Khoảng trống sau Tết

Để lấp đầy những ‘khoảng trống’ sau Tết mà người lao động gặp phải, cũng cần lắm sự kích hoạt các quỹ về việc tạo công ăn việc làm để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống sau Tết.

Theo phong tục, các gia đình tại các làng quê thường làm lễ hóa vàng vào ngày mồng 3 Tết. Dù Tết Nguyên đán năm nay đến muộn hơn một tháng vì năm 2023 nhuận vào tháng 2 âm lịch. Nhưng dòng người lao động về quên ăn tết vẫn bắt đầu trở lại nơi làm việc khi mà cây bưởi trước nhà vẫn chưa kịp nở hoa và tỏa hương thơm ngát lưu luyến với người ở lại như mọi năm. Phải chăng hương bưởi có ý đến muộn hơn nhằm níu kéo người lao động thư thái hơn để nghĩ suy cho những mục tiêu KPI (viết tắt của cụm từ Key Performance Indicator – là một công cụ đo lường để đánh giá hiệu quả của công việc) năm mới.

Theo quan sát của cá nhân tôi thì năm 2023 mới là năm mà đại đa số các doanh nghiệp đến từ các ngành nghề kinh doanh khác nhau “lãnh đủ” hậu quả do bị ảnh hưởng sâu rộng từ đại dịch Covid-19 so với chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng, Logistics… gặp khủng hoảng và suy thoái vào năm 2021 và năm 2022. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu đặt ra thì cũng đồng nghĩa với việc KPI của người lao động khó mà hoàn thành vì nhiều doanh nghiệp hiện nay đều đang dùng chỉ số KPI để đánh giá hiệu quả công việc của người lao động, mà trước kihi xây dựng KPI, doanh nghiệp đã phải căn cứ vào tình kinh doanh của mình, cũng như vị trí công việc của từng cá nhân, phòng ban để đưa ra chỉ số KPI rõ ràng, cụ thể, phù hợp. KPI có thể bao gồm lợi nhuận, số lượng bán hàng, doanh thu, chi phí trung bình hàng năm…

 Khi các cành đào không còn rực rỡ khoe sắc, bị bỏ chỏng chơ ngoài đường, trên xe rác thì cũng là lúc người lao động bước vào cuộc mưu sinh sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Khi các cành đào không còn rực rỡ khoe sắc, bị bỏ chỏng chơ ngoài đường, trên xe rác thì cũng là lúc người lao động bước vào cuộc mưu sinh sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Thước đo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là doanh thu. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 14, doanh thu được định nghĩa như sau: “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.”. Hiểu một cách đơn giản, doanh thu là toàn bộ khoản thu, có thể là tiền mặt, tài sản thu từ các hoạt động sản xuất, buôn bán, cung cấp sản phẩm/dịch vụ. Là khoản thu nhập của doanh nghiệp thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình. Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Do đó, doanh thu là cơ sở để tính toán lợi nhuận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sâu rộng từ đại dịch Covid-19 nên ít doanh nghiệp đạt được mục tiêu doanh thu như đã đề ra. Không những vậy chí chí phí về lãi vay, nguyên vật liệu đầu vào, vận tải và nhân công…. tăng đột biến dẫn đến doanh nghiệp không tích lũy được lợi nhuận để tái sản xuất và phát triển. Cụ thể, doanh nghiệp không có nguồn để trích lập các khoản dự phòng theo quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BTC.

Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn tỷ lệ thuận với thu nhập của người lao động. Điều 104 Bộ luật lao động 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.Nên khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả thi dẫn đến khoản thưởng (hay thường gọi là lương tháng thứ 13) của một năm miệt mài lao động cũng khó mà thành hiện thực. Đấy là còn chưa nói nhiều doanh nghiệp khó khăn đến mức trong năm mới chỉ tạm ứng một phần lương cho người lao động nên họ gặp muôn vàn khó khăn trong việc chi trả cho các chi phí tối thiểu để duy trì cuộc sống như tiền thuê nhà, tiền học phí cho con cái đi học…. đối với đa số người lao động phổ thông đến từ các làng quê.

Không những vậy, nhiều doanh nghệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như khai thác hầm lò, sản xuất hóa chất…còn giữ chân người lao động để họ trở lại làm việc sau tết bằng cách giữ lại một số khoản tiền phụ cấp, tiền thưởng của người lao động.

Đối với người lao động xa quê, cuối năm còn phải lo nhiều khoản tiền để về quê ăn Tết vì với người ở quê, họ không cần biết con em mình làm gì? Cho doanh nghiệp nào? Nhưng chả lẽ xa quê cả năm trời mà về ăn tết lại không có đồng quà, tấm bánh cho người thân? Với hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như vậy dẫn đến họ tất yếu phải chạy vạy mọi nguồn để “tất toán” cho chuyến về quê ăn Tết. Hậu quả là sau Tết người lao động phải duy trì cuộc sống không khác gì mùa “giáp hạt”.

Sau Tết Nguyên đán, lượng người lao động ngược dòng vào các thành phố lớn để mưu sinh.

Theo Liên Hợp quốc thì “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Còn Ngân hàng thế giới (the World bank) cho rằng: nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp… của mỗi cá nhân. Tại Tuyên bố ba bên về các Nguyên tắc liên quan đến Doanh nghiệp đa quốc gia và Chính sách xã hội (Tuyên bố DNĐQG) được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thông qua vào năm 1977 và được sửa đổi đáng kể vào năm 2017 nêu rõ “ Tuyên bố DNĐQG đã và đang nhằm mục đích khuyến khách các DNĐQG đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người cũng như làm rõ trách nhiệm phòng tránh và giải quyết các tác động bất lợi từ quá trình hoạt động của các doanh nghiệp này”. Như vậy, có thể thấy nguồn lực con người được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác: vốn tiền tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên. Pháp luật về lao động của Việt Nam cũng đã cụ thể hóa rất nhiều biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh “bình thường mới” sau đại dịch Covi-19 (sự kiện Bất Khả Kháng), Nhà nước cần xem xét điều chỉnh một cách mềm dẻo có thời hạn để đảm bảo việc duy trì thu nhập ổn định và thường xuyên cho người lao động như quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải trích lập khoản dự phòng về phân bổ quỹ lương cho người lao động để đối phó với tình huống Bất ngờ, Sự kiện Bất Khả Kháng và Trở ngại khách quan xảy ra một cách khách quan mà doanh nghiệp không thể lường trước được. Ngoài ra, cần xem xét điều phối các khoản lãi vay quá hạn, lãi suất phạt quá hạn của các Ngân hàng thương mại (NHTM)…mà nhiều doanh nghiệp phải gánh chịu như một chi phí chính yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến việc không có lợi nhuận bởi suy cho cùng thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và NHTM là quan hệ “cộng sinh” chứ không phải là mối quan hệ để một bên thì luôn có báo cáo lãi khủng, bên còn lại đâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Ngoài ra, để lấp đầy những “khoảng trống” sau tết mà người lao động gặp phải, cũng cần lắm sự kích hoạt các quỹ về việc tạo công ăn việc làm để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống sau tết. Sự ổn định cuộc sống của người lao đồng cũng đồng nghĩa với việc góp phần thực hiện các mục tiêu KPI cho doanh nghiệp – là chủ thể có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Luật sư Phan Khắc Nghiêm – Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế

Nguồn: https://baomoi.com/khoang-trong-sau-tet-c48320069.epi

Mới cập nhật

Cùng chủ đề