Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Cạnh tranh 2004 đã cho thấy nhiều bất cập cần phải chỉnh sửa cho phù hợp thực tiễn. Ngày 12/6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi (Luật Cạnh tranh 2018), có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2019. Việc thông qua Luật Cạnh tranh 2018 góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về chương trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến năm 2020.
Quy định của pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Nhà nghiên cứu người Pháp Dominique Brault đã trích dẫn một so sánh mang tính hình tượng: “Cạnh tranh là một thứ rượu, dùng đúng liều nó là chất kích thích, dùng quá liều nó trở thành thuốc độc”[1]. Nhà nước không chỉ có trách nhiệm không tạo ra lợi thế hay bất lợi cho một đối thủ cạnh tranh, mà còn cần ngăn chặn việc các đối thủ cạnh tranh tạo ra lợi thế cho mình bằng bất kỳ thủ đoạn nào họ muốn. Xét một cách khái quát, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ngăn chặn các hành vi của doanh nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh một cách không chính đáng trước các đối thủ cạnh tranh khác. Những vụ việc thực tế về cạnh tranh không lành mạnh đều thể hiện một bản chất chung, theo đó doanh nghiệp toan tính đạt được thành công trên thị trường không dựa trên nỗ lực của bản thân cải thiện chất lượng, giá cả của sản phẩm, mà bằng cách chiếm đoạt những ưu thế của sản phẩm người khác hoặc tác động sai trái lên khách hàng.
Khái niệm về cạnh tranh không lành mạnh được thể hiện không rõ ràng ngay tại một trong những định nghĩa pháp lý phổ biến nhất và lâu đời nhất của nó, nằm tại Điều 10 bis Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Điều khoản này được bổ sung vào Công ước năm 1900 và được sửa đổi lần cuối theo Văn bản Stockholm năm 1967, theo đó, bất kỳ hành vi cạnh tranh nào đi ngược lại các thông lệ trung thực, thiện chí trong công nghiệp hoặc trong thương mại đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tại định nghĩa này, tiêu chí đánh giá quan trọng nhất về tính lành mạnh hoặc không lành mạnh của một hành vi cạnh tranh là “các thông lệ trung thực và thiện chí” không rõ ràng và không ổn định, ở mỗi quốc gia có thể có những khác biệt phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và lịch sử của quốc gia đó. Trên thực tế, Điều 10 bis đã có ý bỏ ngỏ khái niệm này cho pháp luật quốc gia của các nước thành viên Công ước tự định đoạt. Sự không rõ ràng trong việc xác định phạm vi cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục được thể hiện trong pháp luật nhiều nước: Bỉ và Luxembourg các tiêu chí này được gọi là “thông lệ thương mại trung thực”; Tây Ban Nha và Thụy Sỹ là “nguyên tắc ngay tình”; Italia là “tính chuyên nghiệp đúng đắn”; Đức, Hy Lạp và Ba Lan là “đạo đức kinh doanh”. Với Hoa Kỳ, do thiếu định nghĩa trong các văn bản pháp luật, các tòa án đã xác định từ nguồn án lệ định nghĩa cạnh tranh lành mạnh là “các nguyên tắc giải quyết trung thực và công bằng” hoặc “đạo đức thị trường”[2].
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng (khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004).
Chúng tôi tán đồng việc quy định về đạo đức kinh doanh nếu đưa vào luật quy định: “Mỗi hiệp hội ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong phạm vi chức năng của mình theo quy định của pháp luật phải đặt ra các quy tắc đạo đức để điều chỉnh các quan hệ kinh doanh không trái luật” là một quy định bắt buộc trong luật. “Đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực của một tổ chức trong những trường hợp nhất định”[3].
Luật Cạnh tranh 2018 đã cụ thể hóa khái niệm đạo đức kinh doanh của Luật Cạnh tranh 2004 trên nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và những hành vi ứng xử chuẩn mực của một tổ chức kinh tế là doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh. “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác” (khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018).
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh
Luật Cạnh tranh 2004 quy định 9 nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có những nhóm hành vi cạnh tranh được quy định tại các luật chuyên ngành.
Quan điểm sửa đổi Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, về cơ bản nhìn nhận những bất cập trong quá trình áp dụng, đề ra phương hướng sửa đổi tránh sự trùng lặp giữa Luật Cạnh tranh và các luật chuyên ngành. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội đã nói: “Mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và các bộ luật khác trong chuyên ngành liên quan đến vấn đề cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các luật về cạnh tranh mà các quốc gia ban hành là những luật chung nhất mang tính khái quát; có thể đưa ra những nền tảng dựa trên cơ sở của tư duy về pháp lý và tư duy về kinh tế để phục vụ cho việc xây dựng hoàn thiện và thực hiện môi trường cạnh tranh ở bất kỳ một quốc gia hay một nền kinh tế nào. Trong các lĩnh vực chuyên ngành có thể có bộ luật có điều khoản liên quan đến các nội dung quản lý nhà nước chuyên ngành”[4].
Luật Cạnh tranh 2018 điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại luật khác, Luật quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác, đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi; bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh; bổ sung thêm hai hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính”, “bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác kinh doanh cùng loại hàng hóa, dịch vụ đó”. Những hành vi này có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định trong Luật; lược giản hóa trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra.
Luật Cạnh tranh 2018 quy định 6 nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Điều 45 và “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác”. Quy định này nhằm cụ thể hóa quy định “áp dụng pháp luật về cạnh tranh” tại khoản 2 Điều 4 Luật Cạnh tranh 2018 “ trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của luật đó”.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động hành nghề luật sư tại Việt Nam
Nghề luật sư trong chính thể Việt Nam Cộng hòa được nhìn nhận là một nghề nghiệp tự do, cạnh tranh trong hành nghề trước năm 1975 của các luật sư Việt Nam thường dựa trên uy tín của từng cá nhân luật sư. Ở miền Bắc, nghề luật sư có rất nhiều hạn chế, việc hành nghề luật sư trong thời kỳ đất nước chiến tranh gặp nhiều khó khăn, sự cạnh tranh không tồn tại trong cơ chế quản lý tập trung bao cấp.
Việc ban hành Pháp lệnh Luật sư 2001, Luật Luật sư 2006, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư 2012 là bước tiến trong chiến lược cải cách tư pháp của Nhà nước Việt Nam. Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư có địa vị pháp lý như một doanh nghiệp. Hoạt động hành nghề luật sư là một trong những loại hình kinh doanh có điều kiện. Cạnh tranh trong hoạt động hành nghề luật sư là một tất yếu luôn tồn tại trong môi trường hội nhập luật pháp quốc tế. Cạnh tranh không lành mạnh là một thủ đoạn mà các đối thủ cạnh tranh thường sử dụng để loại trừ lẫn nhau, hành nghề luật sư cũng không ngoài phạm vi đó. Cạnh tranh trong hành nghề luật sư đã bắt đầu từ rất sớm, cạnh tranh không lành mạnh trong hành nghề luật sư trên thế giới cũng gia tăng.
Kể từ khi luật sư được công nhận là một nghề kinh doanh có điều kiện như các lĩnh vực kinh doanh khác ở Việt Nam thì sự cạnh tranh nghề nghiệp bắt đầu manh nha. Đa số luật sư hiểu và tuân thủ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư. Quy tắc 18. Cạnh tranh nghề nghiệp nêu rõ: “Luật sư thực hiện các biện pháp cạnh tranh nghề nghiệp lành mạnh theo quy định của Luật Luật sư và pháp luật liên quan, theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, tăng cường niềm tin của khách hàng và công chúng đối với giới luật sư, cùng nhau góp phần thúc đẩy nghề luật sư Việt Nam phát triển”.
Bên cạnh đó cũng có nhiều luật sư sử dụng những phương thức cạnh tranh không lành mạnh để loại trừ đối thủ cạnh tranh. Quy tắc 20. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp. Quy tắc 20.5 cấm luật sư “áp dụng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để nhằm mục đích giành giật khách hàng” nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất trong phạm trù đạo đức về “cạnh tranh không lành mạnh” trong hành nghề luật sư mà chỉ thống kê bốn trường hợp về cạnh tranh không lành mạnh, ngoài những quy định của Luật Cạnh tranh. Bốn trường hợp cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê trong Quy tắc 20.5 chưa bảo đảm chặt chẽ, dễ gây hiểu lầm như: thế nào là luật sư “chi phối quyền lựa chọn luật sư của khách hàng”, thế nào là “áp đặt hoặc cố tình chi phối” đối với đồng nghiệp có “quan hệ phụ thuộc với luật sư”[5]?
Luật sư nước ngoài hoạt động hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam “cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” (khoản 3 Điều 74 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư) trong thời gian qua ngày càng nhiều, thông qua họ đem đến cho luật sư Việt Nam những hiểu biết về thông lệ quốc tế, luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó họ cũng đem đến cho luật sư Việt Nam những trở ngại liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh.
Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 về việc ban hành Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Theo quyết định này, Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không phải là quy tắc bó buộc các luật sư nước ngoài hoạt động hành nghề tại Việt Nam, luật sư nước ngoài không phải là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chính vì vậy họ có thể dễ dàng vi phạm quy tắc này để có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với luật sư Việt Nam. Luật sư nước ngoài hoạt động hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, nhưng những quy định của pháp luật mâu thuẫn nhau dẫn đến việc xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của luật sư nước ngoài trong hoạt động hành nghề không được thực thi.
Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư quy định tại Điều 42: Thông báo về việc luật sư nước ngoài vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 12 tháng đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 6. Quy định này có 5 hành vi thuộc quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư Việt Nam, những hành vi này luật sư nước ngoài có thể vi phạm nhưng không thể sử dụng bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để xử lý.
Quyết định số 1319/QĐ-BTP ngày 08/6/2018 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ 01/7/2018. Theo đó, điều kiện hành nghề luật sư có 9 điều kiện được cắt giảm 7 điều kiện, trong đó có 4 điều kiện được cắt giảm đối với luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Điều kiện luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Điều kiện này được cắt giảm theo hướng tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Quy tắc đạo đức không còn là yêu cầu bắt buộc phải tuân theo của luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Cơ chế xử lý hành vi vi phạm Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam của luật sư nước ngoài tại Việt Nam quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 89 Luật Luật sư sửa đổi không khả thi, vì luật sư nước ngoài không phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ quy tắc này.
Thực tiễn xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở nước ta hiện nay
Áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày một gia tăng, nền kinh tế thị trường chứng kiến nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chúng ta có thể nhận biết những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó là: “gây nhầm lẫn cho khách hàng” bằng cách nhái các nhãn mác ăn theo các thương hiệu nỗi tiếng; “gây rối hoạt động kinh doanh đối thủ cạnh tranh”, tung tin đồn thất thiệt để loại trừ đối thủ. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn nhiều hạn chế, những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến luật pháp chưa hoàn thiện, thiếu kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo số liệu từ Cục Quản lý cạnh tranh, trong 12 năm thực thi các quy định về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đến năm 2015 cơ quan này tiếp nhận hơn 300 trường hợp khiếu nại, đã tiến hành điều tra và giải quyết 150/158 trường hợp. Các chuyên gia nhận định, sau 12 năm thực thi Luật, số lượng các trường hợp vi phạm cạnh tranh không lành mạnh được giải quyết còn khá ít. Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh lý do về thể chế, thủ tục, thì các trường hợp không đưa đơn khiếu nại tới cơ quan chịu trách nhiệm “cầm cân nảy mực” là do chưa tạo được niềm tin cho doanh nghiệp nên hầu hết người tiêu dùng và doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau, theo hình thức “đi đêm”[6].
Thực tiễn xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động hành nghề luật sư tại Việt Nam cũng có nhiều bất cập. Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp thường là tự ái cá nhân, trong giao tiếp thiếu sự tôn trọng và hợp tác, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động hành nghề để giành khách hàng. Những vi phạm đó đã bị khách hàng khiếu nại, tố cáo. “Theo thống kê, chỉ tính hơn hai năm vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được 398 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư, người tập sự hành nghề luật sư. Từ tháng 5/2015 đến nay, các đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 25 luật sư do vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư; xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác (tạm đình chỉ tư cách thành viên, cảnh cáo, khiển trách) là 27 luật sư”[7]. Tuy nhiên, luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam cho đến thời điểm này chưa có sự thống kê đầy đủ tình hình vi phạm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Kiến nghị phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hoàn thiện pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Phạm vi lãnh thổ đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia. Thông lệ tư pháp quốc tế nhìn nhận khi có xung đột pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng hệ thống luật của nước nơi mà thị trường bị tác động bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nguyên tắc điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay còn gọi là “phản cạnh tranh” hoặc “chống cạnh tranh không lành mạnh” ngoài lãnh thổ có lịch sử phát triển lâu dài của các quốc gia trong và ngoài CPTPP thừa nhận. Hoa Kỳ là nước đầu tiên thực hiện nguyên tắc điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh ngoài lãnh thổ quốc gia. Theo TS Nguyễn Tú trong một bài viết về Luật Cạnh tranh 2004, phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh chỉ áp dụng cho các đối tượng là doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, nếu có hành vi phản cạnh tranh ở nước ngoài mà gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng hoặc Nhà nước Việt Nam thì chúng ta không thể áp dụng Luật Cạnh tranh để giải quyết[8]. Vấn đề đặt ra là, cụm từ “hoạt động tại Việt Nam”[9] ở đây được hiểu là doanh nghiệp chỉ hoạt động tại Việt Nam hay có thể ở cả Việt Nam và nước ngoài? Hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cách hiểu thống nhất về cụm từ này, tuy nhiên, nó lại là mấu chốt của vấn đề nhằm xác định liệu pháp luật cạnh tranh Việt Nam, trong đó hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể được áp dụng ngoài lãnh thổ hay không?
Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung đối tượng áp dụng là “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Theo đó, gồm ba đối tượng áp dụng: các doanh nghiệp; hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh 2018, không phụ thuộc vào giới hạn vị trí hoạt động tại Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần phải được mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài lãnh thổ quốc gia trong trường hợp những hành vi này làm tổn hại đến doanh nghiệp, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cần sớm có văn bản hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018 về 6 nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm tại Điều 45.
Bổ sung Bộ luật Hình sự quy định hành vi “Bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ dưới giá thành để dẫn đến hoặc có thể dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác kinh doanh cùng loại hàng hóa dịch vụ đó gây rối loạn hoạt động kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường cạnh tranh” trong nhóm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”.
Kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động hành nghề luật sư
Để bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong hoạt động hành nghề, cần sửa đổi Luật Luật sư trên cơ sở sửa đổi Quy tắc 18 Cạnh tranh nghề nghiệp nâng thành luật.
Luật Luật sư nên quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở sửa đổi Quy tắc 20.5 nâng thành luật, cụ thể hóa những quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Sửa đổi Điều 42 Nghị định 123/2013/NĐ-CP theo hướng không quy định thông báo về việc luật sư nước ngoài vi phạm Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Chú thích
[1] Dominique Brault (2006), Chính sách và thực tiễn pháp luật cạnh tranh của Cộng hòa Pháp, NXB Chính trị quốc gia, tập 1.
[2] WIPO (2001), Cẩm nang sở hữu trí tuệ, tr.132-133
[3] Ths.LS Tôn Thất Nhân Tước. Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 (2016)
[4] http://quochoi.vn/vanphongquochoi/cocautochuc/Pages/trang-chu.aspx?ItemID=34213
[5] http://lsvn.vn/luat-su-va-cong-dong/kinh-nghiem-thuc-tien/luat-su-trong-quan-he-voi-dong-nghiep-28047.html
[6] http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=2868
[7] http://lsvn.vn/luat-su-va-cong-dong/kinh-nghiem-thuc-tien/luat-su-trong-quan-he-voi-dong-nghiep-28047.html
[8] TS Nguyễn Tú – Chính sách cạnh trong trong TPP – Tác động đến “nội luật hóa” pháp luật về cạnh tranh ở Việt Nam. Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 (2016)
[9] http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/nguyen-tac-ngoai-lanh-tho-trong-phap-luat-canh-tranh-hoa-ky-va-viec-xem-xet-lai-doi-tuong-dieu-chinh-cua-phap-luat-canh-tranh-viet-nam/#ref32.
Nguồn: TẠP CHÍ LUẬT SƯ ĐIỆN TỬ