Đôi điều tản mạn về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhân dịp xuân về

Mùa Xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, là suối nguồn tươi mát tuôn chảy vào kiếp sống nhân sinh. Quy luật đó có vẻ đã được mặc định cho mọi mặt của đời sống xã hội, từ lĩnh vự văn hóa, giáo dục cho đến công cuộc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, là suối nguồn tươi mát tuôn chảy vào kiếp sống nhân sinh. Quy luật đó có vẻ đã được mặc định cho mọi mặt của đời sống xã hội, từ lĩnh vự văn hóa, giáo dục cho đến công cuộc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Một quốc gia muốn hưng thịnh thì luôn phải dựa trên sự phát triển tổng hòa giữa vai trò điều phối của bộ máy quản trị với các chủ thể cấu thành để thực thi nhằm tạo nên kết quả khả thi cho các chiến lược quản trị đã đặt ra.

Sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại 4.0 nó không còn chỉ còn dựa trên thước đo mang tính định tính chung chung như kiểu nói quen thuộc bấy lâu nay như duy trì và phát triển văn hóa đậm đặc bản sắc dân tộc hay thành tựu về phổ cập giáo dục…mà cần phải thực tế dựa trên các chỉ số mang tính định lượng mà phát triển kinh tế là nòng cốt. Chỉ số tăng tưởng kinh tế. Tức đánh giá sự gia tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế của năm này so với năm trước đó. Chỉ số đó chính là Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hoặc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong mối bang giao với các quốc gia, chúng ta không thể mãi mở đầu bằng “điệp khúc” rằng chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nguồn nhân lực dồi dào, có một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhất quán nhưng lại mời chào quốc gia bạn hỗ trợ không hoàn lại cái này hay ưu đãi cho cái khác. Điệp khúc này nếu còn tiếp tục lặp đi lặp lại thì e rằng bộ mặt của chúng ta sẽ khó mà “cùng phân khúc” chứ nói gì đến việc mong sớm “sánh vai” với các cường quốc được.

Nói rộng ra, để kinh tế quốc gia phát triển, Nhà nước phải đầu tư hạ tầng đồng bộ và tạo hành lang pháp lý nhất quán để tạo sân chơi bình đẳng cho các chủ thể, mà trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp tham gia vào. Còn hẹp hơn, thì các doanh nghiệp khi tham gia vào vào hoạt động sản xuất kinh doanh, yếu tố Vốn luôn được coi là điều kiện tiên quyết. Nếu doanh nghiệp chỉ luôn biết sử dụng duy nhất nguồn vốn tự có để kinh doanh thì chắc có lẽ người ta chỉ mãi gọi là “lều doanh nghiệp” chứ không thể trở thành công ty này hay tập đoàn kia được. Vai trò của các Tổ chức tín dụng, hay nói ngắn gọn hơn là các Ngân hàng thương mại (NHTM) thực sự quan trọng trong việc đồng hành cùng “nhịp thở” với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa NHTM và Doanh nghiệp chỉ được coi là “Cộng sinh” khi hoạt động cho vay phải thực sự thấu hiểu và chia sẻ được với quy mô, đặc trưng, triết lý kinh doanh, văn hóa kinh doanh doanh mang tính vùng miền của mỗi doanh nghiệp. Khi đã thấu hiểu thì việc NHTM điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ, tái cơ cấu khoản vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tổng tài sản thế chấp lớn hơn so với khoản vay có thể tái cấu trúc chứ không vô cảm để nhảy sang nhóm nợ xấu. Chỉ có vậy, NHTM mới tạo ra các dòng vốn phù hợp để không chỉ nuôi dưỡng cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn làm giảm áp lực lên nền kinh tế vĩ mô, bởi doanh nghiệp chính là xương sống của nền kinh tế vĩ mô như tinh thần của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành. Lâu nay, NHTM vẫn luôn đề cập rằng doanh nghiệp muốn vay được vốn thì điều kiện tiên quyết là phải có phương án kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng khổ nỗi khi có phương án kinh doanh rồi mà không có tài sản cầm cố, thế chấp để bảo đảm cho khoản vay thì cũng chẳng mấy NHTM nào mặn mà. Thực trạng này, hầu như dập tắt mọi sự khởi nghiệp (Start-up) của các ý tưởng kinh doanh mới mẻ.

Một thực trạng nữa đang là rào cản hiện hữu với không ít các doanh nghiệp đia phương có quá trình hình thành và phát triển qua hàng thập kỷ khi họ hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Có doanh nghiệp hoạt động từ mảng Bất động sản, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến cát silic chất lượng cao cho đến trồng rừng tạo ra không biết bao việc làm cho người dân địa phương, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và làm thay đổi bộ mặt của khu kinh tế mà Chính phủ đã thí điểm thành lập để từng bước nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trong cả nước. Nhưng khi tham gia huy động vốn từ NHTM để triển khai một dự án thuộc một trong các lĩnh vực của mình thì ngoài tài sản bảo đảm là các tài sản của dự án ra thì NHTM còn yêu cầu doanh nghiệp thế chấp cả phần vốn góp của các thành viên sáng lập và các tài sản khác là quyền khai thác khoáng sản từ Giấp phép khai thác..nhưng Tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp (LTV- Loan to value ratio) lại định giá bằng 0%. Vậy bản chất của các tài sản thế chấp nhưng quy định LTV bằng 0% của NHTM là gì? Có phải đây là ý đồ để can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà Luật các tổ chức tín dụng nghiêm cấm hay thậm chí không muốn nói là có sự toan tính để làm vô hiệu hóa sự quản trị của ban lãnh đạo doanh nghiệp nhằm từng bước thôn tính toàn bộ tài sản khi doanh nghiệp chẳng may sảy chân?. Rõ ràng, các doanh nghiệp địa phương có bề dày hoạt động, có sự đóng góp thường xuyên cho ngân sách Nhà nước nhưng lại đang bị NHTM đối xử một cách bất bình đẳng so với nhiều doanh nghiệp mới thành lập thuộc hệ sinh thái của các Tập đoàn mới nổi để thực hiện một dự án nhất định với vòng quay sử dụng vốn ngắn cho duy nhất một ngành nghề kinh doanh (Project Company), bởi với mô hình Công ty dự án thì tài sản và vốn chủ sở hữu đôi khi chỉ là một mà thôi.

Một rào cản nổi cộm ngáng đường để các doanh nghiệp khởi nghiệp và DNNVV tiếp cận nguồn vốn từ NHTM bấy lâu nay chính là vấn đề tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức là cổ đông và hoặc thành viên góp vốn trong một NHTM. Bởi các nguồn vốn “ngon ngọt, bổ rẻ” bằng cách này hay cách kia đã lọt qua nhiều lớp để các doanh nghiệp sân sau hưởng thụ, các nguồn vốn “rơi vãi” như những miếng vá của đoạn săm lốp vốn đã có nhiều miếng vá được tùn đẩy ra doanh nghiệp.

Dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế khả năng một cá nhân hoặc một tổ chức (là chủ sở hữu hoặc kinh doanh bất động sản chẳng hạn) có thể ảnh hưởng tới quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các quy định giảm sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tín dụng quy định tại Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vẫn chưa dự liệu hết các tình huống xảy ra dẫn đến sự lách luật để những người quản lý, điều hành doanh nghiệp khác có tầm ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng. Bởi như chúng ta biêt Thành viên HĐQT và HĐQT của tổ chức tín dụng được bổ nhiệm có thời hạn theo quy định của điều lệ và pháp luật. Giả sử một tổ chức nắm giữ một tỷ lệ vốn điều lệ lớn của NHTM đủ quyền chi phối để tham gia thành viên HĐQT và thời điểm đó tổ chức đó ủy quyền/cử cá nhân của mình tham gia làm đại diện tại tổ chức tín dụng đó và người đó không phải là người quản lý, điều hành của doanh nghiệp khác thì liệu cá nhân đó có được tham gia là thành viên HĐQT hay ứng cử chức Chủ tịch HĐQT, TGĐ, Phó TGĐ không?

Ngoài ra, thời điểm cá nhân, tổ chức chiếm một tỷ lệ cổ phần tương đối lớn tại NHTM không tham gia các chức vụ trên tại NHTM nhưng vì là cổ đông lớn nên họ có tiếng nói “phía sau” đối với HĐQT và Ban tổng giám đốc/Ban kiểm soát của NHTM để can thiệp đến hoạt động tín dụng, trừ khi họ là những cổ đông thiểu số. Do đó, vẫn cần xem xét để giới hạn trong cả trường hợp các cá nhân, tổ chức không tham gia vào các chức danh trên của NHTM thì chỉ được sở hữu tối đa bảo nhiêu phần trăm vốn điều lệ của NHTM để tránh sự ảnh hưởng của họ, tốt nhất họ chỉ là cổ đông thiểu số. Mặt khác, đây cũng là biện pháp thắt chặt tính toàn tâm toàn lực của họ khi tham gia vào NHTM và phụng sự vì sự phát triển của NHTM chứ không dùng NHTM như là tấm bình phong để phục vụ cho những toan tính đối với công ty sân sau…

Dù hành lang pháp lý đối với hoạt động cho vay của NHTM vừa được Cơ quan lập pháp thông qua đã thắt chặt thêm nhiều biện pháp đồng bộ để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại rằng, dù luật có quy định như thế nào đi chăng nữa thì mối quan hệ giữa NHTM và doanh nghiệp vẫn luôn cần sự bình đẳng đúng nghĩa, tức nếu coi nguồn vốn là vấn đề “sống còn” với doanh nghiệp, thì cho vay cũng là hoạt động “sống còn” với NHTM. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật “cộng sinh” khi đất trời vào xuân. Mong lắm đạo đức và cái tâm với nghề cho vay của nhiều NHTM luôn thường trực hiện hữu với cộng đồng doanh nghiệp khi xuân về…

Luật sư Phan Khắc Nghiêm

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/doi-dieu-tan-man-ve-moi-quan-he-giua-ngan-hang-va-doanh-nghiep-nhan-dip-xuan-ve-85294.html

Mới cập nhật

Cùng chủ đề