Việt Nam chịu 73 vụ kiện phòng vệ thương mại trong vòng 20 năm.

Từ năm 1995 cho đến tháng 3/2014, đã có tổng cộng 73 vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.Số liệu trên được Cục Quản lý cạnh tranh (CQLCT) thuộc Bộ Công Thương cung cấp hôm 14/3/2014 tại hội thảo về ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại do CQLCT và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức tại TPHCM.

Việt Nam chịu 73 vụ kiện phòng vệ thương mại trong vòng 20 năm.

Trong đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chịu 43 vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), 15 vụ kiện tự vệ, 5 vụ chống trợ cấp và 10 vụ chống lẩn tránh thuế. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2014 đã có hai vụ kiện tự vệ liên quan đến hàng hóa Việt Nam.

Cụ thể, thép (13 vụ), giày (7 vụ) và sợi (4 vụ) là ba mặt hàng chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) nhất. Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Brazil lần lượt là các nước có doanh nghiệp khởi kiện nhiều nhất đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại thuộc Cục quản lý cạnh tranh, bên cạnh Mỹ, EU, trong những năm gần đây Thổ Nhĩ Kỳ là nước khởi kiện nhiều đối với hàng hóa của Việt Nam.

Các số liệu trên cũng cho thấy trong những năm gần đây, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hay bị ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ thương mại do các nước đang phát triển như Indonesia, Thái Lan,… áp dụng.

Đây là biện pháp được áp dụng nhanh vì bên khởi kiện không tốn nhiều công sức thu thập số liệu như CBPG hay chống trợ cấp. Ngoài ra, một vụ kiện tự vệ thường không nhắm tới một bị đơn cụ thể, nên doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm, nhưng lại bị thiệt hại nhiều nếu đây là thị trường chủ lực của doanh nghiệp.

@NPKlaw.com