Chính phủ vừa cho phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước lên 20% vốn điều lệ từ mức 15% trước đây. Nội dung trên được nêu tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20-2-2014.
Trước đây, một nhà đầu tư chiến lược không được sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ của một ngân hàng trong nước, tuy nhiên có thể tăng lên 20% nếu được sự đồng ý của Thủ tướng đối với từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, nghị định mới cũng nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và các cá nhân liên quan tại một tổ chức tín dụng từ 15% trước đây lên 20%. Tuy nhiên, tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%, tỷ lệ này không thay đổi so với trước đây.
Điều này có nghĩa là nếu một ngân hàng đã bán hết 30% cổ phần cho các cổ đông nước ngoài thì không một tổ chức hay cá nhân nước ngoài nào, kể cả cổ đông chiến lược đang nắm 15%, có thể mua thêm cổ phần để tăng sở hữu tại ngân hàng đó.
Một cá nhân nước ngoài có thể sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng theo nghị định trên.
Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài kể trên sẽ bao gồm luôn cả phần vốn mà nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho cá nhân, tổ chức khác mua cổ phần tại ngân hàng trong nước.
Nghị định lần này có đề cập đối với các tổ chức tín dụng cần phải được tái cơ cấu, Chính phủ cho phép tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có thể vượt mức tối đa quy định ở trên. Tuy nhiên, các tổ chức này phải xây dựng phương án mua cổ phần và cơ cấu lại tổ chức tín dụng để trình Ngân hàng Nhà nước xem xét và trình Thủ tướng quyết định.
Theo nghị định mới, để có thể nắm 10% cổ phần của một ngân hàng trong nước, tổ chức nước ngoài đó phải có tổng tài sản thấp nhất là 10 tỉ đô la Mỹ nếu là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, hoặc có vốn điều lệ thấp nhất 1 tỉ đô la Mỹ nếu là tổ chức khác vào năm liền kề trước năm mua cổ phần.
Chỉ có ngân hàng nước ngoài mới có thể trở thành nhà đầu tư chiến lược (nắm 20% cổ phần) của một ngân hàng trong nước, và phải có tổng tài sản tối thiểu 20 tỉ đô la Mỹ vào năm liền kề trước, không nắm từ 10% trở lên cổ phần tại một tổ chức tín dụng khác ở Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu từ 10% trở lên cổ phần tại một tổ chức tín dụng Việt Nam không được chuyển nhượng cổ phần trong vòng ba năm kể từ thời điểm sở hữu từ 10% trở lên.
@NPKlaw.com