Gia tăng số vụ tranh chấp Hợp đồng thương mại quốc tế

Theo thông tin từ buổi hội thảo “Việt Nam gia nhập công ước của Liên Hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)” do Bộ Công Thương và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu tổ chức tại TPHCM ngày 1 tháng 11 cho biết trong số 73 vụ tranh chấp thương mại mà Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) giải quyết trong 9 tháng đầu năm 2013, có tới 50 vụ là tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế, chiếm tỷ lệ 70%.

Gia tăng số vụ tranh chấp Hợp đồng thương mại quốc tế

Trong số các vụ tranh chấp, có đến 79% trường hợp có yếu tố liên quan đến nước ngoài, phát sinh chủ yếu do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác ký kết quá đơn giản và sơ sài, các hợp đồng ký kết thường thiếu các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Luật sư Phan Khắc Nghiêm – chuyên gia về đàm phán thương mại quốc tế cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nước ngoài đã nhiều năm nhưng đa số vẫn chưa có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp đang buôn bán làm ăn quốc tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ năng đàm phán hợp đồng.

Vì vậy, Việt Nam cần sớm tham gia Công ước của Liên hiệp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) để hỗ trợ doanh nghiệp trong các giao dịch buôn bán quốc tế. Với những quốc gia đã là thành viên của CISG, vấn đề tranh chấp thương mại sẽ được giải quyết dễ dàng hơn, dựa trên những quy định rõ ràng của CISG. Khi Việt Nam gia nhập CISG, các đối tác nước ngoài sẽ không thể chèn ép, bắt các doanh nghiệp trong nước áp dụng luật nước họ hoặc luật nước ngoài.

Bên cạnh đó, khi gia nhập công ước này, doanh nghiệp còn tiết kiệm thời gian đàm phán, không còn ở thế bị động trong đàm phán. Các trọng viên viên khi giải quyết tranh chấp cũng có đầy đủ có sở pháp lý để xem xét và giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. “Ngoài ra, khi phán quyết được đưa ra theo những quy định của Công ước CISG cũng dễ dàng được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài khi giải quyết các tranh chấp”, Ls Nghiêm phân tích.

Theo (VIAC), từ năm 1993 cho đến nay, số lượng các vụ tranh chấp do VIAC giải quyết ngày càng gia tăng, đạt gần 1.000 vụ; trong đó 70% là tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế, và 70% trong số này là các tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các vụ tranh chấp mà VIAC giải quyết.

@NPKlaw.com