SÁCH HAY: “QUẢN LÝ TRONG THẾ KỶ 21”

Tác giả Subir Chowdhury là một tác giả nổi tiếng trên thế giới đã đạt nhiều giải thưởng và là cố vấn trong lĩnh vực quản lý chất lượng. Cuốn Quản lý trong thế kỷ 21 của ông là cuốn sách hàng đầu về kinh doanh của nhà xuất bản Financial Times, được Amazon.com bình chọn là Cuốn sách hay nhất về kinh doanh của năm 1999 và được dịch ra hơn mười ngôn ngữ khác nhau. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về lãnh đạo trong ngành quản lý chất lượng và những đóng góp to lớn cho nhiều ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Phần lớn các trường cao đẳng và đại học chuyên ngành khoa học kỹ thuật và quản trị kinh doanh trên toàn thế giới đều sử dụng sách của ông trong chương trình giảng dạy của mình. Chowdhury thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ và trên toàn thế giới.

SÁCH HAY:

Hiện nay xã hội loài người đang phát triển với tốc độ chưa từng có. Để theo kịp thời đại và để trở thành những người đi tiên phong, mỗi chúng ta phải có khả năng đủ nhanh nhậy để nhận biết những thay đổi nào đang diễn ra và những xu hướng nào sẽ phát triển trong tương lai.

Quản lý và nghệ thuật quản lý đã, luôn và sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống. Để quản lý một thế giới không ngừng thay đổi, người quản lý, các quá trình quản lý và cách thức tổ chức sẽ phải khác hẳn. Đó chính là những nội dung chính được đề cập trong “Quản lý trong thế kỷ 21”. Cuốn sách đưa ra những ý tưởng và quan niệm hoàn toàn mới mẻ củaSubir Chowdhury và 26 nhà tư tưởng nổi tiếng khác trên toàn thế giới về những gì các tổ chức và lĩnh vực quản lý sẽ gặp phải trong tương lai.

Phần I: Người lãnh đạo trong thế kỷ 21
Để chuẩn bị cho một tương lai số hoá và toàn cầu hoá, nhà quản lý phải hiểu công việc quản lý của mình mang ý nghĩa khác hẳn: quản lý có tính chất đổi mới, nhiệt tình và có sức truyền cảm. Những thách thức trong thế kỷ 21 đòi hỏi người lãnh đạo phải có ước mơ và ý tưởng độc đáo, người biết truyền cảm xúc và trí tưởng tượng của mình cho những người xung quanh để khai thác “thiên tài tập thể”, người công nhận và biết cách khai thác những nghịch lý tất yếu của cuộc sống để thành đạt, người không ngừng học tập và đào tạo nhân viên để nâng cao khả năng cạnh tranh của tổ chức.

Phần II: Các quá trình trong thế kỷ 21
Đã đến lúc cần phải kêu gọi các nhà quản lý và tổ chức của họ đi theo một triết lý mới về quản lý, một triết lý làm cho hoạt động quản lý trở thành yếu tố có vai trò tích cực trong việc giải phóng tiềm năng to lớn của con người. Bối cảnh mới đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại các khái niệm và công cụ đã ăn sâu vào trong cách nghĩ của chúng ta về quản lý. Các quá trình quản lý trong thế kỷ 21 sẽ mang nhiều tính chất của hành vi ứng xử hơn và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề định hướng phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm, các công ty lớn trên toàn thế giới đã chi một phần không nhỏ lợi nhuận của mình cho việc đào tạo cán bộ điều hành và phát triển cán bộ lãnh đạo. Các tổ chức sẽ lựa chọn người lãnh đạo như thế nào? Quá trình nào biến nhà quản lý thành nhà lãnh đạo sẵn sàng cho mọi dự án? Kinh nghiệm của một số công ty và một số người giỏi nhất thế giới trong việc phát triển cán bộ lãnh đạo là gì? Bạn có thể tìm thấy đáp án trong phần II của cuốn sách.

Phần III: Tổ chức trong thế kỷ 21
Lịch sử phát triển của quản lý đã trải qua nhiều mô hình khác nhau. Nếu như ở thế kỷ 19, bộ máy quản lý thường phản ứng chậm chạp với yêu cầu của cổ đông, của khách hàng, người lao động và mô hình tổ chức hướng tới công việc chế tạo thì ở thế kỷ 20 bộ máy quản lý đã phản ứng nhanh với yêu cầu của khách hàng, mô hình tổ chức hướng tới thị trường. Nhưng những thay đổi đó chưa đủ cho mô hình quản lý ở thế kỷ 21. Thách thức đối với quản lý trong thế kỷ 21 là sẽ phải đáp ứng những nhu cầu khác nhau và luôn thay đổi của các cổ đông, khách hàng và nhân viên. Nhiều mô hình tổ chức trong thế kỷ 21 sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác cũng như cạnh tranh. Thành công về quản lý sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của một mạng sáng tạo, trong đó có sự hợp tác có khả năng kích thích đổi mới không chỉ trong nội bộ một tổ chức mà còn thông qua toàn bộ mạng sáng tạo mà các tổ chức là thành viên. Theo Rosabeth Moss Kanter, nhà tư tưởng lỗi lạc đồng thời là giáo sư Trường Đại học Kinh doanh Havard, “tư duy muôn màu muôn vẻ” là vũ khí giúp nhà lãnh đạo ứng phó với các thách thức trong thế kỷ 21. Biểu tượng của kỷ nguyên công nghiệp chế tạo hàng loạt ở thế kỷ 20 là dây chuyền kỹ thuật. Một thế kỷ sau đó, chúng ta cần một biểu tượng mới cho kỷ nguyên thông tin toàn cầu. Giáo sư Kanter gọi “ống kính vạn hoa” là biểu tượng của những mẫu hình liên tục thay đổi và những tiềm năng mới vô tận, được tiếp thêm sức mạnh bởi trí tưởng tượng của con người.

Với tất cả những giá trị đã nêu trên, “Quản lý trong thế kỷ 21” chính là kim chỉ nam không chỉ cho những nhà quản lý, những sinh viên đang học và sẽ học quản lý mà còn cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai của thế giới.