Tham gia TPP có thể phát sinh nhiều kiện tụng

Những tiêu chuẩn hết sức khắt khe trong vấn đề sở hữu trí tuệ phía Mỹ đề xuất trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là sẽ gây khó khăn cho giới doanh nghiệp trong nước và phát sinh nhiều kiện tụng liên quan.

Tham gia TPP có thể phát sinh nhiều kiện tụng

Các chuyên gia cho rằng đụng đến vấn đề nào cũng rất gian nan khi Việt Nam là quốc gia nghèo nhất trong số 12 thành viên đàm phán, và sự chênh lệch về trình độ phát triển đã khiến cho rất nhiều vấn đề, cho đến nay vẫn chưa giải quyết được như doanh nghiệp nhà nước, quy tắc xuất xứ, và đặc biệt là vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT). Bởi các đề xuất của phía Mỹ về SHTT ngày một rộng hơn, không chỉ nhãn hiệu, kiểu dáng, mà còn mở rộng ra cả âm thanh, mùi thơm…, những điều mà Việt Nam từ trước đến nay chưa áp dụng.

Một số quy định mới được đưa ra như bảo hộ cả phương pháp phòng ngừa, chuẩn đoán trong y tế, cũng như đề nghị kéo dài thời gian bảo hộ quyền sáng chế cũng được cho là sẽ gây hại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam là chỉ dẫn địa lý thì lại được xem nhẹ, với việc chỉ là một nhãn hiệu thương mại thông thường.

Theo thống kê thì hiện Việt Nam có khoảng 933 sản phẩm, dịch vụ gắn với 721 địa danh, trong đó có khoảng 800 sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 136 sản phẩm chỉ dẫn địa lý được đăng ký. Một khi đề xuất của Mỹ được chấp thuận, các thương hiệu nông sản của Việt Nam sẽ bị xâm hại.

Có thể nhận thấy, phía Mỹ đang đưa ra các quy định hết sức khắt khe, vượt quá những tiêu chuẩn trong TRIPS, Hiệp định về quyền SHTT liên quan đến thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính điều này dẫn đến một số quốc gia phản đối kịch liệt, trong đó có Việt Nam, và đến nay vấn đề SHTT vẫn là một rào cản khó vượt trong các vòng đàm phán.

Theo các chuyên gia, các nhà đàm phán Việt Nam cần kiên quyết phản đối những đề xuất khắc nghiệt của phía Mỹ, và cố gắng giữ được các tiêu chuẩn hiện hành trong TRIPS. Nếu không, luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam sẽ lại tiếp tục phải sửa đổi, và giới doanh nghiệp sẽ ngày càng đối mặt với các vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề này.

Những yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (yarn forward), theo ông Vũ Xuân Hưng, Phó trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TPHCM, có mặt tích cực là thúc đẩy và khuyến khích việc đầu tư ngành sợi. Thế nhưng, thách thức cũng ở đó, vì đầu tư vào ngành này là cực kỳ tốn kém. Ở Việt Nam, đa số vẫn là các doanh nghiệp dệt may, và cơ hội có thể trao vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Những nhận định của ông Hưng xuất phát từ Hiệp định tự do thương mại của Mỹ và Hàn Quốc, và các suy đoán cho thấy các đề xuất phía Mỹ đưa ra sẽ dựa trên hiệp định này.

Do tài liệu đàm phán, với những đề xuất của các thành viên tham gia vẫn còn bí mật, nên các chuyên gia, hoặc dựa trên những suy đoán từ các hiệp định riêng rẽ, hoặc dựa trên các bản tài liệu rò rỉ trên mạng.

Tuy nhiên, bản rò rỉ mới nhất được Wikileak đưa ra về dự thảo các chương đàm phán TPP của Mỹ, thì vẫn chưa được các chuyên gia nói tới.

@NPKlaw.com