Thông tư 07/2016/TT-BTC được ban hành ngày 18/01/2016 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2016 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán. Đáng chú ý, Thông tư này quy định Công ty chứng khoán không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ 3.
Thông tư này tác động đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán như thế nào?
Tổng lượng tiền trên thị trường chứng khoán không đổi
Tổng giám đốc một Công ty chứng khoán cho biết, khác với Thông tư 36 là văn bản do Ngân hàng nhà nước ban hành và có tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán thông qua việc giảm nguồn vốn từ Ngân hàng thương mại, thì Thông tư 07 là văn bản do Bộ tài chính ban hành. Theo đó, TT07 chỉ tác động đến cơ chế giải ngân nguồn vốn, chứ không làm giảm lượng tiền trên TTCK.
Cụ thể, hoạt động cho vay ký quỹ (margin) trên thị trường hiện nay tồn tại dưới 2 hình thức.
Một là “margin chuẩn”, tức là hoạt động cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu nằm trong danh mục cho phép của UBCK và các sở GDCK. Hoạt động này chiếm gần 80% tổng margin trên thị trường. Ở dịch vụ này thì ưu thế thuộc về các CTCK lớn có vốn lớn (vốn tự có, huy động trái phiếu…) và quy mô cho vay lớn.
Hai là “margin dưới chuẩn”, tức là hoạt động cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu không nằm trong danh mục cho phép, hay cho vay vượt quá tỷ lệ 50%. Hoạt động này được thực hiện dưới dạng hợp đồng hợp tác 3 bên giữa NHTM, CTCK và nhà đầu tư, chiếm khoảng 20% tổng margin trên thị trường. Để cho vay “dưới chuẩn” như vậy, công ty chứng khoán có thể dùng tiền của mình hoặc của khách hàng để làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng, được thể hiện dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng.
Nhưng bên cạnh đó, hoạt động “margin dưới chuẩn” còn bao gồm cả những khoản vay mà ngân hàng tự giải ngân cho khách hàng bằng nguồn vốn của ngân hàng. Lãnh đạo trên tiết lộ, tại những Ngân hàng có CTCK là công ty con, thậm chí Ngân hàng không cần tài sản đảm bảo.
Và thông tư 07 chỉ tác động duy nhất đến phần cho vay dưới chuẩn được thực hiện qua hợp đồng 3 bên nói trên. Khi TT07 có hiệu lực, CTCK sẽ phải rút tiền gửi làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng về, nhưng số tiền này cũng sẽ được dùng để cho vay margin, theo một cách khác.
Công ty chứng khoán thay đổi cách giải ngân
Ban hành từ tháng 1/2016 nhưng TT07 dường như không có nhiều ảnh hưởng đến TTCK. Tới tận ngày thông tư có hiệu lực 15/03/2016 các chủ thể có liên quan mới thực sự điều chỉnh chính sách cho vay.
Một ý kiến khác cho biết, theo TT07, Ngân hàng tạm dừng giải ngân mới, đề nghị CTCK dần thu hồi các khoản giải ngân cũ. CTCK tạm dừng dịch vụ, đồng thời đề nghị khách hàng xem xét tất toán các khoản đã giải ngân để sớm kết thục hợp đồng hợp tác 3 bên.
Trước động thái của NHTM và CTCK thì khách hàng sẽ không được giải ngân mới, đồng thời phải chủ động cơ cấu bán bớt danh mục để hoàn trả tiền vay mua cổ phiếu cho CTCK và NHTM.
Hành động này sẽ làm hạn chế dòng tiền cho thị trường và phần nào đó làm gia tăng lượng cung trong ngắn hạn, khi đó thị trường sẽ bị tác động theo hướng bị hạn chế đà tăng và có thể có sự điều chỉnh kỹ thuật do lượng cung tăng lên trong khi dòng tiền hạn chế.
Tuy nhiên, với quy mô giao dịch hiện tại khoảng hơn 2.000 tỷ/phiên thì áp lực cơ cấu không lớn và sẽ không có hoạt động bán tháo nào xảy ra đây là sự chủ động của khách hàng, khác hoàn toàn so với việc bị bán bắt buộc như trường hợp call margin mà nhà đầu tư lo ngại.
Theo Tổng giám đốc của CTCK nói trên, trong trường hợp khẩu vị của nhà đầu tư thay đổi thì số tiền thu về từ hợp đồng hợp tác 3 bên sẽ quay về cho vay “chuẩn” thông qua việc tăng cường giải ngân vào các bluechips. Nếu vậy, đây sẽ là động lực nâng đỡ chỉ số.
Thứ 2, CTCK có thể chuyển tiền sang “công ty sân sau” bằng cách mua trái phiếu rồi công ty này sẽ gửi tiền làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng để giải ngân như hợp đồng 3 bên cũ.
Và điều quan trọng nhất vẫn là không làm thay đổi lượng tiền trên thị trường chứng khoán.
@NPKlaw.com