Chọn lựa mức sản lượng mang lại lợi nhuận tối đa

Các doanh nghiệp thường phải đối mặt với câu hỏi nên sản xuất bao nhiêu sản phẩm để đạt lợi nhuận tối đa. Câu trả lời dựa vào hai chỉ tiêu kinh tế quan trọng: chi phí biên và doanh thu biên.

Chọn lựa mức sản lượng mang lại lợi nhuận tối đa

Giả sử trên khoảnh đất một hecta, một bác nông dân bỏ ra chi phí 8 triệu đồng để trồng lúa và thu hoạch được 55 tạ. Giá lúa trên thị trường là 200 ngàn đồng/tạ. Để tăng sản lượng thêm một tạ, bác nông dân phải sử dụng thêm lao động và phân bón, nên tổng chi phí tăng thêm 140 ngàn đồng. Khoản tăng thêm này được gọi là chi phí biên của tạ lúa thứ 56, hay chi phí tăng thêm để sản xuất thêm một đơn vị sản lượng.

Nhưng nếu bác nông dân tăng sản lượng lên 57 rồi 58 tạ, chi phí phải bỏ ra cho mỗi tạ lúa tăng thêm này sẽ lần lượt là 200 ngàn đồng và 220 ngàn đồng. Sự gia tăng của chi phí biên là do các yếu tố đầu vào có năng suất biên giảm dần.

Mặt khác, giá bán của người nông dân là giá thị trường, mức giá này không thay đổi dù bác ta có sản xuất ở các mức sản lượng khác nhau. Do đó, giá lúa cũng chính là doanh thu biên mà bác nông dân nhận được nếu bán thêm một tạ lúa.

Cân đối giữa chi phí và doanh thu, bác nông dân thấy khi bán tạ lúa thứ 56 lợi nhuận tăng thêm 60 ngàn đồng; tạ lúa thứ 57 không làm thay đổi lợi nhuận; nhưng khi bán đến tạ lúa thứ 58 lợi nhuận bị giảm 20 ngàn đồng. Do đó, bác nông dân đạt lợi nhuận tối đa khi chi phí biên bằng doanh thu biên với mức sản lượng là 57 tạ lúa.