Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Để cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 sắp tới, ngày 1/10, Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, ban, ngành ở trung ương, địa phương và đại diện các nhóm xã hội.

Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Luật Hôn nhân và gia đình còn nhiều bất cập

Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội khóa X thông qua ngày 9/6/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/20001. So với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986 thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có một bước tiến lớn, hoàn thiện hơn nhiều về cả nội dung và hình thức. Luật đã góp phần quan trọng vào việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam; quy định tương đối đầy đủ về nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình; kết hôn; quan hệ giữa vợ và chồng; ly hôn; quan hệ cha, mẹ, con, các thành viên khác trong gia đình; bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt quyền của phụ nữ, trẻ em trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, Luật Hôn nhân và gia đình đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định của Luật còn cứng nhắc, chưa tạo được cơ chế pháp lý linh hoạt phù hợp với tính đa dạng về điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình; một số quy định có tính khả thi chưa cao, khó áp dụng trong thực tế. Một số quan hệ về hôn nhân và gia đình đã và đang tồn tại lại chưa được Luật quy định hoặc quy định chưa cụ thể như: nam, nữ sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, chung sống giữa nhưng người cùng giới tính, mang thai hộ, ly thân… Vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để vừa giải quyết được những yêu cầu khách quan vừa đáp ứng được các quan điểm mới của Đảng về tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Công nhận tập quán thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với các tập quán tốt đẹp

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cho rằng, tập quán giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc ít người ở lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Thực tiễn cho thấy, trong một số trường hợp người dân đã lựa chọn tập quán để áp dụng, cách làm này đã giải quyết một cách ổn thỏa các vấn đề phát sinh mà không cần sự can thiệp của pháp luật. Công nhận tập quán thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với các tập quán tốt đẹp, tôn trọng sự lựa chọn của các bên, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng về văn hóa của các dân tộc.

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế Bộ Tư pháp cũng cho rằng, Điều 6 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành còn mang tính khẩu hiệu. Bởi thực tế có những quan hệ hôn nhân gia đình có cả pháp luật và tập quán điều chỉnh, nên đương sự không biết thực hiện như thế nào. Ví dụ, ở Lào Cai có một tập quán rất tốt đẹp là khi bố mẹ chết đi, con cái không ai nuôi thì dòng họ sẽ có trách nhiệm nuôi. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi bố mẹ chết đi thì anh chị em ruột, ông bà, họ hàng có trách nhiệm nuôi dưỡng. Đây là sự không thấu đáo của pháp luật, cần phải bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn vấn đề này khi quy định được áp dụng tập quán nếu không trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình và không vi phạm các điều cấm của Luật này. Đây là biểu hiện sự tôn trọng của Nhà nước ta đối với tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, không nên cho phép áp dụng tập quán trong trường hợp này vì nước ta có tới 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có tập quán riêng của mình. Việc cho phép áp dụng tập quán sẽ làm suy yếu vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hôn nhân cùng giới tínhThay “cấm” bằng “không thừa nhận”

TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, Điều 17 d Dự thảo quy định “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính” nhưng lại cho phép giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới là một quy định chưa thống nhất. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp sẽ gây khó khăn cho việc giải thích và áp dụng luật.

TS Dương Đăng Huệ cho biết: Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính” mà thay bằng cụm từ “không thừa nhận”. Sự biểu cảm, sắc thái của hai thuật ngữ rất khác nhau. Từ “cấm” nghe rất nặng nề, trong khi “không thừa nhận” có ý nghĩa nhẹ hơn. Dự thảo Luật chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính nhưng đã nêu ra những quy định để chống kỳ thị với người đồng tính; tôn trọng quyền chung sống của họ; cách giải quyết hậu quả của việc sống chung. Ông giải thích thêm, sở dĩ chưa thể thừa nhận kết hôn cùng giới tính bởi đây vẫn là vấn đề nhạy cảm với xã hội Việt Nam. Cả thế giới có 193 quốc gia nhưng đến nay mới chỉ 16 quốc gia cho phép kết hôn cùng giới tính. Thậm chí, Pháp là đất nước rất văn minh, tiến bộ cũng chỉ vừa mới cho phép người cùng giới tính kết hôn. Vấn đề hôn nhân cùng giới đã được nước Pháp đưa ra bàn thảo từ những năm 80 thế kỷ trước. Vậy mà khi Tổng thống Pháp ký sắc lệnh công nhận hôn nhân đồng tính, đã có một làn sóng dư luận phản đối kịch liệt. Ở Việt Nam, vấn đề này mới được đưa ra bàn thảo những năm gần đây. Muốn thừa nhận điều này cần phải có lộ trình và Nhà nước phải giải quyết nhân đạo trên cơ sở quyền của người đồng tính. Cho nên, không thể ngay lập tức thừa nhận hôn nhân đồng tính.

Đồng tính với quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Cừ, Khoa Pháp luật dân sự – Đại học Luật Hà Nội đánh giá: Luật bỏ quy định “cấm” bằng “không thừa nhận” là phù hợp với xã hội hiện nay và cũng là bước đệm cần thiết để thay đổi nhận thức của người dân. Việt Nam là nước châu Á nên có nền văn hóa Á Đông. Quan niệm về kết hôn nam nữ, sinh con duy trì nòi giống đã ăn sâu vào tiềm thức. Sở dĩ chúng ta không thấy nặng nề trước vấn đề quan hệ đồng tính vì ở thành thị, nhận thức của người dân tốt hơn. Nhưng ở nông thôn, ước tính vẫn còn hơn 80% người dân chưa nhận thức được về vấn đề này. Vẫn còn số đông người Việt không dễ chấp nhận cho phép kết hôn cùng giới. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, pháp luật chỉ không đăng ký kết hôn chứ không cấm người đồng tính tổ chức đám cưới.

Trên thực tế, một số người đồng tính cho rằng, việc phải có lộ trình để hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính là một suy nghĩ nguy hiểm. Tại sao các cặp khác giới không cần lộ trình mà cặp đồng tính phải cần? Có phải bản chất người đồng tính muốn kết hôn với người mình yêu thì cần phải chờ đợi 10, 20, 30 năm hay không? Tại sao xem rằng hôn nhân cho người đồng tính là đột phá hay quá mức, trong khi đó vẫn là quyền tối thiểu mà công dân 18 tuổi nào cũng đều có.

Ông Lương Thế Huy, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội và Môi trường đặt câu hỏi, dù pháp luật đã điều chỉnh quan hệ của người đồng tính, nhưng vẫn không thừa nhận, liệu có giải quyết hết những vấn đề phát sinh? Bởi một cặp nam nữ kết hôn, luật pháp giải quyết gần 100 quyền và nghĩa vụ phát sinh liên quan. Còn việc không thừa nhận mà cho sống chung, mới chỉ giải quyết được một vấn đề là hậu quả việc sống chung. “Hôn nhân cho tất cả mới là cách giải quyết trọn vẹn và bình đẳng nhất”, ông Huy nhấn mạnh.

Một phụ huynh đại diện cho những người có con đồng tính cho rằng, thuật ngữ “không thừa nhận” càng làm người đồng tính tăng thêm cảm giác bị kỳ thị. Tại sao chúng ta phải e ngại khi mới chỉ 16 nước công nhận? Chúng ta không phải nhìn vào các nước đó, nếu điều gì có lợi cho công dân nước mình thì Nhà nước cứ làm. Vị phụ huynh này cũng phân tích, công nhận hôn nhân cùng giới tính, xã hội sẽ không mất gì và người đồng tính cũng không lấy gì của người dị tính. Ngược lại, gia đình và bản thân người đồng tính sẽ yên tâm, hạnh phúc hơn khi con cái họ được pháp luật bảo vệ, xã hội chấp nhận và sẽ không còn những người là nạn nhân của những cuộc hôn nhân giả tạo.

Mang thai hộ: Quy định mới tiến bộ

Dự thảo Luật quy định về mang thai hộ là một vấn đề mới, mang tính nhân đạo cao. Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng có nguy cơ tan vỡ nếu không có con nối dõi. Việc có con là nhu cầu chính đáng. Thực tế, có gần 8% dân số vô sinh, nếu chúng ta cấm, họ sẽ làm chui. Vì vậy, pháp luật phải quy định cụ thể vấn đề này.

TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, hiện nay, nhiều cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có nguyện vọng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ bằng biện pháp mang thai hộ. Do đó, việc pháp luật cấm mang thai hộ dưới mọi hình thức đã tạo ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Việc áp dụng điều cấm nói trên trong thời gian qua cho thấy, việc mang thai hộ diễn ra và Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích của những trẻ em được sinh ra từ việc mang thai hộ. Do đó, pháp luật cần có phương thức điều chỉnh hợp lý để vừa giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc mang thai hộ, vừa tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng được thực hiện nguyện vọng làm cha, làm mẹ.

Ông Chris Fontaine, Cố vấn Quan hệ đối tác, Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đánh giá đây là quy định tiến bộ của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, ông đề xuất cần mở rộng đối tượng đủ điều kiện sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản; xóa bỏ việc đề cập những bệnh truyền nhiễm cụ thể trong phần cấm không được mang thai hộ; xóa bỏ HIV khỏi danh sách cấm sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản; xem xét lại quy định bên mang thai hộ không có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ hỗ trợ tài sản hoặc thu nhập cho việc chăm sóc thai và sinh đẻ.

@NPKlaw.com