(Luật Ngày 21/06/1985, Phiên bản với các sửa đổi, bổ sung được thông qua ngày 07/7/2006)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng[1]
1. Luật này quy định về trọng tài thương mại[2] quốc tế. Luật này không ảnh hưởng đến bất kỳ thoả thuận đa phương hoặc song phương nào đang có hiệu lực đối với quốc gia ban hành Luật này.
2. Trừ quy định tại các Điều 8, 9, 17 H, 17 I, 17 J, 35 và 36, Luật này chỉ áp dụng khi địa điểm trọng tài là trên lãnh thổ của quốc gia ban hành Luật này.
(Điều 1-2 đã được UNCITRAL sửa đổi tại kỳ họp thứ 39 năm 2006) 3. Trọng tài được gọi là trọng tài quốc tế nếu:
a) Vào thời điểm ký kết thoả thuận trọng tài, các bên có trụ sở tại các quốc gia khác nhau; hoặc
b) Một trong những địa điểm sau đây nằm ngoài quốc gia nơi các bên có trụ sở:
i) Địa điểm trọng tài, như đã được chỉ định trong thoả thuận trọng tài hoặc xác định được theo thoả thuận này;
ii)Nơi thực hiện một phần nghĩa vụ cơ bản trong quan hệ thương mại hoặc nơi có quan hệ mật thiết nhất với đối tượng tranh chấp.
c) Các bên đã thoả thuận rõ ràng rằng đối tượng của thoả thuận trọng tài có mối liên hệ với nhiều nước.
4. Theo quy định tại khoản 3 của Điều này:
a) Nếu một bên có nhiều trụ sở, trụ sở được tính đến là nơi có quan hệ mật thiết nhất với thoả thuận trọng tài;
b) Nếu một bên không có trụ sở, nơi thường trú của bên đó sẽ được coi là trụ sở.
5. Luật này không ảnh hưởng đến bất kỳ luật nào khác của quốc gia ban hành
Luật này, nếu luật đó quy định một số loại tranh chấp không được giải quyết bằng trọng tài hoặc chỉ được giải quyết bằng trọng tài theo thủ tục khác với thủ tục quy định tại Luật này.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ và quy định về giải thích luật
Theo quy định của Luật này:
a) “Trọng tài” là mọi hình thức trọng tài mà việc tổ chức được giao hoặc không được giao cho một thiết chế trọng tài thường trực;
b) “Hội đồng trọng tài” là trọng tài viên duy nhất hoặc một nhóm trọng tài viên;
c) “Toà án” là tổ chức hoặc cơ quan thuộc hệ thống tư pháp của một quốc gia;
d) Trừ quy định tại Điều 28, khi một quy định của Luật này cho các bên quyền tự quyết định một vấn đề nào đó, quyền tự quyết định này bao gồm cả việc các bên có thể uỷ quyền cho bên thứ ba quyết định về vấn đề đó, kể cả trường hợp bên thứ ba là một tổ chức;
e) Trong trường hợp một quy định của Luật này dẫn chiếu đến việc các bên đã thoả thuận hoặc có thể thoả thuận về một vấn đề nào đó, hoặc dẫn chiếu bằng bất kỳ phương thức nào khác đến một thoả thuận giữa các bên, thoả thuận đó bao gồm cả quy tắc tố tụng trọng tài được viện dẫn trong đó.
f) Trừ quy định tại đoạn a) Điều 25 và khoản 2 a) Điều 32, trong trường hợp một quy định của Luật này dẫn chiếu đến một yêu cầu thì quy định đó cũng được áp dụng đối với cả yêu cầu phản tố và khi quy định đó viện dẫn đến một luận cứ bảo vệ, thì nó cũng được áp dụng đối với luận cứ bảo vệ đối với yêu cầu phản tố.
TRA CỨU VĂN BẢN ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY
[1] Tên các điều chỉ có mục đích giúp người đọc dễ theo dõi, không được sử dụng vào mục đích giải thích luật.
[2] Thuật ngữ « thương mại » phải được giải thích theo nghĩa rộng, để chỉ những vấn đề liên quan đến các quan hệ có tính chất thương mại, dù quan hệ đó phát sinh từ hợp đồng hay không có hợp đồng. Ví dụ, quan hệ có tính chất thương mại gồm một số giao dịch như sau : giao dịch thương mại cung cấp hoặc trao đổi hàng hoá, dịch vụ ; thoả thuận phân phối ; đại diện thương mại ; uỷ nhiệm thu hồi nợ ; thuê mua ; xây dựng nhà xưởng ; dịch vụ tư vấn ; hợp đồng tổng thầu ; li-xăng ; đầu tư ; tài chính ; ngân hàng ; bảo hiểm ; thoả thuận khai thác hoặc giao thầu công chính ; liên doanh hoặc các hình thức hợp tác sản xuất, kinh doanh khác ; vận tải hàng hoá hoặc hành khách bằng đường không, đường biển, đường sắt hoặc đường bộ.
Nguồn: NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP