Đừng quên khái niệm chi phí toàn bộ

Cuộc hội thảo về Phát triển Bền vững ở Nam Phi gần đây đã nêu rõ thực tế rằng trong nỗ lực đạt mức tăng trưởng cao, các nước đã quên đi cái giá của mục tiêu này là sự tổn hại đối với môi trường. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải làm gì để đảo ngược xu hướng trên và tại sao thị trường không thể phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả.

Đừng quên khái niệm chi phí toàn bộ

Câu trả lời nằm trong sự hiểu biết về khái niệm ngoại tác. Ngoại tác xảy ra khi một số chi phí (ngoại tác tiêu cực) hay lợi ích (ngoại tác tích cực) của việc sử dụng một nguồn lực rơi vào các cá nhân hay các nhóm không tham gia vào giao dịch thị trường.

Một ví dụ đơn giản về ngoại tác tiêu cực là mức độ ô nhiễm và tiếng ồn do số lượng xe gắn máy gia tăng quá nhanh. Các yếu tố tiêu cực trên ảnh hưởng đến mọi người dù họ có xe máy hay không. Do đó, chi phí toàn bộ của một xe gắn máy không được phản ánh đầy đủ trong mức giá mà người tiêu dùng trả.

Trong khi các quyết định của người tiêu dùng dựa vào giá thị trường (chi phí tư nhân), thì các nguồn lực chỉ được phân bổ một cách hiệu quả nếu xét chi phí toàn bộ tức là chi phí tư nhân cộng thêm chi phí xã hội.

Do tổng chi phí lớn hơn chi phí thể hiện trên thị trường, nên các nguồn lực có xu hướng được phân bổ quá mức. Vì vậy, nếu càng có nhiều xe máy được mua thì xã hội càng phải gánh chịu những hiểm họa về môi trường.

Việc tái phân bổ nguồn lực để phản ánh chính xác hơn toàn bộ chi phí của sản phẩm là một vấn đề đang được các nhà hoạch định chính sách tranh luận. Bài viết kế tiếp sẽ nói rõ hơn về các giải pháp mang tính kinh tế.