Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016

Việc thông qua dự thảo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu là cần thiết trong thời điểm này bởi trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh (như miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, thuế phòng vệ thương mại,…); đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP khi được Quốc hội thông qua, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết. Đồng thời, Cơ quan soạn thảo đã rà soát đưa vào Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) các nội dung của Hiệp định, đảm bảo phù hợp với nội dung Hiệp định TPP (như thuế xuất khẩu ưu đãi, tiền thuế tối thiểu không thu, miễn thuế đối với hàng mẫu không có giá trị thương mại, ấn phẩm quảng cáo,…).

Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có một số ý kiến đề nghị luật hóa đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

Giải trình và tiếp thu ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối vào Điều 2 của dự thảo Luật. Đồng thời, để bao quát, xử lý toàn diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bổ sung vào Điều 2 của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Về thời hạn nộp thuế, có ý kiến đề nghị bỏ đoạn cuối khoản 1 Điều 9 cụm từ “trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan Hải quan hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời hạn nộp thuế được tính từ ngày ra quyết định xử lý”.

Tiếp thu ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan Hải quan hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sau khi có quyết định xử lý trả lại hàng hóa, cơ quan Hải quan tiếp tục làm các thủ tục thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Do đó, thời hạn nộp thuế đối với trường hợp này là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không quy định nội dung này trong Dự thảo luật.

Về hoàn thuế, có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 19 các trường hợp là hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu nhưng phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu và hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các trường hợp về tái xuất hàng hóa đã nhập hoặc tái nhập các hàng hóa đã xuất được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19. Tuy nhiên, để đảm bảo rõ ràng, Ủy ban Thường vụ xin Quốc hội tách điểm a khoản 1 Điều 19 thành 3 điểm về các trường hợp được hoàn thuế.

Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) gồm có  5 chương và 22 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Theo Quochoi.vn