Một câu “chúc Tết” quen thuộc xuất hiện từ ngày trạm thu phí BOT Cầu Hồ mọc lên của khách thập phương dành cho cư dân làng tôi mỗi sáng mồng một Tết.
Làng tôi nằm “bên này” sông Đuống theo cách gọi mà thi sỹ Hoàng Cầm coi quê mình là “bên kia” trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Là giao điểm của 3 huyện Tiên Du, Thuận Thành (nay là thị xã Thuận Thành) và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh. Giao thông nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm do cánh tài xế xe tải, xe container đi tắt qua con đê làng để tránh vé cái Trạm thu phí BOT Cầu Hồ mọc lên trong sự tranh cãi bấy lâu nay của báo chí và người dân.
Huyết mạch làng tôi không giống như nhiều làng quê Bắc Bộ khác bởi do Quốc lộ 38 cắt ngang làng. Chính vì thế mà các nhánh đường làng đều bắt nguồn từ QL 38 kéo sang hai bên. Làng được phân bổ giống như bàn cờ tướng, một bên là xóm Đông, bên còn lại là xóm Bàng và xóm Sau. Xóm Đông giáp với con đê sông Đuống mà theo ông nội tôi kể lại trước thuộc Tổng Chi Nê có cái đình Đông bề thế được dựng từ thời nhà Lý.
Theo dân gian kể lại thì vào một đêm nhà vua đi vi hành qua làng tôi, khi quân lính chở nhà vua qua sông thì bất ngờ sấm chớp giật đùng đùng, nước sông cuồn cuộn dâng cao từng nhịp như hình đầu rồng ngoi lên khỏi mặt nước nên nhà Vua đã ban chỉ cho quần thần xây đình.
Ông tôi còn kể lại rằng, vào những năm kháng chiến chống Pháp, để không cho người Pháp dùng đình lập căn cứ nên cách mạng đã chỉ thị du kích quấn rơm vào các cột đình để tiêu hủy. Do các cột đình to đến mấy người ôm mới hết nên việc tiêu hủy phải mất đến hàng tuần mới xong.
Xóm Đông sau này không hiểu sao mà con cháu cư dân thường thành danh về đường học hành và quan lộ, mà có người làm đến chức Bí thư tỉnh ủy.
Ngược lại với xóm Đông, xóm Bàng và xóm Sau bên này QL38 chỉ chủ yếu phát về con đường kinh doanh, có một vài ông chủ doanh nghiệp nghe nói chuyên về sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và có nhà máy tại nhiều tỉnh thành nay đã phát triển thành một hệ sinh thái khép kín.
Do QL38 cắt qua nên làng tôi có nhiều cổng làng, tôi thi thoảng về quê nghe dân nói Cổng làng xóm Đông do ông quan chức hàng tỉnh nào nào đó kêu gọi các doanh nghiệp hảo tâm công đức, còn Cổng làng xóm Bàng và xóm Sau do ông chủ hệ sinh thái vật liệu xây dựng tài trợ.
Theo hiểu biết của tôi thì Cổng làng là sản phẩm kiến trúc cổ của người Việt. Cổng làng phân chia phần đất thổ cư (đất làm nhà ở, vườn) và phần đất canh tác (đất trồng lúa, trồng khoai, hoa màu). Người sống thì sống sau cái cổng làng (Cổng tiền), người chết thì chôn bên ngoài cổng làng (Cổng hậu). Cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của người dân trong làng. Còn người trước và sau Cổng làng tôi đều vẫn sống cả nên tôi không thể hình dung được đâu là Cổng tiền, đâu là Cổng hậu. Còn cái Nghĩa địa của làng tôi nằm mãi ngoài cánh đồng bám với QL38 mà phía trên là nhà máy sản xuất băng vệ sinh và bỉm mang thương hiệu Diana của hãng Unicharm ngoại quốc kia.
Giống như bao làng quê khác, làng tôi cũng được bê tông hóa tối đa cho các khối nhà hình ống, nhà hình chữ L bám sát các nhánh đường làng và cùng có hai thứ đặc trưng không thể thiếu là mái nhà màu đỏ và đèn trang trí nhấy nháy lòe loẹt trông như phố huyện.
Ngoài Cổng làng chính của các xóm ra, các ngõ nhỏ cũng thấy có Cổng ngõ. Tôi thấy có sự định danh vai thứ giữa các ngõ bởi vào những ngày giáp tết nguyên đán, cư dân các ngõ tổ chức tất niên có treo cả Pano ghi rõ xóm nào không khác gì tiệc Year End Party của các doanh nghiệp. Vào đêm giao thừa, pháo hoa bay vun vút qua các ngọn cây nhìn không khác gì Giàn Pháo phản lực Katyusha do Liên Xô chế tạo từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tết năm nay, ngoài đèn nhấp nháy phát ra từ các hộ dân, cung đường làng tôi còn có cả các giàn ánh sáng được trang hoàng rất hiện đại được tài trợ bởi doanh nhân có hệ sinh thái vật liệu xây dựng. Chỉ khác là sau mỗi nhịp nháy, lại hiện lên dòng chữ “tập đoàn” của doanh nhân chuyên về vật liệu xây dựng nhưng lại đặt tên giống với một cơ sở sản xuất bánh đậu xanh nổi tiếng ở Hải Dương. Phải chăng sản phẩm bánh đậu xanh và vật liệu xây dựng cũng được nghiền từ bột mà ra.
Dù tôi xa quê đã lâu, nhưng cách sống vẫn như thủa nào, tức chỉ thích những cái gì thuộc về hoài niệm nên khi thấy những cái biển quảng cáo trong làng mà thấy lòng không vương khỏi chút buồn.
Vì với tôi, làng luôn là một điều gì rất gần gũi những cũng quá đỗi là thiêng liêng giống như bất kỳ ai sinh ra từ làng. Cộng đồng dân cư mỗi làng được kết nối từ các dòng họ nên người này không có mối quna hệ họ hàng bên nội thì cũng có thể có họ bên ngoại. Vì lẽ đó mà bất kỳ người con nào của làng lập nghiệp xa quê và thành danh muốn cung đức hay tài trợ gì cho làng thì trưởng thôn chắc cũng phải tham vấn cụ thượng làng và những người cao tuổi có uy tín trong làng xem có nên nhận hay không chứ đừng nói đến chuyện tự ban phát mấy thứ đã lỗi thời dở hơi nửa phố, nửa quê để áp đặt lên làng kèm theo tính cơ hội để quảng bá sản phẩm như chốn ngã ba đường lộn xộn đông người qua.
Theo tập quán, sáng mồng một Tết, tôi cũng ăn mặc chỉnh tề đi chúc Tết họ hàng như ai. Khổ nỗi thi thoảng lại có xe ô tô biển số ngoại tỉnh mở cửa kính hỏi thăm.
Lúc đầu tôi cứ ngỡ họ hỏi đường vào chúc Tết nhà ông quan nào trong làng, ai ngờ tất cả các xe đều hỏi chung một câu: “Anh ơi cho em hỏi đường lên cầu Hồ đi lối nào?”. Có lẽ đây là câu “chúc Tết” quen thuộc có từ ngày trạm thu phí BOT cầu Hồ mọc lên của khách thập phương dành cho cư dân làng tôi mỗi sáng mồng một Tết.
Là người con sinh ra từ làng, sau đó thoát ly kiểu “nửa vời” và nay tuổi cũng thuộc U mà cặp số gắn sau là thập niên đầu của nửa sau mỗi thế kỷ mà tôi không thể mường tượng ra làng tôi đang ở đâu trong cộng đồng làng xã của người Việt? Bảo nó là làng trong phố hay phố trong làng thì cũng không rõ nghĩa, còn bảo làng tôi giờ trông như phố huyện cũng không hẳn, bởi phố huyện thì phải kết hợp hài hòa cả giá trị tinh thần và giá trị vật chất, còn làng tôi nó cứ nửa nạc nửa mỡ thế nào ý.
Đi bộ trên con đường tránh dưới chân đê ngày mồng 2 tết, quăng ánh mắt ngắm nhìn những cây đào còn lại trong vườn đào của chú tôi bị bụi của xe tải, xe container trốn vé Trạm thu phí BOT Cầu Hồ bủa vây mà thị giác tôi không còn nhận ra đâu là đào bích, đâu là đào phai nữa.
Tôi cảm nhận trong màu đào được pha trộn bởi màu máu, nước mắt cộng với màu biến đổi của thời thế đã lan tỏa đến làng tôi.
Ghi chép của Luật sư Phan Khắc Nghiêm
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tet-lang-tren-quoc-lo-co-tram-bot-85290.html