VỀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

1. Khái quát về điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự*

Về bản chất, biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là một công cụ mà các bên tranh chấp được sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình một cách tạm thời cho đến khi vụ án được giải quyết xong. BPKCTT có thể được áp dụng để hạn chế hoặc buộc các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba thực hiện một hành vi nhất định với mục đích giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, thu thập chứng cứ kịp thời, giữ nguyên hiện trạng nhằm tránh những thiệt hại không thể khắc phục hoặc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trong tranh chấp. Với chức năng đó, mặc dù mang tính chất tạm thời, việc áp dụng BPKCTT vẫn tiềm ẩn khả năng gây ra thiệt hại đối với bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba. Do vậy, bên cạnh việc xác định quyền yêu cầu của các chủ thể, pháp luật tố tụng dân sự đặt ra các điều kiện áp dụng BPKCTT nhằm cân bằng quyền lợi của các bên trong tranh chấp.

VỀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Xác định các điều kiện cụ thể và rõ ràng đối với yêu cầu áp dụng BPKCTT không chỉ cho phép các bên có thể chủ động trong việc cung cấp chứng cứ cho yêu cầu của mình, tự đánh giá được khả năng thành công đối với yêu cầu đã đề xuất, mà còn bảo vệ lợi ích các chủ thể liên quan khác. Cùng với sự xem xét, đánh giá và ra quyết định của cơ quan tài phán, các điều kiện áp dụng BPKCTT tạo ra hàng rào pháp lý ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT gây thiệt hại cho bên bị yêu cầu hoặc bên thứ ba.

Hàng rào pháp lý này càng cụ thể và cân bằng thì sự bảo vệ đó càng hiệu quả: Các điều kiện phải rõ ràng, dễ dàng xác định; cân bằng trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.

Do đó, điều kiện áp dụng BPKCTT phải bao gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, quyền và lợi ích liên quan của bên yêu cầu đang bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm và không được vượt quá các yêu cầu trong tranh chấp đang được giải quyết.

Thứ hai, bối cảnh, tình huống áp dụng BPKCTT phải có tính khẩn cấp. BPKCTT có chức năng ngăn chặn các tình huống, hoàn cảnh tiêu cực tác động đến quyền, lợi ích của các bên trước khi tranh chấp được giải quyết bằng phán quyết cuối cùng của cơ quan tài phán, nên nếu thiếu tính cấp bách thì yêu cầu đó phải bị từ chối.

Thứ ba, các thiệt hại có thể xảy ra nếu không áp dụng BPKCTT phải lớn hơn so với thiệt hại sẽ xảy ra đối với bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba. Mục đích của BPKCTT là bảo vệ quyền lợi của bên có yêu cầu, tuy nhiên, việc áp dụng BPKCTT phải đem lại hiệu quả chung cho xã hội, tức là việc áp dụng BPKCTT phải cân nhắc đến khả năng gây ra những thiệt hại khác cho bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba. Trên thực tế, các thiệt hại này chưa xảy ra tại thời điểm xem xét yêu cầu và việc so sánh các thiệt hại dự kiến sẽ có sai số rất lớn, do vậy, chỉ khi sự chênh lệch giữa thiệt hại do việc không áp dụng BPKCTT và thiệt hại do áp dụng BPKCTT là đáng kể thì mới áp dụng BPKCTT.

2. Điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Điều kiện áp dụng BPKCTT trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay gồm các điều kiện mang tính khách quan và các điều kiện mang tính chủ quan được quy định rải rác trong các điều thuộc chương VIII Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015.

2.1. Điều kiện mang tính khách quan

Điều kiện khách quan là những tiêu chí về các yếu tố như đối tượng cần bảo vệ, tình huống hoặc hoàn cảnh dẫn đến nhu cầu cần áp dụng… Điều kiện khách quan được quy định rải rác trong các quy định chung (điều kiện khách quan chung) và các quy định về từng BPKCTT cụ thể (điều kiện khách quan riêng).

– Các điều kiện khách quan chung

Điều 111 BLTTDS 2015 quy định: “1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”.

Như vậy, điều kiện áp dụng BPKCTT chủ yếu được xác định dựa trên hai yếu tố: Quyền, lợi ích đang hoặc có khả năng bị xâm hại; và tính khẩn cấp của hoàn cảnh.

Với yếu tố thứ nhất, áp dụng BPKCTT khi cần giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục, bảo đảm việc thi hành án[1]. Căn cứ vào điều kiện này, BPKCTT được áp dụng trong các trường hợp tài sản đang tranh chấp hay tài sản có khả năng đảm bảo thi hành án đang hoặc có khả năng bị tẩu tán, hủy hoại, thay đổi công năng, giá trị…

Với yếu tố thứ hai, áp dụng BPKCTT trong trường hợp có tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra[2]. Trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, tính cấp thiết không phải là điều kiện tiên quyết mà chỉ là một trường hợp đặc biệt của việc áp dụng BPKCTT khi thấy rằng, nếu không áp dụng BPKCTT ngay lập tức thì hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, bằng chứng có thể bị tiêu hủy.

Hiện nay, Điều 111 quy định 2 trường hợp áp dụng BPKCTT theo yêu cầu cấp bách của đương sự và trong “tình thế khẩn cấp” là chưa hợp lý.

Trước hết, cần phải thống nhất rằng, BPKCTT chỉ được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp cần bảo vệ ngay quyền lợi của các đương sự, và tính khẩn cấp này là một điều kiện bắt buộc với các yêu cầu áp dụng BPKCTT. Nếu có sự phân biệt giữa các trường hợp áp dụng BPKCTT dựa trên tính khẩn cấp thì chỉ có thể phân biệt giữa tính khẩn cấp và tính cực kỳ khẩn cấp. Tuy nhiên, để phân biệt mức độ khẩn cấp của các trường hợp cao hay thấp trong nhiều trường hợp hoàn toàn không đơn giản. Mặt khác, sự phân biệt này trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cho đến nay chủ yếu chỉ dẫn đến sự khác biệt về thời gian giải quyết[3]. Vì vậy, thống nhất một thủ tục chung cho áp dụng BPKCTT sẽ vừa đảm bảo bình đẳng giữa các đương sự, vừa tạo sự đơn giản trong việc xem xét yêu cầu áp dụng BPKCTT.

Các điều kiện khách quan chung đối với yêu cầu áp dụng BPKCTT hiện nay chưa tính đến yếu tố cân bằng trong xã hội. Các BPKCTT khi được áp dụng luôn có nguy cơ gây ra thiệt hại về quyền lợi cho bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba, do đó, phải quy định điều kiện “quyền và lợi ích cần bảo vệ phải lớn hơn rõ ràng so với thiệt hại có thể gây ra đối với bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba” mới đảm bảo được hiệu quả thực tế của BPKCTT.

– Các điều kiện khách quan riêng

Bên cạnh các điều kiện khách quan chung còn có các điều kiện khách quan riêng, được áp dụng cho từng BPKCTT cụ thể. Các điều kiện này có thể về đặc tính tài sản (tài sản đang tranh chấp, tài sản của người có nghĩa vụ, hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…) hoặc về tác động tiêu cực (hành vi hủy hoại tài sản, hành vi tẩu tán tài sản, hành vi thay đổi hiện trạng tài sản…), hoặc các yếu tố khác đối với trường hợp cụ thể áp dụng BPKCTT.

Việc đặt ra các điều kiện này nhằm tiếp tục phân loại yêu cầu để đảm bảo việc áp dụng một BPKCTT cụ thể là phù hợp và đạt hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, các điều kiện này cũng thu hẹp phạm vi áp dụng của biện pháp, hạn chế khả năng lựa chọn BPKCTT của các bên đương sự.

Thứ nhất, nếu chỉ áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp (trong các điều 120, 121, 122 BLTTDS 2015) sẽ hạn chế khả năng áp dụng với tài sản không tranh chấp để bảo vệ chứng cứ hoặc đảm bảo thi hành án của các biện pháp này. Trên thực tế, việc áp dụng BPKCTT đối với tài sản không phải là tài sản tranh chấp nhưng có liên quan đến vụ án đang giải quyết như cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của người có nghĩa vụ để đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ… là rất cần thiết.

Thứ hai, nếu chỉ áp dụng BPKCTT kê biên, cấm chuyển dịch quyền tài sản, cấm thay đổi hiện trạng tài sản khi “có căn cứ cho thấy” có hành vi vi phạm đã làm giảm hiệu quả áp dụng của biện pháp này.

Để đáp ứng được điều kiện này, người yêu cầu phải chứng minh rằng người giữ tài sản có ý định tẩu tán, hủy hoại tài sản và đang hiện thực hóa ý định đó. Trong nhiều trường hợp, kể từ thời điểm có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm đến thời điểm hành vi đó thực sự diễn ra có thể chỉ vài giờ (với hành vi hủy hoại tài sản) hoặc vài phút (với hành vi bán tài sản là động sản). Khả năng xảy ra thiệt hại khi đó là rất lớn và thời điểm có thể xảy ra hành vi vi phạm là rất gần. Do đó, đến khi chứng minh được căn cứ về hành vi vi phạm thì gần như đã không còn khả năng ngăn chặn hành vi đó nữa. Vậy, cần thay đổi quy định theo hướng cho phép áp dụng BPKCTT khi có căn cứ cần ngăn chặn hành vi vi phạm để đảm bảo tính kịp thời của việc áp dụng.

2.2. Điều kiện mang tính chủ quan

Việc áp dụng BPKCTT luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại đến quyền lợi đối với các chủ thể khác. Trong trường hợp có thiệt hại xảy ra do việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng, bên có yêu cầu phải chịu trách nhiệm bồi thường. Để đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ đó, trong một số trường hợp, bên yêu cầu sẽ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng một khoản tiền hoặc các loại tài sản khác có giá trị do tòa án ấn định. Đây là điều kiện mang tính chủ quan bởi việc có đáp ứng điều kiện này hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bên yêu cầu.

Điều 136 BLTTDS 2015 quy định: Người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 của Bộ luật này phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu”.

Thực tiễn áp dụng điều kiện này cho thấy một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phạm vi áp dụng chưa bao quát hết các trường hợp có khả năng gây thiệt hại.

Điều kiện này chỉ áp dụng đối với các BPKCTT có liên quan đến tài sản, trừ biện pháp “Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác”[4]. Đối với việc áp dụng biện pháp “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định”[5] bên yêu cầu không bị buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm, dẫn đến khả năng quyền, lợi ích của bên bị áp dụng BPKCTT không được bảo vệ. Ví dụ, biện pháp này được cụ thể hóa thành việc cấm đương sự thực hiện việc chuyển dịch quyền tài sản hoặc “Dừng thanh toán số tiền… theo L/C…”[6], trong các trường hợp này, việc áp dụng BPKCTT có liên quan đến tài sản một cách gián tiếp và có khả năng gây ra thiệt hại. Việc không thực hiện biện pháp bảo đảm trong trường hợp này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể có yêu cầu áp dụng BPKCTT có liên quan đến tài sản.

Thứ hai, về mặt kỹ thuật lập pháp, Điều 120 BLTTDS vừa thừa vừa thiếu khi quy định mục đích của biện pháp bảo đảm để “bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu”. Bên cạnh mục đích bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT, biện pháp bảo đảm còn cần ghi nhận mục đích bảo vệ lợi ích của bên thứ ba; cụm từ “và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT từ phía người có quyền yêu cầu” là thừa, bởi đây là mục đích xây dựng quy phạm, do đó không cần phải ghi nhận trong điều luật này.

Thứ ba, cách tính giá trị tài sản thực hiện biện pháp bảo đảm chưa rõ ràng. Điều 136 BLTTDS 2015 quy định làdo Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng”.

Khái niệm “tương đương” hiện nay chưa được giải thích một cách rõ ràng nên việc xác định giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ đảm bảo theo BLTTDS 2004 trước đây chưa được thực hiện một cách thống nhất. Có trường hợp thẩm phán buộc đương sự phải nộp khoản tiền bằng giá trị căn cứ tính, có trường hợp lại chỉ nộp một phần giá trị của căn cứ tính. Khái niệm này tiếp tục được sử dụng trong BLTTDS 2015 như trên sẽ dẫn đến cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất ở các tòa án trong thời gian tới.

3. Một số kiến nghị

Thứ nhất, hiện nay các điều kiện áp dụng BPKCTT còn được quy định một cách dàn trải. Để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, các điều kiện áp dụng BPKCTT cần được xác định cụ thể trong một điều luật, trong trường hợp cần quy định dẫn chiếu thì cũng cần quy định rõ trong điều luật đó.

Về mặt hình thức, các điều kiện mang tính khách quan đang được gắn với quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT. Quy định này cho phép các đương sự nhanh chóng xác định được các trường hợp mà mình có quyền nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, nhưng cũng đồng thời tạo ra những bất lợi nhất định.

Các điều kiện được quy định tại Điều 111 BLTTDS 2015 chỉ là các điều kiện mang tính khách quan chung đối với các BPKCTT, để yêu cầu được chấp nhận còn phải đáp ứng các điều kiện riêng trong các BPKCTT cụ thể cũng như điều kiện mang tính chủ quan (nếu có). Do vậy, việc quy định các điều kiện khách quan chung gắn với quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT với ý nghĩa là cơ sở cho việc xác định quyền yêu cầu là không đảm bảo tính logic.

Việc tách các điều kiện mang tính khách quan và quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT sẽ có những ưu điểm sau:

Một là, có thể quy định một cách chung nhất về quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT. Theo đó, tùy thuộc vào thời điểm mà quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT sẽ được phát sinh, theo BLTTDS 2015 là từ thời điểm nộp đơn khởi kiện.

Hai là, có thể quy định về chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT một cách rõ ràng hơn.

Ba là, có thể liệt kê các điều kiện áp dụng BPKCTT và dẫn chiếu đến các điều luật cụ thể nếu cần thiết.

Về mặt nội dung, ngoài các mục đích bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án thì điều kiện áp dụng BPKCTT còn phải thể hiện tính khẩn cấp cũng như tính bảo vệ chung của BPKCTT.

Như vậy, các điều kiện áp dụng BPKCTT được quy định tại Điều 111 BLTTDS cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều …: Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

“1. Từ thời điểm nộp đơn khởi kiện, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này.

…”.

Điều …: Điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

“Biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng khi đáp ứng các căn cứ sau đây:

1. Có mục đích tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

2. Có tình thế khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật này. Trong trường hợp có tình thế khẩn cấp cao độ theo quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật này thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được xem xét tại thời điểm nộp đơn khởi kiện.

3. Hậu quả xảy ra do việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lớn hơn rõ ràng so với hậu quả có thể xảy ra do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

4. Các điều kiện riêng của biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu.

5. Bên có yêu cầu đã thực hiện đúng nghĩa vụ bảo đảm tài chính theo quy định tại Điều 136 Bộ luật này”.

Thứ hai, cần mở rộng một cách hợp lý điều kiện áp dụng riêng được quy định trong từng BPKCTT. Các biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp cần được mở rộng phạm vi áp dụng cả với tài sản của người có nghĩa vụ, do đó, cần bỏ đi cụm từ “đang tranh chấp”. Mở rộng khả năng áp dụng sớm các BPKCTT trước khi các hành vi tiêu cực có thể được hiện thực hóa bằng cách thay cụm từ “có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi…” bằng cụm từ “có căn cứ cho thấy cần ngăn chặn hành vi…”.

Thứ ba, quy định nghĩa vụ thực hiện biện pháp bảo đảm áp dụng đối với biện pháp cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định (khoản 12 Điều 114) nếu liên quan đến tài sản để có thể đảm bảo được quyền và lợi ích của bên bị áp dụng.

Thứ tư, xác định mục đích thực hiện biện pháp bảo đảm là để bảo vệ lợi ích của người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT và bên thứ ba.

Thứ năm, cần quy định rõ phương pháp xác định giá trị tài sản đảm bảo mà người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải thực hiện, mà trước hết phải xác định cách tính giá trị tài sản bảo đảm một cách hợp lý và đơn giản.

Để dự trù cho những thiệt hại có thể xảy ra, việc thực hiện biện pháp bảo đảm phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

– Buộc đương sự phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra yêu cầu áp dụng BPKCTT có liên quan đến tài sản, bởi phải đưa một lượng tài sản nhất định ra khỏi lưu thông trong suốt thời gian áp dụng BPKCTT.

– Phù hợp với khả năng thực hiện của các đương sự.

– Bảo đảm khả năng bồi thường thiệt hại do việc áp dụng BPKCTT không đúng gây ra đối với bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba.

Như vậy, việc quy định về biện pháp bảo đảm cần phải cân bằng giữa quyền của bên yêu cầu và quyền được bảo vệ của các chủ thể khác.

BLTTDS 2015 đã quy định cách tính giá trị tài sản đảm bảo là “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu”. Quy định này chưa xác định được nội hàm khái niệm “tương đương”.

Cách xác định giá trị tài sản bảo đảm phổ biến hiện nay là tính theo tỷ lệ giá trị tài sản bị áp dụng. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, do đó, sai số rất thấp, các bên có thể dự tính được các chi phí cần thiết trước khi yêu cầu áp dụng BPKCTT, thẩm phán cũng không cần xem xét các vấn đề chi tiết như trong trường hợp dự trù thiệt hại chưa xảy ra, đồng thời giá trị bảo đảm cũng không quá lớn để có thể ngăn cản bên có yêu cầu.

Do vậy, quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm cần được hướng dẫn áp dụng như sau:

“Người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 12, 15 và 16 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp có liên quan đến tài sản phải thực hiện biện pháp bảo đảm để bảo vệ lợi ích của các chủ thể khác.

Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Khoản tiền bằng …% giá trị hàng hoá cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó;

b) Chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.


Chú thích:

[1] Khoản 1 Điều 111 BLTTDS 2015

[2] Khoản 2 Điều 111 BLTTDS 2015

[3] Theo khoản 2, 3 Điều 133 BLTTDS 2015, thời hạn giải quyết đối với đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT theo khoản 1 Điều 111 là 3 ngày, đối với đơn yêu cầu theo khoản 2 Điều 111 là 48 giờ

[4] Khoản 9 Điều 114 BLTTDS 2015

[5] Khoản 12 Điều 114 BLTTDS 2015

[6] Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2013/QĐ-BPKCTT ngày 29/01/2013, “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2011/QĐ-BPKCTT ngày 18/05/2011”.


Nguồn: TẠP CHÍ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT SỐ 8/2017, TR 32-38

Mới cập nhật

Cùng chủ đề