THỊ TRƯỞNG TIỀN TỆ, TÍN DỤNG – TRIỂN VỌNG VÀ THÁCH THỨC

Năm 2017 là năm thứ hai trong giai đoạn II (từ năm 2016 tới năm 2020), của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhằm hướng đến các mục tiêu bền vững trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng thông qua giảm tỷ lệ nợ xấu; giảm lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển (khoảng 5%); tăng cường quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế; đưa các NHTM theo hướng đảm bảo thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn Basel II (70% đáp ứng đủ điều kiện Basel II vào năm 2020). Thị trường tiền tệ, tín dụng ghi nhận những kết quả tích cực trong nỗ lực tái cơ cấu của toàn hệ thống như tăng trưởng tín dụng cao, nợ xấu và lãi suất có xu hướng giảm, tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất nông nghiệp và công nghệ cao,… Mặc dù vậy, thị trường tiền tệ – tín dụng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh động lực phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng, kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, rủi ro hoạt động ngân hàng tăng cao trong khi khả năng quản lý, giám sát chưa theo kịp sự phát triển và đa dạng hóa của thị trường.

THỊ TRƯỞNG TIỀN TỆ, TÍN DỤNG – TRIỂN VỌNG VÀ THÁCH THỨC

1. Những điểm sáng trên thị trường tiền tệ, tín dụng

Điểm sáng của thị trường tiền tệ tín dụng năm 2017 được thể hiện thông qua việc tăng trưởng tín dụng ở mức cao, lãi suất và nợ xấu có xu hướng giảm, phân bổ tín dụng ngày càng hợp lý hơn tập trung vào các ngành nghề ưu tiên phát triển, trong đó:

Tăng trưởng tín dụng cao và chất lượng được cải thiện: tăng trưởng tín dụng năm 2017 tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao, duy trì mức tăng trưởng ổn định trong ba năm liên tiếp, từ năm 2015. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đạt 18,17%, xấp xỉ mức tăng trưởng của năm 2016 (18,71%), mặc dù chưa đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra nhưng chất lượng tín dụng đã từng bước được nâng cao, cơ cấu tín dụng đã phân bổ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và công nghệ cao. Đối với 5 nhóm ngành và lĩnh vực ưu tiên, cho vay hỗ trợ DNNVV chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 98.442 tỷ đồng (chiếm 64,4% tổng dư nợ); tín dụng nông nghiệp – nông thôn tăng 22,1% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%…

Huy động vốn tiếp tục tăng cao: Tiền gửi từ các tổ chức kinh tế và dân cư tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao, với mức tăng ước khoảng 19% so với năm 2016. Huy động thông qua phát hành giấy tờ có giá cũng tăng mạnh, ước tính tăng 38%. Huy động bằng VND vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn huy động, với gần 90,5% tổng vốn huy động, một phần là nhờ sự hấp dẫn về lãi suất hơn so với mức lãi suất 0% nếu gửi bằng đồng USD.

Cơ cấu tín dụng ngày càng hợp lý hơn: tỷ trọng tín dụng ngắn hạn có xu hướng tăng, trong khi tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 53,7% tổng tín dụng, giảm 1,4 điểm phần trăm so với cuối năm 2016, phản ánh đúng thực trạng huy động vốn ở Việt Nam hiện nay (huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao hơn so với vốn trung và dài hạn). Cơ cấu tín dụng theo loại tiền được duy trì ổn định, trong đó tín dụng bằng VND chiếm 91,6%. Bên cạnh đó, trong năm 2017 cơ cấu thị trường đã có sự dịch chuyển theo hướng giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ TCTD, tăng vai trò của thị trường vốn thể hiện một sự chuyển dịch cơ cấu huy động vốn hợp lý, phù hợp với quy luật phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn đã đạt 35,4% vào cuối năm 2017, tăng gần 15 điểm phần trăm so với năm 2012, trong khi tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ hệ thống TCTD giảm còn 64,6% so với mức 78,4%.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào và ổn định nhờ điều hành chính sách tiền tệ hợp lý thông qua sự can thiệp của NHNN (NHNN đã mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124 nghìn tỷ đồng từ đầu năm). Tỷ lệ tín dụng/huy động bình quân của hệ thống tăng từ 85,6% vào năm 2016 lên 87,3% vào năm 2017.

Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh: lãi suất liên ngân hàng trong năm 2017 đạt mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (bình quân lãi suất liên ngân hàng qua đêm năm 2017 khoảng 2,3%). Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục được duy trì ổn định (Tính đến cuối năm 2017, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 – 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 – 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 – 7,2%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 – 6,5%/năm đối với ngắn hạn, mức 9 – 10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn).

Xử lý nợ xấu được đẩy mạnh: những khó khăn pháp lý gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu đã dần được tháo gỡ thông qua việc ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu đã được trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý tài chính đối với các TCTD khi bán nợ xấu đã được tạo lập. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 bước đầu đã đạt được các kết quả tích cực khi toàn hệ thống đã xử lý được khong 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017, tăng 40% so với năm 2016, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD giảm xuống còn 2,3% từ mức 2,46% vào cuối năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu giảm chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.

Tỷ giá ổn định: tỷ giá USD/VND được duy trì ổn định suốt cả năm 2017 trong bối cảnh thị trường quốc tế không ngừng biến động. Tính đến cuối tháng 12/2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5 – 1,7% so với đầu năm, mặc dù tăng nhiều hơn so với mức tăng 1,23% của năm 2016, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức điều chỉnh tỷ giá 5% trong năm 2015, khi chưa áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Trong khi đó, tỷ giá NHTM giảm khoảng 0,2%, tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,5 % so với đầu năm.

Nguyên nhân tạo ra các tác động, ảnh hưởng tích cực đối với thị trường tiền tệ, tín dụng trong năm 2017 chủ yếu là do việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 3%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra khi đạt 6,81%), bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thành lập mới doanh nghiệp, thị trường chứng khoán tăng trưởng ấn tượng, thị trường bất động sản phục hồi tốt,… cũng tác động tích cực lên thị trường tiền tệ, tín dụng.

2. Một số thách thức

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng thị trường tiền tệ, tín dụng vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro, thách thức, đó là thách thức từ tăng trưởng tín dụng cao, từ kiểm soát rủi ro hoạt động hệ thống ngân hàng, từ xử lý nợ xấu, từ xu hướng phát triển công nghệ tài chính,… Cụ thể:

Thách thức từ tín dụng tăng trưởng cao: Tại Việt Nam, tín dụng từ khu vực ngân hàng vẫn đang là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Tỉ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2012 – 2017, từ 95,2% năm 2012 lên tới 130% (tính đến giữa năm 2017). Trong khi đó, tỉ lệ này tại một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, chỉ khoảng trên dưới 50%. Chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP1 cũng có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 cho đến nay và đã ở mức 11% (trong quý I/2017) – là mức cao nhất kể từ quý I/2011 (tăng 13 %). Bên cạnh đó, mặc dù tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống TCTD giảm từ 78,4% xuống 64,6% nhưng vẫn ở mức cao, đặt ra áp lực lớn cho hệ thống tài chính tín dụng, đặc biệt là ngân hàng.

Tín dụng trung và dài hạn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng tín dụng (53,7% năm 2017), trong khi đó, vốn huy động trung và dài hạn chỉ chiếm 13% – 15% tổng huy động. Với cơ cấu này, có thể khiến ngân hàng và các TCTD rơi vào tình trạng rủi ro thanh khoản do mất cân đối về kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ.

Thách thức từ kiểm soát rủi ro hoạt động ngân hàng: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập tài chính ngày càng sâu rộng trên toàn cầu, sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng, hệ thống ngân hàng phát triển ngày càng phức tạp, thì rủi ro trong hoạt động ngân hàng trở nên khó lường hơn, mức độ và phạm vi ảnh hưởng cũng sâu rộng hơn.

Trong năm 2017, khi phải đối mặt với áp lực từ việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng, việc tăng cường kiểm soát rủi ro đối với hoạt động ngân hàng đã phải trì hoãn và đi theo lộ trình chậm hơn so với lộ trình trước đây đã đề ra vào năm 2014 và 2016. Mặc dù, NHNN đã ban hành một số văn bản để hướng dẫn và tạo khung pháp lý quản lý rủi ro thanh khoản (Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014, Thông tư 06/2016/TT-NHNN,…). Tuy nhiên, việc áp dụng theo đúng lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn có thể tạo nên sự thiếu hụt nguồn cung vốn trong khi nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh lớn, làm tăng mặt bằng lãi suất, đi ngược với chủ trương giảm lãi suất của Nhà nước. Do vậy, thời điểm áp dụng tỷ lệ 40% đã lùi từ năm 2018 sang năm 2019. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thực hiện nới lỏng kiểm soát hoạt động ngân hàng để ưu tiên cho phát triển tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây, điều này có thể gây sức ép rủi ro hoạt động của ngân hàng về dài hạn.

Thách thức khi áp dụng quản trị rủi ro theo Basel II: triển khai Basel II được coi là trọng tâm trong thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020, song song với các giải pháp như sáp nhập, hợp nhất, xử lý các ngân hàng yếu kém. Lộ trình áp dụng Basel II đối với hệ thống NHTM được NHNN đưa ra gồm hai giai đoạn2. Việc tuân thủ các quy định trong Basel II, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng lành mạnh hơn, khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ ngày càng được nâng cao hơn và tính an toàn hoạt động cũng ngày càng đảm bảo hơn. Tuy nhiên, khi triển khai Basel II, một số thách thức đặt ra cho ngành Ngân hàng và công tác quản lý như: Các ngân hàng có thể gặp sức ép về kỹ thuật và chi phí do các ngân hàng buộc phải đảm bảo nguồn lực tài chính để điều chỉnh và kiện toàn cơ cấu tổ chức quản trị, khung chính sách, mô hình đo lường rủi ro; thách thức đối với ngân hàng khi tăng vốn và giảm tài sản có rủi ro. Việc áp dụng nguyên tắc của Basel II có thể làm giảm 30 – 40% hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng và phát sinh bài toán tăng vốn và giảm tài sản có rủi ro thông qua tối ưu hóa danh mục. Đây là một trong những vấn đề khó khăn với nhiều ngân hàng do có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các cổ đông, chiến lược duy trì khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới; thách thức khi xây dựng hệ thống dữ liệu tin cậy và chính xác cao, phục vụ việc đánh giá và kiểm soát rủi ro. Tại Việt Nam, dữ liệu chưa được các ngân hàng chú trọng và chưa được quản trị một cách có hệ thống và hợp nhất. Do đó, việc xây dựng hệ thống và thu thập dữ liệu sẽ đòi hỏi thời gian, nhân lực và vật lực của các ngân hàng khi triển khai, điều này cũng có thể gây sức ép cho các ngân hàng trong quá trình thực hiện Basel II. Ngoài ra, việc áp dụng Basel II cũng đặt ra các thách thức chính sách đối với NHNN khi ban hành các quy định về hoạt động ngân hàng phù hợp với lộ trình triển khai Basel II.

Thách thức ổn định mặt bằng lãi suất: Dư địa giảm lãi suất trong năm 2017 rất hạn chế do tác động của ba lần FED tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá, qua đó, đẩy chi phí vay vốn bằng USD tăng cao, ảnh hưởng đến việc duy trì lãi suất thấp của NHTW nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cũng gặp khó khăn khi nợ xấu vẫn là một vấn đề chưa được xử lý triệt để. Sự kém liên thông giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường tiền gửi khu vực dân cư cũng là một rào cản khiến việc giảm lãi suất gặp nhiều khó khăn.

Thách thức xử lý nợ xấu: Đầu năm 2017, nợ xấu thực tế được NHNN xác nhận còn ở mức cao. Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khá khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, chưa thiết lập và đưa thị trường mua bán nợ xấu vào hoạt động, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn đối mặt với nguy cơ bùng phát nợ xấu mới do nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh từ hệ thống ngân hàng và các TCTD vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới còn nhiều bất ổn, biến động phức tạp, khó lường. Nếu nợ xấu không được xử lý kịp thời, triệt để trong những năm tới, có thể sẽ ảnh hưởng tới hệ thống tài chính và đây có thể coi là một trong những điểm nghẽn cho phát triển kinh tế.

3. Triển vọng và giải pháp

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã được thông qua (17%) là mức tăng trưởng phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Thị trường tiền tệ, tín dụng có những nhân tố hỗ trợ tích cực nhờ việc triển khai Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông dòng vốn. Ngoài ra, các ngân hàng đã cam kết thực hiện giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặc dù vậy, để đảm bảo được các mục tiêu của Chính phủ và giải quyết các hạn chế, thách thức nói trên, trong thời gian tới, tác giả cho rằng ngành Ngân hàng và các TCTD cũng như cơ quan quản lý cần tập trung giải quyết tốt một số nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, xử lý nợ xấu cần phải chuyển nguồn lực từ thụ động sang nguồn lực chủ động, với sự phối hợp của các khu vực trong nền kinh kế, đặc biệt sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong xử lý nợ xấu. Cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về cơ cấu lại các TCTD, xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu. Nghiên cứu để luật hóa việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản.

Để thúc đẩy xử lý nợ xấu tại VAMC, cần ban hành quy định cụ thể về giá trị chiết khấu khi mua bán nợ, khuyến khích VAMC sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xử lý nợ, chú trọng tới phát triển thị trường trái phiếu, thị trường mua bán nợ, tăng cường nguồn nhân lực và mạng lưới hoạt động của VAMC bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các nguyên tắc quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Nguồn tài chính cho xử lý nợ xấu có thể huy động thông qua giảm thuế, sử dụng nguồn tiền dự trữ bắt buộc của các NHTM tại NHNN, tận dụng nguồn dự phòng rủi ro của các NHTM, sử dụng phí bảo hiểm tiền gửi của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Bên cạnh đó, VAMC cũng có thể tăng nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu qua các kênh khác nhau như vay các định chế tài chính khác, phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ hoặc NHNN, vay tiền của các NHTM và TCTD có tiềm lực tài
chính mạnh.

Thứ hai, để thúc đẩy việc triển khai Basel II trên toàn hệ thống ngân hàng, về mặt pháp lý, cần ban hành quy định về tỷ lệ an toàn vốn, quản lý rủi ro, quy định về ICAAP theo Basel II với lộ trình phù hợp, hoàn thiện Chuẩn mực kế toán Việt Nam theo các nguyên tắc của Chuẩn mực kế toán quốc tế; thanh tra và giám sát ngân hàng cần thực hiện trên cơ sở rủi ro; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất.

Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục triển khai cổ phần hóa các NHTM Nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số NHTM cổ phần có tỉ lệ sở hữu Nhà nước chi phối về mức trên 65% nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là từ các ngân hàng nước ngoài có quy mô lớn, năng lực quản trị tốt; triển khai giám sát đồng bộ và thống nhất toàn bộ khối ngân hàng. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng các dịch vụ ngân hàng cho các thành phần trong nền kinh tế và mở rộng các dịch vụ ngân hàng ra ngoài khu vực truyền thống, tăng cường cạnh tranh quốc tế và mở rộng mạng lưới ra ngoài phạm vi quốc gia. Điều chỉnh mạnh mẽ cấu trúc hệ thống các TCTD theo hướng giảm dần số lượng, tăng quy mô về vốn tương ứng với năng lực quản trị điều hành và phạm vi hoạt động, đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động do NHNN quy định và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Chú thích:

Chênh lệch tín dụng/GDP hàng năm là chênh lệch giữa tỷ lệ tín dụng/GDP thực tế của năm báo cáo và mức trung bình của những năm gần đây của Việt Nam. Đây là một trong những chỉ số cảnh báo sớm khủng hoảng ngân hàng được Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS) khuyến nghị.

2 Cụ thể:

Giai đoạn 1: Thí điểm áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank). Chương trình thí điểm bắt đầu từ tháng 2/2016, mục tiêu là đến cuối năm 2018, các ngân hàng này phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II.

Giai đoạn 2: Đến năm 2020, cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (theo nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 8/11/2016).

Vào cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN có nội dung hướng theo chuẩn SA Basel II với nhiều điểm thay đổi so với Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 06/2016/TT-NHNN trước đó. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 hoặc từng ngân hàng riêng có thể áp dụng sớm hơn khi đáp ứng tiêu chuẩn và đăng ký về NHNN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017), Báo cáo thường niên.

2. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (2017), Báo cáo tình hình kinh tế – tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018.

3. VEPR (2017), Báo cáo kinh tế thường kỳ năm 2017

4. Viện Chiến lược và chính sách tài chính (2017), Báo cáo kinh tế vĩ mô hàng tháng năm 2017.

5. Một số trang website có liên quan.

Nguồn: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 5/2018

Mới cập nhật

Cùng chủ đề