Hợp đồng là một loại quyền lợi không có hạn định, khác với quyền đối vật, do được tạo lập nên bởi ý chí của các bên giao kết. Tuy nhiên người ta có thể phân loại hợp đồng dựa trên một số tiêu chí nhất định để thiết lập các quy chế pháp lý thích hợp cho từng loại do các đặc điểm riêng của loại hợp đồng đó đòi hỏi. Vì vậy, bất kỳ pháp luật của nước nào cũng phân loại hợp đồng theo nhiều cách thức khác nhau dựa theo nhiều tiêu chí hay căn cứ khác nhau. Tuy nhiên, các phân loại hợp đồng thường không được quy định đầy đủ, kể cả nhắc tên, trong các Bộ luật Dân sự (BLDS) hoặc các đạo luật về hợp đồng của các nước trên thế giới. Trong số các loại hợp đồng được phân loại theo khoa học pháp lý, có một cặp phân loại là “hợp đồng cá nhân và hợp đồng cộng đồng”. Loại hợp đồng cộng đồng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tổ chức đời sống của con người và được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau mà pháp luật thực định của các nước không thể bỏ qua, như: thỏa ước lao động tập thể, nghị quyết của hội đồng trong các pháp nhân, nghị quyết của hội nghị chủ nợ, hương ước… Nhưng thông thường, các văn bản pháp luật không đưa ra các quy tắc chung về chúng và không nhóm chúng trong cùng một phân loại để gọi là hợp đồng cộng đồng. Cho đến ngày nay, vẫn có nhiều ý kiến không chấp thuận loại hợp đồng cộng đồng bởi sự phức tạp, vừa chuyên sâu và vừa trải rộng của nó, và bởi nó có phần trái với nguyên tắc chung của luật hợp đồng, nhất là nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng.
Hợp đồng là một phương tiện quan trọng giúp con người thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt, các toan tính làm ăn, và là một phương thức quan trọng để thực hiện sự hợp tác, chia sẻ và kiềm chế, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ hòa bình và ổn định[1]. Hợp đồng được xem là một nguồn gốc quan trọng của nghĩa vụ xét về mặt pháp lý và có mục đích làm tạo lập, thay đổi hay chấm dứt một quyền lợi[2]. Nó là một hành vi thường xuyên được bắt gặp trong đời sống pháp luật và được xem là điều kiện tiên quyết để đi sâu vào các chuyên ngành luật kinh doanh, thương mại hay lao động, thậm chí cả luật hôn nhân và gia đình[3]. Hợp đồng được biết đến như một giao dịch không thể thiếu của một thành viên trong một xã hội có tổ chức[4].
Hợp đồng được quan niệm chung là sự thống nhất ý chí hay sự thỏa thuận mà theo đó làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật nghĩa vụ[5]. Nguyễn Ngọc Khánh – dường như phân tích từ lý luận chung về nhà nước và pháp luật của truyền thống Sovietique Law – đã cho rằng, hợp đồng là một phạm trù đa nghĩa xuất phát từ việc xem nó là căn cứ, là “sự kiện pháp lý – giao dịch dân sự” nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ, hay xuất phát từ việc xem nó chính là quan hệ pháp luật (nghĩa vụ hợp đồng) phát sinh từ “sự kiện pháp lý – giao dịch dân sự” đó, hoặc xem nó là hình thức ghi nhận quyền và nghĩa vụ các bên dưới dạng văn bản[6]. Đây là quan niệm chưa thật rành mạch vì có sự trộn lẫn các tiêu chí phân loại và các cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu khoa học pháp lý. Tổng kết các nghiên cứu về hợp đồng và các quy định của luật thực định về hợp đồng, học giả Pháp Corinne Renault-Brahinsky có tóm tắt rằng: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên làm phát sinh một hệ quả pháp lý đặc biệt: Hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ”[7]. Nhận định này có thể được xem là phản ánh nhận thức chung của các học giả ở các truyền thống Civil Law và Soviettique Law.
Ở nước Anh, theo truyền thống Common Law, các luật gia cũng có quan niệm về hợp đồng không khác biệt với các luật gia ở các nước theo các truyền thống Civil Law và Soviettique Law. Abdul Kadar, Ken Hoyle và Geoffrey Whitehead nhận định mang tính tổng kết rằng: “Toàn bộ nền tảng của luật hợp đồng là sự thỏa thuận. Cụ thể, một hợp đồng là một sự thỏa thuận đem lại cho nó những nghĩa vụ mà bị cưỡng bức thi hành bởi các tòa án”[8]. Sir William R. Anson (một học giả nổi tiếng của Anh về luật hợp đồng) nói rằng “Chúng ta có thể tạm thời định nghĩa luật hợp đồng là một ngành luật xác định các hoàn cảnh và điều kiện mà tại đó một lời hứa bị ràng buộc pháp lý đối với người đưa ra lời hứa đó”[9]. Như vậy, giống với các truyền thống pháp luật khác, Common Law cũng thừa nhận hợp đồng có bản chất là sự cam kết có hiệu lực pháp lý và dẫn tới luật hợp đồng có tính chất cấp hiệu lực cho các lời hứa đó và ngăn cản những lời hứa bất lợi cho xã hội. Về vấn đề này, có học giả Việt Nam khẳng định rằng luật hợp đồng khác với các ngành luật khác và bao gồm các đặc điểm như: (1) Luật hợp đồng mang tính chất luật tư điển hình; (2) luật hợp đồng là một luật hỗ trợ; và (3) luật hợp đồng là một luật không đầy đủ[10]. Vì vậy, luật hợp đồng dù của bất kỳ nước nào cũng bao gồm một số nguyên lý về các vấn đề như: các nguyên tắc nền tảng của hợp đồng; phân loại hợp đồng; giao kết hợp đồng (đề nghị giao kết hợp đồng, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng vô hiệu); hiệu lực của hợp đồng; vi phạm hợp đồng; chế tài đối với vi phạm hợp đồng; chấm dứt hợp đồng…
Với vị trí, vai trò và ý nghĩa như vậy, hầu hết các nền tài phán đều mong muốn kiểm soát hoặc quy định một cách đầy đủ có thể về hợp đồng bởi pháp luật. Vì vậy mong muốn kiểm soát hay thiết lập những quy tắc chung về hợp đồng cộng đồng không phải là mong muốn quá xa.
Khái niệm hợp đồng cộng đồng được Vũ Văn Mẫu định nghĩa là những hợp đồng có hiệu lực đối với một số rất đông người mặc dù họ không giao kết hợp đồng này. Vũ Văn Mẫu đã chỉ ra các đặc trưng của loại hợp đồng này, và phân tích khái quát về vai trò và ý nghĩa của từng loại nhỏ của loại hợp đồng này đối với xã hội[11]. Ngô Huy Cương cũng nhận thức về khái niệm hợp đồng cộng đồng như vậy, nhưng đã nói rõ thêm rằng, trong số đông người không tham gia giao kết hợp đồng, có thể có cả những người không nhất trí, nhưng hợp đồng này vẫn có hiệu lực đối với họ, và đã phân tích sâu hơn một số đặc điểm của loại hợp đồng này[12]. Như vậy hợp đồng cộng đồng đã đi ra ngoài ranh giới của nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng.
Hợp đồng có hiệu lực tương đối mà người ta khái quát thành nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng được thừa nhận ở tất cả các hệ thống pháp luật và được phản ánh trong tất cả các văn bản pháp luật về hợp đồng và các công trình nghiên cứu của các học giả về hợp đồng. Hiệu lực tương đối của hợp đồng có nghĩa là hợp đồng chỉ ràng buộc đối với: (1) người giao kết hợp đồng nhân danh mình và vì lợi ích của mình; (2) người được đại diện; (3) người thừa kế của các bên giao kết hợp đồng[13]. Tuy nhiên ngày nay, người ta cũng đã thừa nhận vấn đề hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. David M. Summers nói rằng, theo truyền thống thì yêu cầu của nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng (privity) ngăn cản người thứ ba thi hành hợp đồng mà trong hợp đồng đó người này không phải là một bên; nhưng ngày nay, tòa án đã chấp nhận trong một vài trường hợp cho người thứ ba thi hành hợp đồng được lập ra vì lợi ích của họ[14]. Trong một công trình của mình, Ngô Huy Cương cho rằng, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba không phải là một loại hợp đồng mà là một ngoại lệ của hiệu lực tương đối của hợp đồng và chế định này có nhiều tên gọi như “hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” hay “giao kết giao kết hợp đồng cho người thứ ba” hay cấu ước cho tha nhân[15]. Lợi ích của người thứ ba có thể rõ ràng hay ngầm hiểu và có thể bao gồm cả quyền loại trừ hay hạn chế trách nhiệm được quy định trong hợp đồng[16].
Hợp đồng cộng đồng có những đặc điểm sau:
(1) Hợp đồng cộng đồng liên quan đến nhiều người trong một hoặc nhiều cộng đồng nhất định;
(2) Hợp đồng cộng đồng có hiệu lực đối với tất cả các thành viên trong một hoặc nhiều cộng đồng nhất định có liên quan, thậm chí có hiệu lực đối với cả những thành viên khác ngoài cộng đồng hoặc các cộng đồng đó;
(3) Yếu tố ý chí của các thành viên bị hợp đồng ràng buộc không phải là yếu tố cần thiết và được xem xét.
(4) Người trực tiếp giao kết nhân danh cộng đồng hoặc các cộng đồng.
Như vậy hợp đồng cộng đồng có nhiều điểm khác biệt với những loại hợp đồng truyền thống khác mà khiến cho lý thuyết chung về hợp đồng không thể bao quát. Vấn đề này lý giải cho lý do tại sao các BLDS được ban hành ở thế kỷ XIX không đề cập tới phân loại hợp đồng cộng đồng trong đó. Ngày nay, hợp đồng cộng đồng có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn khiến cho người ta không thể bỏ qua nó.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, mặc dù BLDS năm 2015 không đề cập tới hợp đồng cộng đồng, nhưng các đạo luật như Bộ luật Lao động năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Phá sản năm 2014 đều có các quy định chi tiết về hợp đồng cộng đồng. Hợp đồng cộng đồng có nhiều đặc điểm khác biệt với các loại hợp đồng khác, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong đời sống xã hội hiện đại, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại mà các đạo luật chuyên ngành lại không thể không có các quy định chi tiết về các loại hợp đồng cộng đồng chuyên biệt do chính lĩnh vực chuyên môn pháp lý đó đòi hỏi. Nhưng các quy định trong các đạo luật đó lại không có một ý niệm thống nhất, không quan niệm đó là một loại hợp đồng bởi không có khái niệm và nguyên tắc cơ bản được đưa ra trong BLDS năm 2015 – một bộ luật nền tảng của luật tư. Do đó thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan dễ gặp phải những khó khăn nhất định.
Trong thực tiễn xét xử hiện nay ở Việt Nam, các tranh chấp liên quan tới hợp đồng cộng đồng thiếu đường lối giải quyết để bảo đảm sự thống nhất và cũng thiếu ý tưởng nền tảng để có thể đưa ra được án lệ khả dụng. Trong khi đó, chưa có một công trình nghiên cứu nào có tính bao quát hay cơ bản về hợp đồng cộng đồng ở Việt Nam. Các giáo trình giảng dạy pháp luật nói chung và hợp đồng nói riêng rất hiếm khi nhắc tới thuật ngữ “hợp đồng cộng đồng”, lại càng ít nói tới lý luận về hợp đồng cộng đồng.
Tóm lại, nhận thức chung về loại hợp đồng này còn nhiều hạn chế về phương diện lý luận bởi thiếu sự khái quát hóa. Hệ quả là các quy định về các dạng cụ thể của hợp đồng cộng đồng vẫn có những khiếm khuyết liên quan tới vấn đề phân loại và tính đồng bộ, đồng thời gây khó khăn cho thực tiễn tư pháp bởi thiếu gợi ý các giải pháp tổng thể về loại hợp đồng này.
Corinne Renault-Brahinsky đưa ra định nghĩa về hợp đồng cộng đồng nhưng không có gợi ý gì thêm[17]. Định nghĩa này chưa nêu chỉ một đặc trưng cơ bản về mặt hiệu lực của loại hợp đồng này liên quan tới những người phải chịu sự tác động của hợp đồng. Tuy nhiên, định nghĩa cho thấy một trường hợp quan trọng là hợp đồng dù giao kết nhân danh một nhóm nhưng cũng có thể có hiệu lực với những người ngoài nhóm đó. Walter H.E. Jaeger đã giới thiệu các học thuyết của Common Law liên quan tới quan niệm về hợp đồng cộng đồng (thỏa ước lao động tập thể), thậm chí cả học thuyết xem đó không phải là hợp đồng trong công trình nghiên cứu mang tên “Collective Labor Agreements and the Third Party Beneficiary” đăng tải trên Boston College Law Review. Công trình này đã phân tích khá sâu sắc tính chất đặc biệt về hiệu lực của loại hợp đồng này thông qua các học thuyết và các án lệ[18]. Một số học giả của truyền thống Common Law cũng nhắc đến việc nhiều nhà phê bình không xem hợp đồng cộng đồng là một phần của lý thuyết chung của hợp đồng[19].
Hiện nay ở Việt Nam, hương ước, được xem là một loại hợp đồng cộng đồng. Điều đó khiến cho hương ước có thể phát huy được tác dụng đối với đời sống của làng xã ở nông thôn Việt Nam[20]. Ngô Huy Cương đã đưa ra những quan niệm pháp lý cho rằng: thoả ước lao động tập thể; hiệp thương giữa giới chủ và giới thợ; hợp đồng trong pháp nhân (Chẳng hạn: Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần; Nghị quyết của Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn…) hoặc pháp nhân giao kết với người thứ ba; các Nghị quyết của hội nghị chủ nợ nên được xem là các hợp đồng cộng đồng, và có kiến nghị về định nghĩa hợp đồng cộng đồng, cũng như hiệu lực của loại hợp đồng này[21].
Hợp đồng cộng đồng xét về mặt học thuật là một vấn đề pháp lý khá sâu nhưng lại trải rộng trong nhiều ngành luật khác nhau. Hơn nữa, việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hợp đồng cộng đồng ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề pháp lý đòi hỏi một khối lượng tri thức không nhỏ. Các nội dung nghiên cứu về vấn đề này không chỉ bao gồm các vấn đề liên quan trực tiếp tới loại hợp đồng này trong luật dân sự, mà còn bao gồm các vấn đề pháp lý chung và của các chuyên ngành pháp luật khác.
Hợp đồng là một chế định trung tâm của bất kỳ hệ thống pháp luật nào. Khác với một số chế định khác của luật dân sự, hợp đồng không mấy khác nhau ở các nước khác nhau. Nhu cầu giao lưu quốc tế làm phát sinh vấn đề nhất thể hóa pháp luật hợp đồng. Thực tế, có nhiều điều ước quốc tế thống nhất pháp luật hợp đồng trong nhiều quốc gia thành viên. Tuy nhiên vấn đề phân loại hợp đồng và nhất là là phân loại hợp đồng cộng đồng ít khi được đề cập đến trong nhất thể hóa luật hợp đồng. Hơn nữa, việc pháp điển hóa luật hợp đồng cũng có những khác biệt giữa các nước, ngay cả ở những nước theo truyền thống Civil Law. Trong khi đó, hợp đồng cộng đồng không có sự gắn bó với lý thuyết chung về hợp đồng và sự phát triển nó còn phụ thuộc vào yếu tố kinh tế, xã hội.
Từ các nghiên cứu ở trên, có thể kết luận việc bổ sung các quy định về hợp đồng cộng đồng vào BLDS năm 2015 là rất cần thiết, nhưng mặt khác phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng về các yếu tố hài hòa với lý thuyết chung về hợp đồng, hài hòa với các quy định của các đạo luật chuyên ngành có các quy định cụ thể về các loại hợp đồng cộng đồng cụ thể, đồng thời cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Ít nhất BLDS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại hợp đồng mà trong đó có bổ sung các quy định phân loại hợp đồng cộng đồng, đồng thời bổ sung các ngoại lệ của nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng và các quy tắc chung về hợp đồng cộng đồng để làm nền tảng lý luận cho việc đồng bộ hóa luật tư./.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10, kỳ 2 tháng 5/2018
[1] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 7 – 9.
[2] Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân Luật luợc khảo, Quyển II – Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất – Nguồn gốc của nghĩa vụ, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 55 – 56.
[3] Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết, Nguyễn Hồ Bích Hằng (2007), Luật dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 304.
[4] Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận các hợp đồng thông dụng trong luật dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 5.
[5] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Sđd, tr. 12; Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân Luật luợc khảo, Quyển II – Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất – Nguồn gốc của nghĩa vụ, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 56; Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận các hợp đồng thông dụng trong luật dân sự Việt Nam, Sđd, tr. 6; Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết, Nguyễn Hồ Bích Hằng (2007), Luật dân sự Việt Nam, Sđd, tr. 310; Nguyễn Ngọc Khánh (2007), Chế định hợp đồng trong BLDS Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 49.
[6] Nguyễn Ngọc Khánh (2007), Chế định hợp đồng trong BLDS Việt Nam, Sđd, tr. 49 – 50.
[7] Corinne Renault-Brahinsky (2002), Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr. 4.
[8] Abdul Kadar, Ken Hoyle, Geoffrey Whitehead (1985), Business Law, Heinemann, London, p. 83.
[9] Sir William R. Anson (1964), Principles of the English Law of Contract and of Agency in its Relation to Contract, Oxford University Press, Great Britain, p. 3.
[10] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Sđd, tr. 132 – 141.
[11] Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân Luật luợc khảo, Quyển II – Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất – Nguồn gốc của nghĩa vụ, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 69 – 71.
[12] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Sđd, tr. 214 – 217.
[13] Corinne Renault-Brahinsky (2002), Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr. 93.
[14] David M. Summers (1982), Third Parties Beneficiaries and the Restatement (Second) of Contracts (pp. 880 – 899), Cornell Law Review, Volume 67, Issue 4 April 1982, p. 880.
[15] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Sđd, tr. 387 – 389.
[16] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Sđd, tr. 389.
[17] Corinne Renault-Brahinsky (2002), Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr. 26.
[18] Walter H.E. Jaeger (1960), “Collective Labor Agreements and the Third Party Beneficiary” (pp. 125 – 150), Boston College Law Review, Volume 1, Issue 2, 4/1/1960.
[19] Xem John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald (1993), Quebec Civil Law – An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, p. 398.
[20] Phạm Quang Huy (2016), Bình luận hương ước theo giác độ luật hợp đồng, Tạp chí Luật học, Số 4/2016, tr. 48 – 49.
[21] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Sđd, tr. 214 – 217.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp |