Giá và lượng cân bằng được quyết định bởi cung và cầu. Tuy nhiên, thị trường luôn bị biến dạng khiến cho giá và lượng trên thị trường thường bị chệch khỏi trạng thái cân bằng ban đầu. Đánh thuế là một nguyên nhân gây biến dạng.
Tiêu thụ xăng dầu thường bị đánh thuế đơn vị, ví dụ 200 đồng/lít. Mức thuế này tạo ra chênh lệch giữa giá mà người mua phải trả và giá mà người bán nhận được. Nếu người sử dụng xe máy trả 3.500 đồng/lít xăng, thì người chủ cây xăng sẽ nhận được 3.500 – 200 = 3.300 đồng/lít.
Trên đồ thị, cộng khoản thuế vào ta có đường cung mới nằm bên trên đường cung lúc không chịu thuế. Lượng tiêu thụ xăng dầu giảm từ Q* xuống Q’.
Ta có thể thấy cả người mua và người bán xăng dầu cùng chia nhau gánh nặng thuế. Với người mua, mức giá Pd cao hơn làm cho họ bị thiệt vì thặng dư tiêu dùng đã bị giảm một lượng bằng diện tích a + d. Với người bán xăng, mức giá Ps thấp hơn cũng khiến họ bị thiệt do phải chịu mất mát thặng dư sản xuất bằng diện tích b + c. Chính phủ thu được một khoản thuế tương đương diện tích a + b. Phần diện tích còn lại c + d là chi phí xã hội ròng. Theo quan điểm kinh tế thì đây là mất mát vô ích của khoản thuế.
Tuy nhiên, thuế không phải lúc nào cũng xấu. Thực ra, thuế là công cụ cần thiết khi một số hoạt động sản xuất và tiêu dùng không phản ánh được đúng các chi phí xã hội. Ta biết rằng tiêu dùng xăng dầu gây ra ô nhiễm. Thuế xăng dầu làm giảm lượng tiêu thụ và do vậy giúp giảm nhẹ vấn đề ô nhiễm môi trường.