ĐỒNG BỘ HÓA LUẬT TƯ HIỆN NAY TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG: SỰ CẦN THIẾT VÀ ĐỊNH HƯỚNG

1. Sự cần thiết đồng bộ hóa luật tư

Nền kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển trong một môi trường pháp lý lành mạnh và thích hợp. Đây là điều không ai có thể phủ nhận. Để có môi trường pháp lý lành mạnh và thích hợp cho việc xây dựng kinh tế thị trường, đồng bộ hóa luật tư đóng vai trò quan trọng.

ĐỒNG BỘ HÓA LUẬT TƯ HIỆN NAY TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG: SỰ CẦN THIẾT VÀ ĐỊNH HƯỚNG

Pháp luật Việt Nam hiện đang trong tình trạng bất đồng bộ tương đối lớn và phức tạp, làm ảnh hưởng không như mong muốn tới môi trường pháp lý kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Trong sự bất đồng bộ lớn của luật tư, trước hết phải kể tới sự thiếu cân nhắc kỹ lưỡng và tinh tế khi thiết lập một số quy định trong khu vực luật tư mà gây khó khăn cho cả khu vực luật công. Có thể đưa ra một ví dụ điển hình sau:

Vừa qua, trong đợt xây dựng và hoàn thiện pháp luật để thi hành Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có quy định về pháp nhân thương mại như sau:

“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan” (Điều 75).

Các quy định này bất đồng bộ với các quy định còn lại về công ty (pháp nhân thương mại) bởi chúng không xem công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là pháp nhân thương mại, nhưng lại xem doanh nghiệp tư nhân là một pháp nhân thương mại, trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một pháp nhân và quy định doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân[1]. Các quy định này lại còn ấn định một mô hình các văn bản luật mà không cân nhắc tới sự hoàn thiện mô hình pháp luật. Tại đó Luật Doanh nghiệp được ấn định, ít nhất có mấy mô hình sau mà chúng ta có thể lựa chọn để pháp điển hóa luật thương mại: Thứ nhất, xây dựng một Bộ luật Thương mại tổng quát mà trong đó có chế định thương nhân bao gồm cả thương nhân thể nhân (doanh nghiệp tư nhân) và thương nhân pháp nhân (công ty); thứ hai, xây dựng một BLDS áp dụng cho cả các quan hệ dân sự và các quan hệ thương mại (giống như BLDS Bắc Kỳ năm 1931 của Việt Nam và của một số nước khác trên thế giới như Thái Lan, Hà Lan…); và thứ ba, xây dựng một đạo luật riêng cho công ty và một đạo luật riêng cho doanh nghiệp tư nhân (giống như Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 của Việt Nam). Điều đáng nói nhất ở đây là sự mâu thuẫn giữa các quy định vừa nêu trên của BLDS năm 2015 với các quy định còn lại của luật thương mại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc áp dụng các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017). Việc mẫu thuẫn giữa các quy định về pháp nhân thương mại gây khó khăn cho việc xác định chủ thể của tội phạm, đồng thời gây khó khăn cho luật hình sự thực hiện chức năng bảo vệ các quan hệ xã hội liên quan tới pháp nhân thương mại hoặc bị tác động xấu bởi pháp nhân thương mại. Một doanh nghiệp hoặc một tổ chức kinh tế có thể không phải là pháp nhân nhưng nó vẫn có thể là thương nhân.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, hàng loạt các đạo luật trong lĩnh vực luật tư được sửa đổi, bổ sung không dựa trên một mô hình thống nhất, do đó mất tính đồng bộ nghiêm trọng. Có thể dẫn chứng, luật thương mại là ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của bất kỳ nền kinh tế thị trường nào, nhưng ở Việt Nam hiện nay, nó lại là nơi tập trung sự thiếu đồng bộ nghiêm trọng nhất. Luật thương mại được hiểu là ngành luật tư điều chỉnh mối quan hệ giữa các thương nhân với nhau hay hành vi thương mại. Ba đại chế định của luật thương mại là “thương nhân”, “hành vi thương mại” và “phá sản” được điển pháp điển hóa riêng biệt ở Việt Nam hiện nay thành ba đạo luật là: (1) Luật Thương mại năm 2005; (2) Luật Doanh nghiệp năm 2014; và (3) Luật Phá sản năm 2014. Nhưng ba đạo luật này có mâu thuẫn với nhau về những quan điểm lớn liên quan tới thương nhân. Luật Thương mại năm 2005 quy định tại Điều 7 rằng “Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật”. Điều luật này cho thấy, Luật Thương mại năm 2005 có khái niệm và giải pháp cho thương nhân thực tế để bảo vệ cho người thứ ba ngay tình bằng cách không loại các thương nhân này ra khỏi vòng pháp luật. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp năm 2014 nghiêm cấm “hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký” (Điều 17, khoản 3); và Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật” (Điều 2). Hai điều luật này đã không sử dụng thuật ngữ “thương nhân” mà dùng thuật ngữ “doanh nghiệp” trong khi mọi người cho rằng, xét từ góc độ ngành luật thương mại thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 được coi là một bộ luật về thương nhân, và phá sản là quy chế đặc biệt áp dụng cho thương nhân. Thực tế, Luật Thương mại năm 2005 cố gắng quy định một quy chế chung về thương nhân (kế thừa Luật Thương mại năm 1997, nhưng kém hơn) theo lý thuyết về luật thương mại. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Phá sản năm 2014 không quan tâm gì tới nền tảng, cũng như lý thuyết của luật thương mại, loại bỏ hộ kinh doanh ra khỏi phạm vi điều chỉnh, mặc dù hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh khá phổ biến ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, đồng thời loại bỏ thương nhân thực tế ra khỏi phạm vi điều chỉnh – ngụ ý bỏ mặc người thứ ba ngay tình có thể bị thiệt hại bởi việc đã quan hệ với thương nhân này nhưng hoàn toàn không biết người này không phải là thương nhân hợp pháp, có nghĩa là những người thứ ba ngay tình không thể tham gia lấy nợ trên tài sản của thương nhân thực tế theo các quy định của Luật Phá sản năm 2014. Đó là chưa kể các đạo luật này không đồng bộ với BLDS năm 2015 khi Bộ luật này định nghĩa về pháp nhân thương mại tại Điều 75. Các đạo luật bất đồng bộ này khó có thể giúp cho Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) làm tốt chức năng phòng, chống tội phạm liên quan tới pháp nhân thương mại. Quan niệm về thương nhân thực tế của Luật Thương mại năm 2005 dù chưa đầy đủ nhưng cũng có thể cho thấy ở nó dễ tìm kiếm giải pháp hơn cho việc giải quyết vấn đề của Cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể là kinh tế chia sẻ, có nghĩa là xem những người lái taxi Uber hay Grab là những thương nhân thực tế khi họ gây thiệt hại cho hành khách.

Môi trường pháp lý của chúng ta hiện nay được xây dựng trên căn bản truyền thống Sovietique Law có lẽ không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường bởi bản thân truyền thống pháp luật này xây dựng trên nền tảng công hữu hóa tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Vì vậy trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang rất nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như cải cách tư pháp, cải cách hành chính nhằm đáp ứng cho kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên các đạo luật (kể cả mới được ban hành) chứa đựng nhiều bất cập, có nhiều kẽ hở, mâu thuẫn, chồng chéo không tạo ra một môi trường pháp lý cần thiết và thích hợp cho kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người tiêu dùng… có thể vướng phải những rủi ro pháp lý không đáng có, không tháo gỡ được sức sản xuất, gây khó khăn cho hội nhập quốc tế và hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0… Trong sự bất đồng bộ lớn này, khu vực luật tư có nhiều khiếm khuyết và bất cập nhất, mặc dù là lĩnh vực pháp luật gần gũi nhất với hoạt động kinh doanh, thương mại và đầu tư. Các nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này có thể bao gồm:

Thứ nhất, pháp luật của Việt Nam hiện đang được cải cách từ hệ thống pháp luật xây dựng theo truyền thống Sovietique Law (là một truyền thống pháp luật của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung). Do đó, nhiều vấn đề pháp lý chưa được suy xét đến cùng để làm rõ sự phù hợp hay bất phù hợp với kinh tế thị trường. Đặc biệt, việc nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa được đi trước một bước để bảo đảm xây dựng tốt pháp luật. Các chuyên gia so sánh pháp luật trên thế giới khẳng định, các quy phạm pháp luật của truyền thống Civil Law và truyền thống Sovietique Law trước hết được chắt lọc ra từ trong lý thuyết, rồi mới mài giũa cho phù hợp với thực tiễn[2]. Có thể thấy bản thân nguyên tắc tự do kinh doanh mà Việt Nam quy định thành nguyên tắc Hiến định (Điều 33 Hiến pháp năm 2013) cũng chưa bao giờ được nghiên cứu đến cùng về mặt lý luận hay chưa bao giờ được nghiên cứu để lựa chọn quan điểm của ai làm tiền đề xây dựng các quy định pháp luật liên quan. Có nhiều quan điểm khác nhau về nội hàm của khái niệm quyền tự do kinh doanh. Có quan điểm: “Nói đơn giản, quyền tự do kinh doanh (freedom of enterprise) bao gồm: quyền tự do trở thành thương nhân; quyền tự do tạo lập doanh nghiệp; quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh; quyền tự do lựa chọn quy mô kinh doanh; quyền tự do quản trị và vận hành doanh nghiệp; quyền tự do thuê mướn và sử dụng lao động; và quyền tự do lựa chọn nơi và phương thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ của thương nhân. Gắn liền với các quyền tự do này là quyền chống lại các hành vi cấm đoán hoặc gây cản trở những quyền tự do nói trên”[3]. Trong khi đó, BLDS năm 2005 lại quan niệm quyền tự do kinh doanh bao gồm cả quyền tự do hợp đồng (Điều 50). Điều 33 Hiến pháp năm 2013 viết: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” dường như ngụ ý rằng, quyền tự do kinh doanh là quyền con người liên quan tới việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Việc thiếu dẫn dắt bởi lý luận là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tính mất đồng bộ của pháp luật nói chung và của luật tư nói riêng.

Thứ hai, chúng ta chưa có kinh nghiệm về các vấn đề pháp lý của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, chúng ta chưa xây dựng được mô hình của hệ thống pháp luật tương thích với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Thứ tư, chúng ta tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài còn thiếu tinh tế, thiếu sàng lọc và thiếu cân nhắc kỹ lưỡng.

Thứ năm, chúng ta có tâm lý nôn nóng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ trong một thời gian ngắn trong khi thiếu nghiên cứu một cách đúng mức và thiếu suy xét kỹ lưỡng.

Thứ sáu, chúng ta thiếu chủ thuyết, thiếu lý luận nền tảng về cải cách pháp luật và cải cách tư pháp…

Vì vậy việc nghiên cứu vấn đề đồng bộ hóa luật tư trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay là rất cấp bách. Lĩnh vực luật tư thiếu đồng bộ khiến môi trường pháp lý kinh doanh bất ổn; doanh nghiệp, nhà đầu tư, cũng như người tiêu dùng luôn gặp phải những rủi ro pháp lý mà thiếu sự kiểm soát có hiệu quả; việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước kém; quản lý nhà nước không nhất quán. Như vậy các thiếu sót này có thể làm chậm lại quá trình xây dựng nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Thực tiễn nghiên cứu khoa học pháp lý và xây dựng pháp luật từ thời kỳ đổi mới cho đến nay cho thấy, có những công trình nghiên cứu khá toàn diện về xây dựng pháp luật và cũng đã chú ý tới tính đồng bộ. Chẳng hạn Dự án “Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam” – VIE/94/003 được ký kết giữa Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ Việt Nam và UNDP ngày 15/04/1994 có ba mục tiêu chủ yếu là: (1) Hỗ trợ xây dựng khung pháp luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; (2) Tăng cường khả năng của Bộ Tư pháp trong việc điều phối quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật; (3) Hỗ trợ Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ trong việc phối hợp soạn thảo và thẩm định các dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Dự án này đã đề cập tới các mảng khác nhau của pháp luật kinh tế mà có thể được hiểu là môi trường pháp lý cho hoạt động kinh tế ở Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Các mảng pháp luật được nêu tên tại Dự án này bao gồm: pháp luật về dân sự; pháp luật về thương mại; pháp luật về doanh nghiệp; pháp luật về đầu tư; pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế; pháp luật về tài chính công; pháp luật về ngân hàng; pháp luật về bảo vệ môi trường; pháp luật về đất đai; pháp luật về cạnh tranh; điều ước quốc tế và khung pháp luật kinh tế. Những điểm thành công chủ yếu của Dự án này là: thứ nhất, bao quát được những lĩnh vực pháp luật liên quan chủ yếu tới hoạt động kinh tế của một nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; thứ hai, nêu bật được sự cần thiết pháp điển hóa các lĩnh vực pháp luật nói trên; thứ ba, nêu rõ được những nét chủ yếu về thực trạng điều chỉnh của những quy tắc pháp luật có liên quan; thứ tư, nêu được một số định hướng chủ yếu của việc xây dựng pháp luật dân sự trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, cùng một số nguyên tắc cơ bản; thứ năm, làm rõ được một số khái niệm chủ yếu của pháp luật về thương mại, tài chính, ngân hàng, môi trường…; thứ sáu, kiến nghị xây dựng một số đạo luật và xác định phạm vi điều chỉnh của chúng; và thứ bảy, đánh giá thực trạng tham gia các điều ước quốc tế liên quan và kiến nghị liên quan tới việc xây dựng luật về điều ước quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của Dự án này còn hết sức sơ sài, thể hiện việc chưa thực sự hiểu biết sâu về pháp luật của kinh tế thị trường với khuynh hướng toàn cầu hóa và theo đuổi Cách mạng công nghiệp 4.0. Các nghiên cứu của Dự án này thể hiện sự pha trộn thiếu cân nhắc giữa truyền thống Sovietique Law và truyền thống pháp luật Civil Law. Việc phân biệt giữa luật công và luật tư chưa được đề cập tới. Đặc biệt, Dự án chưa xây dựng được cơ sở lý luận của hệ thống pháp luật nói chung và luật tư nói riêng trong một nền kinh tế thị trường. Vì vậy, logic hệ thống chưa được làm rõ. Các mảng pháp luật được giới thiệu rời rạc không cho thấy chúng là các thành tố khác nhau của một hệ thống thống nhất. Về mặt pháp điển hóa, Dự án bỏ qua các học thuyết về pháp điển hóa luật dân sự và luật thuơng mại và chấp nhận thực tế lệch lạc trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật lúc bấy giờ mà không có phê phán xác đáng. Hệ quả là Dự án không nêu được vai trò nền tảng của bộ pháp điển hóa luật dân sự đối với hệ thống luật tư. Và tất nhiên các đạo luật được xây dựng theo kiến nghị của Dự án là các đạo luật rời rạc, tạm bợ và thiếu logic hệ thống. Các khiếm khuyết này còn hiển hiện trong cả các đạo luật mới xây dựng sau Hiến pháp 2013. Một số các nghiên cứu khác có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhất định nhưng không phải là các nghiên cứu có tính bao quát hệ thống.

Các nghiên cứu ở trên cho thấy, đồng bộ hóa luật tư là một nhu cầu cấp bách trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay nhằm đáp ứng các đòi hỏi của kinh tế thị trường và Cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Định hướng đồng bộ hóa luật tư

Việc đồng bộ hóa luật tư cần phải chú ý tới các định hướng như:

Thứ nhất, làm rõ toàn bộ nền tảng lý luận của luật tư và xây dựng mô hình lý luận thích hợp với bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường và công cuộc theo đuổi Cách mạng công nghiệp 4.0 cụ thể ở Việt Nam. Việc pháp điển hóa luật tư ở Việt Nam không thể không xuất phát từ lý luận và mài giũa cho phù hợp với thực tiễn bởi truyền thống Civil Law và truyền thống Sovietique Law đã ăn sâu trong tư duy pháp lý của người Việt mà các truyền thống này thường chắt lọc ra từ trong lý thuyết các quy tắc pháp lý. Sự bất đồng bộ của luật tư cho thấy cần nghiên cứu sâu thêm vào các vấn đề pháp lý sau để bảo đảm tiến hành đồng bộ hóa luật tư: (1) Mô hình lý luận của luật tư và các nguyên tắc xuyên suốt của luật tư; (2) tác động xã hội của đồng bộ hóa luật tư; (3) phân loại trong lĩnh vực luật tư; (4) nền tảng của luật tư; (5) mối liên hệ giữa các thành tố của luật tư; (6) định hướng và giải pháp cụ thể đồng bộ hóa luật tư; (7) kinh nghiệm nước ngoài về đồng bộ hóa luật tư; (8) pháp điển hóa luật tư; (9) mối quan hệ giữa các loại nguồn của luật tư; và (10) áp dụng luật tư…

Thứ hai, làm rõ những tồn tại về tính bất đồng bộ của luật tư hiện hành ở Việt Nam. Đây là công việc hết sức cần thiết. Nếu các khiếm khuyết và các bất cập không được làm rõ thì khó có thể có những cải cách thích hợp. Bản thân các công việc này đòi hỏi phải được soi rọi từ lý thuyết kết hợp với tổng kết thực tiễn.

Thứ ba, học tập kinh nghiệm nước ngoài một cách tinh tế và cấy ghép pháp luật nước ngoài vào Việt Nam một cách phù hợp với môi trường của Việt Nam. Vấn đề pháp điển hóa luật thương mại ở Việt Nam cho thấy chúng ta chưa học tập kinh nghiệm nước ngoài về mô hình và những giải pháp cơ bản mà chỉ học những quan điểm và kỹ thuật nhỏ lẻ. Điều đáng nói nhất là các đạo luật pháp điển hóa các chế định khác nhau của luật thương mại lại học tập kinh nghiệm của các nước khác nhau nên khó có thể có tính đồng bộ./.


NPKLaw cho rằng: Tác giả đang bàn về vấn đề lớn “đồng bộ hóa luật tư” nhưng lại chỉ căn cứ vào Điều 75 BLDS để quy cách tiếp cận về pháp nhân của Bộ luật là e rằng chưa đầy đủ. Xét cả về lý thuyết pháp lý và quy định của BLDS, khi được phân loại theo Điều 75 của BLDS thì đối tượng được phân loại trước hết phải là pháp nhân đã, tức là phải đủ các điều kiện được công nhận là pháp nhân tại Điều 74 của Bộ luật này. Do đó, không có chuyện BLDS quy nạp doanh nghiệp tư nhân là pháp nhân thương mại, nhưng cũng không có nghĩa BLDS không coi doanh nghiệp tư nhân không phải là thương nhân trong hoạt động thương mại. Theo quy định tại Điều 6 Luật thương mại, thương nhân có thể là tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động thương mại hoạt động độc lập, có đăng ký kinh doanh, do đó doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân theo BLDS và Luật doanh nghiệp nhưng nó vẫn là thương nhân trong hoạt động thương mại.

Ngoài ra, việc phân loại pháp nhân có thể dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, mỗi tiêu chí đều có ưu điểm và nhược điểm riêng phụ thuộc vào mục đích điều chỉnh của người phân loại, pháp nhân còn có thể được phân loại thành pháp nhân có thành viên và pháp nhân không có thành viên, pháp nhân công và pháp nhân tư…


Chú thích:

[1] Xem thêm Ngô Huy Cương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân: Nhìn từ tổng thể luật hình sự, luật hành chính, luật dân sự và luật thương mại (tr. 9 – 18), Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 (322), Kỳ 2 – tháng 9/2016, tr. 16 – 17.

[2] René David & John E. C. Brierley, Major Legal Systems in the World Today, The Free Press, Second Edition, 1978, pp. 86 – 87.

[3] Ngô Huy Cương, Dự án sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005: bình luận những vấn đề pháp lý chủ yếu, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 13 (269)/ Kỳ 1 – tháng 07/2014, tr. 28.


Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 07/2018

Mới cập nhật

Cùng chủ đề