Chính sách tiền tệ là một biện pháp bất kỳ do ngân hàng trung ương thực hiện nhằm tác động lên mức độ hoạt động kinh tế. Mục tiêu hàng đầu của ngân hàng trung ương ở nhiều nước là kiểm soát lạm phát và giám sát hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động của cơ quan này cũng ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của nền kinh tế, như mức GDP thực, thất nghiệp và tỉ giá hối đoái.
Ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ gần đây đều đã hạ mức lãi suất cho vay cơ bản. Lý do là các nền kinh tế này có tăng trưởng GDP yếu kém. Thông thường việc hạ lãi suất (tương ứng với tăng cung tiền) sẽ giúp cung cấp thêm nhiều tín dụng với giá rẻ hơn, từ đó kích thích đầu tư khu vực tư nhân và thúc đẩy GDP tăng nhanh hơn. Hành động này được gọi làchính sách tiền tệ mở rộng. Nếu nền kinh tế có tổng cầu (tăng trưởng GDP) yếu, việc thực hiện một chính sách tiền tệ mở rộng là hợp lý. Tuy nhiên, có quá nhiều tiền được đưa vào lưu hành có thể làm tăng các mức giá. Do đó, việc áp dụng chính sách tiền tệ phải được hạn chế sao cho lạm phát được giữ ở mức thấp, nhưng cũng phải mở rộng đủ để đảm bảo lượng tín dụng cần thiết cho các ngành sản xuất có hiệu quả của nền kinh tế.
Ở Việt Nam trong thập niên qua, Ngân hàng Nhà nước nhìn chung đã duy trì một chính sách tiền tệ tương đối kiềm chế. Chính sách này đã thành công trong việc giảm lạm phát từ mức ba con số ở cuối thập niên 1980 xuống mức tương đối ổn như hiện nay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện một số cải cách khu vực tài chính bao gồm việc từng bước tự do hóa lãi suất. Trong khi tiến trình cải cách ngân hàng và tài chính vẫn tiếp tục ở Việt Nam, việc thực hiện chính sách tiền tệ cũng sẽ biến chuyển, dẫn đến một sự phân bổ tốt hơn các nguồn lực tài chính, cũng như sự cải thiện về hiệu quả chung của chính sách tiền tệ.