Các nhà kinh tế học yêu thích xe máy

Các nhà kinh tế học yêu thích thị trường xe máy vì đây là một ví dụ rõ nét về những tác động đối với cân bằng thị trường như đã mô tả trong những bài viết trên mục này những kỳ trước. Các tác động này có thể xảy ra cùng lúc và được phản ánh qua những thay đổi về giá và lượng cân bằng. Tuy nhiên, để phân biệt ta sẽ trình bày rõ từng tác động một.

Các nhà kinh tế học yêu thích xe máy

Tác động thứ nhất, thu nhập người tiêu dùng đã gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu mua xe máy cũng tăng theo. Trong một khoảng thời gian nhất định, mức cầu cao làm cho người bán xe máy có thể tăng giá.

Tác động thứ hai, do cầu tiêu dùng xe máy ở Việt Nam tăng mạnh nên các nhà sản xuất Trung Quốc chọn Việt Nam làm thị trường xuất khẩu xe máy. Cung xe máy với giá rẻ (với chất lượng thấp) tăng nhanh và một lượng lớn người tiêu dùng đã chọn mua xe Trung Quốc thay vì mua xe lắp ráp trong nước: lúc này cầu xe máy lắp ráp trong nước giảm dẫn đến giá và lượng cân bằng ở thị trường xe máy nội địa giảm. Công ty Honda phản ứng bằng cách trình làng một mẫu xe mới, đó là Wave Alpha, với giá tương đương giá xe Trung Quốc nhưng chất lượng tốt hơn. Kết quả là người tiêu dùng được lợi từ sự cạnh tranh này : họ có nhiều chọn lựa hơn với giá thấp hơn.

Tác đông thứ ba, Chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách thương mại hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện xe máy trong nước. Nếu sản phẩm xe máy của các nhà sản xuất có hàm lượng nội địa thấp, thì họ phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện cao. Chi phí tăng do thuế nhập khẩu sẽ đẩy giá thành lắp ráp xe máy lên và hạ thấp sản lượng xe máy lắp ráp lúc này đang ở trạng thái cân bằng. Các nhà sản xuất xe máy lắp ráp và người tiêu dùng nội địa phải chịu phí tổn cao hơn trong khi các nhà sản xuất linh kiện trong nước cưỡi xe bát phố một cách khoái chí.