Các giao dịch trên thị trường giúp cả người mua và người bán cùng được lợi. Bài viết tuần rồi cho thấy cách đo lường lợi ích mà người ăn phở nhận được. Bài viết kỳ này nói về cách các nhà kinh tế đo lường lợi ích mà tiệm phở thu được từ các giao dịch trên thị trường.
Chúng ta phân tích lợi ích của nhà sản xuất theo đường cung phở ở hình bên. Trục tung thể hiện giá (VND/tô phở) và trục hoành thể hiện lượng cung (số tô phở/thời điểm nhất định). Đường cung cho ta biết số tô phở sẽ được cung ứng ở một mức giá bất kỳ. Giá càng cao, càng có nhiều tô phở được bán.
Trong một thị trường cạnh tranh, các nhà sản xuất đều bán tại mức giá cân bằng (P*). Nhưng đồ thị cho thấy một số nhà sản xuất sẵn sàng sản xuất ở một mức giá thấp hơn P*. Do có hiệu quả cao hơn, họ có thể sản xuất thêm lượng hàng với giá thành đơn vị thấp hơn. Những người này sẽ thu được thặng dư sản xuất bằng với chênh lệch giữa mức giá mà họ muốn bán và mức giá họ thật sự bán được.
Tổng thặng dư nhà sản xuất được xác định bởi diện tích nằm trên đường cung, nhưng dưới đường giá P* (phần diện tích được tô đậm trên đồ thị). Tại mức giá cân bằng P*, họ sẽ không sản xuất nhiều hơn lượng . Giá thấp hơn P* hay lượng thấp hơn đều làm giảm thặng dư nhà sản xuất.
Bài viết lần sau sẽ định nghĩa phúc lợi xã hội và chứng minh phúc lợi xã hội đạt tối đa tại mức giá và lượng cân bằng thị trường.