1. Đặt vấn đề
Quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật DN) đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; bởi vì, trong giai đoạn hội nhập và đổi mới hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế, làm phát sinh nhiều nhu cầu giao dịch nhằm thực hiện các hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh… mà một người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp không thể đảm nhận hết các vai trò quan trọng này.
Tuy nhiên, nếu quy định nêu trên không được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thống nhất, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực khởi kiện vụ án; bởi các lẽ sau:
– Luật DN không có quy định cụ thể về thủ tục khởi kiện vụ án đối với các doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, mà chỉ có quy định chung chung là :“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân… đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án…” (khoản 1 Điều 13) và “…Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” (khoản 2 Điều 13).
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng không có quy định và hướng dẫn cụ thể về thủ tục khởi kiện vụ án đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật; mà chỉ quy định chung chung là “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án…” (Điều 186), “Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án” (khoản 3 Điều 189)…
Do Luật DN và các văn bản pháp luật về tố tụng dân sự chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về thủ tục khởi kiện vụ án đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, nên về vấn đề này đang có các quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng:
Tại khoản 1 Điều 13 Luật DN quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân… đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án…”, nên đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, bất cứ người đại diện theo pháp luật nào cũng có quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng:
Tại khoản 2 Điều 13 Luật DN quy định:“…Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”,do đó, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chỉ người nào được Điều lệ công ty quy định có quyền khởi kiện vụ án thì người đó mới có quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án; nếu Điều lệ công ty không có quy định người có quyền khởi kiện vụ án thì tất cả những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng phải có văn bản ủy quyền cho một người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án.
2. Vướng mắc trong thực tiễn
Do còn có quan điểm khác nhau như trên nên trong thực tiễn đã có trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật gặp khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục khởi kiện vụ án; cụ thể là vụ việc sau đây:
– Việc khởi kiện vụ án của Tổng công ty LN:
Tổng công ty LN là Công ty cổ phần và là cổ đông của Công ty cổ phần LS.
Tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty LN có quy định hai người đại diện theo pháp luật là:
– Ông CVT là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị;
– Ông PVC là Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc.
– Các quyết định của bất cứ người đại diện theo pháp luật nào đều có giá trị thực hiện nhân danh Tổng công ty.
Ngày 21/9/2016 Tổng công ty LN làm thủ tục khởi kiện yêu cầu TAND quận H ra quyết định hủy bỏ một phần Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần LS; hồ sơ khởi kiện gồm có:
– Đơn khởi kiện có chữ ký của Tổng giám đốc PVC, có đóng dấu của Tổng công ty LN;
– Giấy ủy quyền của Tổng giám đốc PVC ủy quyền cho bà VMT, đại diện cho Tổng công ty LN tham gia tố tụng tại Tòa án;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tổng công ty LN, trong đó xác định Tổng công ty có hai người đại diện theo pháp luật là ông CVT (Chủ tịch Hội đồng quản trị) và ông PVC (Tổng giám đốc).
– Một số tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
Việc Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của Tổng công ty LN:
Ngày 18/10/2016, TAND quận H thụ lý đơn khởi kiện của Tổng công ty LN.
Ngày 26/10/2016, TAND quận H có Thông báo số 287/TBBS-ĐKK gửi Tổng công ty LN về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, trong đó có nội dung:
“… Làm lại đơn khởi kiện: Tiêu đề kính gửi: Tòa án nhân dân quận H, bổ sung chữ ký của người đại diện theo pháp luật (ông CVT) tại đơn khởi kiện và văn bản ủy quyền cho bà VMT hoặc văn bản đồng ý với nội dung đơn khởi kiện và văn bản ủy quyền do ông PVC ký…”
(Sau đó, Tổng công ty LN đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo hướng dẫn).
Có thể thấy, việc TAND quận H giải quyết yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty LN là theo quan điểm thứ hai, vì đã cho rằng Điều lệ và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tổng công ty LN quy định hai người đại diện theo pháp pháp luật (là Chủ tịch Hội đồng quản trị CVT và Tổng giám đốc PVC), mà không có quy định cụ thể người nào có quyền khởi kiện vụ án, nên chỉ một Tổng giám đốc PVC ký đơn khởi kiện là không hợp lệ, mà còn cần phải có sự ủy quyền bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị CVT nữa.
3. Nhận xét
Theo nhận xét của chúng tôi, cả hai quan điểm về thủ tục khởi kiện vụ án đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật nêu trên đều xuất phát từ nhận thức và vận dụng quy định của Luật DN. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào hoạt động của các doanh nghiệp trong thực tiễn, có thể thấy quan điểm thứ nhất là phù hợp, còn quan điểm thứ hai có phần máy móc và sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp; bởi vì, việc doanh nghiệp khởi kiện vụ án là quan hệ tố tụng giữa Tòa án với các đương sự của vụ án (được điều chỉnh bởi BLTTDS), khác hoàn toàn với quan hệ về dân sự, kinh doanh thương mại và lao động – vốn là các mối quan hệ chủ yếu, thường xuyên và hết sức quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp (được điều chỉnh bởi Luật DN và các luật chuyên ngành có liên quan):
+ Về quan hệ tố tụng, tại BLTTDS (mà phạm vi điều chỉnh là quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…(Điều 1 BLTTDS 2015)) có quy định: đơn khởi kiện của doanh nghiệp phải do người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký tên và có đóng dấu doanh nghiệp (khoản 3 Điều 189), sau khi Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện vụ án đương sự có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện(khoản 4 Điều 70).
Như vậy, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chỉ cần một trong số những người đại diện theo pháp luật ký tên và có đóng dấu doanh nghiệp trong đơn khởi kiện là thủ tục khởi kiện vụ án hợp lệ và Tòa án phải thụ lý để giải quyết, trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện vụ án của doanh nghiệp rồi, nếu doanh nghiệp thấy yêu cầu khởi kiện chưa đúng hoặc không cần thiết khởi kiện, thì doanh nghiệp vẫn có quyền chủ động làm thủ tục thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện mà không bị bất cứ sự ràng buộc nào về mặt pháp lý. Do đó, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, Điều lệ công ty không cần thiết phải quy định cụ thể một người nào đó mới được quyền đại diện cho doanh nghiệp khởi kiện vụ án.
Mặt khác, nếu doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật buộc phải quy định cụ thể trong Điều lệ công ty là chỉ một người nào đó mới được quyền khởi kiện vụ án và chỉ khi người này thực hiện thủ tục khởi kiện thì việc khởi kiện vụ án mới được Tòa án chấp nhận, là rất bất cập; vì như vậy sẽ có rất nhiều trường hợp người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án nhưng lại không có hiểu biết về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực có tranh chấp (do có nhiều trường hợp người được quyền khởi kiện vụ án theo quy định tại Điều lệ công ty lại không phải là người có thẩm quyền phụ trách điều hành lĩnh vực xảy ra tranh chấp mà doanh nghiệp khởi kiện).
+ Về các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại và lao động, khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tham gia giao kết hợp đồng là đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ về tài sản của các bên; nếu hợp đồng có hiệu lực pháp luật, bên nào vi phạm hợp đồng sẽ phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho bên kia.
Chính vì vậy, Luật DN (mà phạm vi điều chỉnh là quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp…(Điều 1 Luật DN 2014), khi quy định: doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật (nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau), thì đồng thời cũng có quy định: Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật có thể nại ra lý do hợp đồng vô hiệu vì người đại diện cho doanh nghiệp tham gia giao kết hợp đồng không có thẩm quyền quản lý và điều hành trong lĩnh vực đã giao kết, để từ chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại).
Như vậy, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, Điều lệ công ty buộc phải có quy định cụ thể từng người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền quản lý và điều hành trong từng lĩnh vực hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh… và khi những người này đại diện cho doanh nghiệp giao kết hợp đồng trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền được Điều lệ công ty quy định thì hợp đồng có hiệu lực pháp luật (trừ trường hợp hợp đồng bị vô hiệu vì lý do khác); còn nếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được Điều lệ công ty quy định có thẩm quyền quản lý và điều hành trong lĩnh vực hoạt động này, nhưng lại đại diện cho doanh nghiệp giao kết hợp đồng trong lĩnh vực khác, thì giao dịch đó không có hiệu lực pháp luật.
Từ nhận xét như trên, để việc khởi kiện vụ án được giải quyết thống nhất theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cùng các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về thủ tục khởi kiện đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, theo hướng sau đây:
Đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật nào có tên trong Điều lệ công ty cũng được quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Nguồn: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
Vấn đề này đã có cơ sở pháp lý để giải quyết:
Điều 85.1 và 85.2 BLTTDS năm 2015:
1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Điều 4.3 BLDS năm 2015:
Trường hợp luật khác có liên quan không quy định thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
Điều 137.2 BLDS năm 2015:
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.
Điều 141.2 BLDS năm 2015:
Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện (theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, điều lệ của pháp nhân hoặc quy định khác của pháp luật) thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.