lẽ: Một là, chế định chiếm hữu vốn không có lịch sử lâu đời trong xã hội và nền pháp lý của nước ta. Chính vì lý do đó, nhà lập pháp có một tự do tương đối rộng rãi trong việc lựa chọn lý thuyết nào về chiếm hữu là khoa học nhất để áp dụng, chứ không bị ràng buộc bởi tập quán xã hội (như luật hôn nhân gia đình là một ví dụ). Thứ hai, quan niệm về chiếm hữu như hiện nay vốn xuất phát từ trường phái Pháp luật Sô viết, vốn chịu nhiều yếu tố chính trị và triết học, mà không xuất phát từ thực tế các mối quan hệ dân sự trong xã hội như quan niệm chiếm hữu như là tình trạng (có nguồn gốc trong Luật La Mã). Vì vậy, không có lý do gì duy trì một quan niệm làm rối rắm các chế định Tài sản và không giúp bảo vệ lợi ích của các chủ thể một cách tốt đẹp hơn như trên.
2. Bảo vệ người thứ ba ngay tình một cách xứng đáng hơn
Quan niệm chiếm hữu như một tình trạng có thể dẫn tới việc, người đi kiện đòi tài sản có thể được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thời hiệu khởi kiện đòi tài sản, quy định kĩ hơn về các hình thức suy đoán để quyền lợi của người thứ 3 ngay tình được bảo vệ tốt hơn. Việc này giúp cho người mua có một thái độ yên tâm trong việc hành xử tài sản để khai thác tối đa các lợi ích kinh tế đến từ tài sản ấy, do vậy mà tạo tiền đề cho nền kinh tế được phát triển.[16]
3. Xây dựng hệ thống đăng ký biến động vật quyền hoàn thiện
Điều kiện cần để một quyền chủ thể được tôn trọng và được bảo đảm thực thi bằng sức mạnh của công lực là nó phải được xã hội biết đến.[17] Việc đăng ký tài sản rất quan trọng, một mặt là cơ sở để chủ sở hữu bảo vệ quyền lợi của mình và đối kháng với người thứ ba khi có tranh chấp phát sinh; mặt khác tạo điều kiện rất thuận lợi cho Toà án trong việc xác định chứng cứ để xét xử các tranh chấp.
Bộ luật dân sự cần đưa ra những nguyên tắc chung về đăng kỳ tài sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký… Sau đó, cần ban hành Luật về đăng ký tài sản (hoặc nếu chưa có điều kiện thì trước mắt cần ban hành Luật về đăng ký bất động sản) như kinh nghiệm của Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.
Do đó, xây dựng một hệ thống đăng ký vật quyền và thông tin vật quyền đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ tốt hơn quyền tài sản của các chủ thể, giải quyết tranh chấp dễ dàng và đảm bảo sự án toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự.
Tiểu kết
Xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, cùng với đó là biết bao nhiêu nhu cầu chính đáng được đặt ra. Thiết nghĩ rằng nhà làm luật cần phải dẹp bỏ các định kiến ý thức hệ viển vông, lắng nghe chân thành tiếng nói của xã hội, và đầu tư nhiều tâm huyết để xây dựng một bộ luật dân sự khoa học và chất lượng. Chiếm hữu và sở hữu là hai chế định vô cùng quan trọng trong luật tài sản của các quốc gia. Sự vận hành tốt đẹp của một xã hội phụ thuộc nhiều vào chất lượng của các chế định ấy.
Tài liệu tham khảo
1. Khái luận về quyền chiếm hữu (2013). Nguyễn Thị Quế Anh. Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Tập 29.
2. Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp (2010). Nguyễn Ngọc Điện. Nghiên cứu Lập pháp, Tập 14.
3. Nguyễn Hữu Huyên, Song Huy. Bảo vệ quyền sở hữu nhìn từ góc độ luật so sánh. Bộ Tư Pháp. [Trực tuyến] 2009. http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1239.
4. Nguyễn Ngọc Điện. Bình luận về chế định Tài sản trong BLDS 1995. 2001.
5. Đề xuất mô hình chế định tài sản cho Bộ luật Dân sự Việt Nam tương lai. Bùi Thị Thanh Hằng. 2014, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Tập 30.
6. Quyền sở hữu và quyền chiếm hữu – Bài học về tình huống luật xa rời thực tế. Nguyễn Ngọc Điện. Nghiên cứu lập pháp.
7. Nguyễn Ngọc Điện. Giáo trình Luật La Mã. Cần Thơ : NXB Chính trị Quốc gia, 2009.
8. —. Giáo trình Luật Dân sự – Quyển 1 – ĐH Kinh Tế Luật, ĐHQG TP.HCM. TP. HCM : NXB ĐHQG TP.HCM, 2013.
Chú thích
[1] “Ông Kawanishi, Cố vấn trưởng Dự án JICA, Công tố viên – Luật sư công Bộ Tư pháp Nhật Bản bày tỏ sự vui mừng được đóng góp vào quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam”, Xem thêm: http://www.moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/ctv/news/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=147
[2] Nguyễn Thị Quế Anh, “Khái luận về quyền chiếm hữu”, Tạp chí Khoa học ĐHQG, Luật Học, Tập 29, Số 2 (2013)
[3] Ví dụ: Điều 113 BLDS Hà Lan quy định: “A person takes possession of an asset (occupation) by gaining the actual control of the underlying thing with the intention to hold it for himself as if it belongs to his property”
[4] Nguyễn Ngọc Điện, “Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 14 (2010)
[5] Nguyễn Ngọc Điện, “Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 14 (2010)
[6] BLDS Pháp phân biệt giữa người chiếm hữu cho người khác và người chiếm hữu cho chính mình (chiếm hữu với danh nghĩa chủ sở hữu), theo đó thì người chiếm hữu cho người khác ngay từ đầu thì luôn được suy đoán là chiếm hữu cho người khác, trừ khi có phản chứng (Điều 2231); và người chiếm hữu cho người khác sẽ không được hưởng thời hiệu để xác lập quyền sở hữu (Điều 2236).
[7] Nguyễn Ngọc Điện, “Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 14 (2010)
[8] Nguyên văn: “Good faith is presumed to be present; the absence of good faith has to be proven.”
[9] 2 loại chủ thể sau không được hưởng thời hiệu. Như vậy, quy định này có phần giống với quy định của BLDS Pháp khi phân biệt chiếm hữu cho mình (được hưởng thời hiệu) và chiếm hữu cho người khác (không được hưởng thời hiệu).
[10] “Bảo vệ quyền sở hữu dưới góc độ luật so sánh”, Nguyễn Văn Huyên
[11] Rất nhiều người dân Việt Nam sinh sống ở nông thôn không chịu kê khai đất mình đang ở để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (cấp bìa đỏ), vì họ suy nghĩ rất đơn giản rằng: “đất này là đất thổ cư do cha ông để lại, cần gì phải đăng ký cho phiền phức và tốn kém!”
[12] Có một tình trạng thực tế ở Việt Nam hiện nay là có những tài sản đã bị chuyển dịch một cách bất hợp pháp qua tay nhiều người, rất khó xác định được cụ thể đã qua tay những ai. Điển hình là xe máy: tìnhtrạng mua bán trao tay không qua thủ tục sang tên trước bạ diễn ra khá phổ biến.
[13] Xem: Chương I, Phần 2 “Kinh tế sinh hoạt”, “Xã Hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại” – Lương Đức Thiệp, NXB Tri Thức, 2016, Hà Nội
[14] “Giáo trình Luật Dân sự – Quyển 1 – Khoa Luật, ĐH Kinh Tế – Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh”, Nguyễn Ngọc Điện chủ biên
[15] Vụ kiện đòi nhà giữa ông T và ông B tại tỉnh Tiền Giang. Vụ án có nội dung cụ thể như sau:
Ngôi nhà tại ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được toạ lạc trên tổng diện tích 86,12 m2 nguyên thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn B (diện tích này ông B chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Vào năm 1978, ông B cho ông Huỳnh Văn T mượn nền nhà và đất trên để ở tạm. Nay có nhu cầu sử dụng, ông B yêu cầu ông T phải trả nền nhà và đất mà ông đã cho mượn năm 1978, nhưng ông T không thực hiện.
Sau khi thụ lý và điều tra vụ việc, Toà án nhân dân huyện Cái Bè đã đưa vụ án ra xét xử và đã ra phán quyết (bản án số 129/STDS ngày 22/8/1996) với nội dung: buộc ông T phải trả cho ông B toàn bộ nền nhà trên diện tích đất 86,12m2. Ông B có trách nhiệm thanh toán lại cho ông T tiền chi phí nâng cấp nền nhà, lấp ao, xây dựng… với tổng số tiền là 3.152.920 đồng.
[16] Ví dụ: Điều 2268 BLDS Pháp quy định “Việc mua bất động sản luôn được suy đoán là ngay tình, người nào viện dẫn sự không ngay tình thì có trách nhiệm chứng mình”
[17] “Đăng ký bất động sản tại Việt Nam, các vấn đề lý luận và thực tiễn”, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện, Thông tin pháp luật Dân sự, website:thongtinphapluatdansu.com.