Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 18 – còn gọi là tam trung toàn hội – khai mạc tại Bắc Kinh ngày 9-11, được coi là một trong những sự kiện có ý nghĩa quyết định của Trung Quốc và thế giới trong năm nay.
CPC có vị trí đặc biệt trong 30 năm cải cách của Trung Quốc. Trước đó, phiên họp toàn thể lần thứ 3 năm 1978 mở màn cho cải cách và mở cửa của Trung Quốc, phiên họp toàn thể lần thứ 3 năm 1993 xác định phương châm chính sách chủ nghĩa xã hội theo định hướng thị trường, biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 3 năm nay, Trung Quốc đối mặt với nút quan trọng: Một mặt, khối lượng kinh tế và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới ở mức cao trước nay chưa từng có; Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, môi trường ô nhiễm, dân số lão hóa, chênh lệch giàu nghèo gia tăng..
Nhiều nhà quan sát quốc tế đang cố gắng tìm các dấu hiệu phát triển trong 10 năm tới của Trung Quốc trong phiên họp toàn thể lần này. Phiên họp này cũng có ý nghĩa quan trọng liên quan đến dự đoán “kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trong 10 năm tới”.
Khởi đầu mới?
Bắt đầu từ thứ Bảy và kết thúc vào thứ Ba, các nhà lãnh đạo sẽ mở cuộc họp thứ 3 trong nhiệm kỳ thứ 18. Các vấn đề được đưa ra bàn thảo luận có cải cách ngân hàng và thuế khóa, quyền sử dụng đất và hệ thống đăng ký hộ khẩu trong nước.
Cuộc họp không phải lúc nào cũng quan trọng, theo các chuyên gia, nhưng có lúc không thể phủ nhận vai trò của nó trong việc thúc đẩy đất nước – như khi cựu lãnh tụ Trung Quốc Ðặng Tiểu Bình phát động cải cách và cởi trói kinh tế Trung Quốc tại tam trung toàn hội năm 1978.
Nhà báo nổi tiếng Dương Kế Thằng tin rằng các thách thức xã hội của Trung Quốc sẽ tiếp tục tệ hại đến khi chính phủ thừa nhận cải cách chính trị cũng quan trọng như cải cách kinh tế.
Cải cách kinh tế
Tại các cuộc họp CPC lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đề xuất lộ trình cho đất nước trong 5-10 năm tới.
Trong 3 thập niên qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc làm hàng triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo khó và tạo dựng nên cường quốc kinh tế đứng sau Mỹ. Nhưng nay, khi tăng trưởng chậm lại và các vấn đề xã hội nhân lên, ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng mô hình kinh tế thành công lâu nay của Trung Quốc cần thay đổi.
Các chuyên gia phân tích nói Trung Quốc đã dựa quá nhiều vào lao động, xuất khẩu hàng hóa và nguồn lực rẻ tiền như than đá để nuôi dưỡng tăng trưởng kinh tế. Nay, khi lương tăng lên, kinh tế toàn cầu chao đảo và công chúng Trung Quốc ngày càng lo ngại về môi trường ô nhiễm, người dân đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị CPC để giải quyết các vấn đề trên.
@NPKlaw.com